Một nhà sản xuất ở Florida tồn kho đến 30 triệu chiếc khẩu trang N95 vì không cạnh tranh nổi hàng Trung Quốc tại quê nhà.
DemeTech, một nhà máy có trụ sở tại Miami, cho rằng sự ế ẩm của mình là do khẩu trang N95 giá rẻ hơn của Trung Quốc. Mọi chuyện bắt đầu vào năm ngoái, khi Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán.
Tháng 4/2020, theo cuộc thăm dò của Premier - công ty cung cấp thiết bị cho 4.100 bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Mỹ, cho biết khẩu trang N95 lúc bấy giờ thiếu hụt lớn. Google, Amazon và Facebook phải cấm quảng cáo và bán mặt hàng này để ngăn tình trạng tích trữ và dành khẩu trang cho nhân viên y tế.
Chớp lấy thời cơ, DemeTech, một công ty gia đình chuyên sản xuất chỉ khâu, đã nâng cấp dây chuyền để sản xuất khẩu trang N95. Sau 9 tháng với hàng chục triệu USD đầu tư, khẩu trang N95 của DemeTech được chính phủ liên bang phê duyệt. Nhưng điều trớ trêu là công ty không thể tìm đủ khách hàng.
Dây chuyển sản xuất khẩu trang N95 trong nhà máy DemeTech. Ảnh: AFP. |
"Có khoảng cách đáng tiếc giữa các nhà sản xuất và những người muốn mua sản phẩm", Luis Arguello, Phó chủ tịch công ty cho biết. Ông nói rằng có hai nguyên nhân.
Đầu tiên, các bệnh viện Mỹ thích mua sỉ khẩu trang rẻ hơn từ Trung Quốc. Một hộp 20 chiếc N95 của DemeTech có giá bán lẻ 75 USD. Giá bán buôn chỉ bằng một nửa, nhưng vẫn đắt hơn sản phẩm của Trung Quốc. "Chúng tôi đắt hơn đáng kể vì sử dụng nguyên liệu thô và lao động của Mỹ", ông nói.
New York Times đưa tin tuần trước rằng gần 20 công ty như DemeTech đang phải vật lộn để bán khẩu trang N95, bất chấp những lời hứa của chính phủ - dưới thời Donald Trump và bây giờ là Joe Biden - về việc hỗ trợ các nhà sản xuất Mỹ.
Thứ hai, các công ty Mỹ không thể bán lẻ khẩu trang trực tuyến vì không thể quảng cáo do lệnh cấm của các công ty như Google và Facebook. "Hầu hết các công ty kỹ thuật số nghĩ rằng họ đang làm tốt vì muốn dành sản phẩm cho bệnh viện và các bác sĩ. Nhưng chúng tôi dư thừa công suất. Chúng tôi có rất nhiều khẩu trang trong kho. Tại đây, chúng tôi có khoảng 30 triệu chiếc", Luis Arguello nói.
Premier cho biết họ đã mua khẩu trang từ các nhà sản xuất Mỹ như DemeTech. Nhưng cuối cùng chính bệnh viện mới là người quyết định họ mua gì. Một số đơn vị phải phê duyệt sản phẩm trong hệ thống kiểm tra riêng của họ. Hiện nay, họ rất cảnh giác với những nhà cung cấp mới, chưa qua kiểm tra, vì đã có rất nhiều gian lận chất lượng xảy ra thời gian qua.
David Hargraves - Phó chủ tịch cấp cao về các vấn đề chuỗi cung ứng của Premier, cho biết thêm, một năm sau đại dịch, khẩu trang N95 đã vượt qua sự thiếu hụt ban đầu, nhưng vẫn là hàng hóa bị hạn chế.
Nhu cầu về khẩu trang N95 đã tăng 500% kể từ tháng 7/2020. Nhưng các nhà sản xuất mới cũng đã có mặt trên thị trường và các bệnh viện trung bình có nguồn cung cấp đủ dùng trong 150 ngày. Tuy nhiên, ông cho rằng "cần phải cẩn thận về việc quá lạc quan". Bất kỳ thay đổi nào với cung - cầu cũng có thể làm tổn hại đến thị trường mong manh này và đưa nó quay lại tình trạng thiếu hụt.
Arguello nói rằng công ty đang ở ngã rẽ, với hai kịch bản. "Chúng tôi có thể thuê thêm 3.000 lao động mới, tiếp tục sản xuất và giúp đỡ nền kinh tế. Hoặc thông điệp của chúng tôi sẽ không được đón nhận và sẽ phải sa thải rất nhiều, thậm chí tất cả 1.500 nhân viên đang sản xuất khẩu trang của mình".
Phiên An (theo AFP)
Biden sẽ yêu cầu dân Mỹ đeo khẩu trang Biden nói sẽ yêu cầu dân Mỹ đeo khẩu trang trong 100 ngày đầu ông nhậm chức tổng thống, thể hiện cách chống dịch khác ... |
Phạt nằm quan tài vì không đeo khẩu trang Người vi phạm quy định đeo khẩu trang ở Jakarta được chọn nằm trong quan tài "suy ngẫm" thay vì nộp phạt hoặc lao động ... |