Tình huống giữa Mỹ và các công ty bình phong Trung Quốc giờ có thể ví như trò chơi "đập chuột", dẫn đến việc các lệnh trừng phạt phản ứng quá chậm.

Mỹ đang áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn để ngăn Trung Quốc tiếp cận được các loại chip mới nhất, lo ngại chúng sẽ được sử dụng trong các hệ thống vũ khí tối tân chống lại Washington.

Tuy nhiên, nhiều công ty Trung Quốc vẫn có thể mua được phần cứng tiên tiến của Hoa Kỳ, ngay cả khi Nvidia và các công ty công nghệ lớn khác tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ của Mỹ.

Theo các báo cáo được Tom's Hardware dẫn lại, các công ty Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật lập công ty bình phong để mua phần cứng tiên tiến cho đến khi bị phát hiện - như trong trò chơi đập chuột.

Tờ New York Times thông tin rằng đã có các giao dịch chỉ từ vài trăm GPU cho đến những thương vụ lớn trị giá 103 triệu USD. Trong đó, bên mua bao gồm các công ty thuộc sở hữu hoặc liên kết với nhà nước Trung Quốc và các tập đoàn làm việc cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Loạt công ty bình phong đang giúp các công ty Trung Quốc tiếp cận chip cao cấp từ Mỹ hoặc Nvidia. (Ảnh minh họa: 123rf)

Loạt công ty bình phong đang giúp các công ty Trung Quốc tiếp cận chip cao cấp từ Mỹ hoặc Nvidia. (Ảnh minh họa: 123rf)

Mặc dù không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy những sản phẩm cao cấp được bán cho thị trường Trung Quốc, nhưng không có công ty công nghệ lớn nào có thể kiểm soát hoàn toàn mạng lưới phân phối của mình. Mặc dù họ có thể theo dõi khách hàng trực tiếp của mình và thậm chí có thể là người mua thứ cấp, nhưng việc theo dõi con đường của sản phẩm cho tới người dùng cuối sẽ không chỉ tốn thời gian mà còn tốn kém, thậm chí ảnh hưởng tới quan hệ khách hàng.

Một vấn đề khác mà chính quyền Mỹ gặp phải là việc thành lập một công ty và mua chip đời mới trước khi lệnh cấm giáng xuống là rất dễ dàng. Ví dụ, Mỹ đã cấm Sugon mua chip của Nvidia sau khi có bằng chứng rằng quân đội Trung Quốc là khách hàng của công ty này. Một số cựu giám đốc điều hành của công ty sau đó đã thành lập một công ty mới có tên là Nettrix. Trong 6 tháng, công ty này trở thành một trong những nhà sản xuất máy chủ AI lớn nhất Trung Quốc.

Vì công ty này còn quá mới nên Mỹ chưa thể xem xét kỹ lưỡng và kiểm tra lý lịch của nó. Trong khi đó, Nvidia, Intel và Microsoft đã bắt đầu kinh doanh với Nettrix mà không vi phạm bất kỳ luật nào của Mỹ.

Có lẽ cách duy nhất Nhà Trắng có thể "triệt tiêu" cửa hậu thương mại của Trung Quốc là đảm bảo rằng chỉ những người mua được cấp phép trong danh sách trắng mới có thể mua chip. Tuy nhiên, đang có những cuộc vận động hành lang chống lại lệnh cấm ngày càng thắt chặt, cho rằng chúng gây hại nhiều hơn là có lợi cho các công ty Mỹ.

Trung Quốc và Mỹ đang có một "cuộc chiến vi mạch" từ cuối nhiệm kỳ ông Trump, và cả hai đều đang cố gắng giành giật vị trí dẫn đầu về AI và các công nghệ tiên tiến khác.

Các nhà chức trách Mỹ thừa nhận rằng một số thiết bị công nghệ cao sẽ lọt qua khe hở trong hàng loạt lệnh trừng phạt và cấm vận công nghệ. Tuy nhiên, họ nói rằng mục đích chính của các động thái từ Washington là kìm hãm công nghệ của Bắc Kinh, đồng thời thúc đẩy các khoản đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn để giúp Mỹ mau chóng vượt xa Trung Quốc.

https://vtcnews.vn/cong-ty-binh-phong-giup-trung-quoc-qua-mat-my-thoai-mai-mua-chip-ai-ar887666.html

THẠCH ANH(Nguồn: Tom's Hardware) / VTC News