Nếu được thông qua đề án "giải cứu" sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng, Công ty thoát nước sẽ lập phương án phát triển du lịch, giao thông thuỷ.
Nước sông Tô Lịch ngày 11/7, sau hai ngày được xả nước từ Hồ Tây. Ảnh. Bá Đô |
Ngày 13/7, lãnh đạo Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội (Công ty) cho biết đã trình UBND thành phố đề xuất giải cứu sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng; lãnh đạo thành phố đang giao cho các Sở ngành liên quan xem xét theo quy định.
Cụ thể, nếu được thành phố chấp thuận đề xuất, Công ty sẽ phối hợp với các đơn vị xây dựng hệ thống trạm bơm công suất 156.000 m3/h dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây, sau đó nước sẽ được xả từ hai cửa Hồ Tây A và B chảy vào sông Tô Lịch.
Theo ông Phan Hoài Minh, Phó tổng giám đốc Công ty, phương án nêu trên sẽ đồng bộ với hai giải pháp mà Hà Nội đang và sẽ tiến hành để "giải cứu" sông Tô Lịch, bao gồm: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (làm sạch nguồn nước các sông Tô Lịch, Sét, Lừ và Nhuệ); đầu tư hệ thống cống hai bên sông để thu gom nước thải, giúp sông Tô Lịch không còn nguồn ô nhiễm.
"Chúng ta hình dung là với hai giải pháp trên thì sông Tô Lịch vẫn sẽ thiếu nước, không có dòng chảy, do vậy chúng tôi đề xuất thêm phương án bổ cập nước từ sông Hồng", ông Minh nói.
Lãnh đạo Công ty cho biết thêm, đề án "giải cứu" sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng còn hướng tới mục tiêu phát triển du lịch, vận tải thuỷ.
"Khi sông Tô Lịch hàng ngày được bổ cập nước sạch từ sông Hồng, có dòng chảy lưu thoát, tạo cảnh quan, Hà Nội có thể phát triển được một tuyến buýt đường thuỷ giúp giảm gánh nặng áp lực giao thông cho các tuyến đường trên cạn", lãnh đạo Công ty nói.
Theo vị này, sông Tô Lịch với chiều dài 14 km chạy qua 5 quận, huyện là tiềm năng tốt để khai thác vận tải công cộng đường thuỷ. Công ty cũng đề xuất thành phố xây dựng đập cao su ở cuối nguồn sông Tô Lịch, giúp điều tiết nước trên sông đạt độ cao nhất định, từ đó tàu thuyền và xe buýt đường thuỷ có thể lưu thông.
Về kinh phí làm dự án dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, lãnh đạo Công ty khẳng định "toàn bộ bằng nguồn vốn xã hội hoá, đầu tư ban đầu sẽ kêu gọi các nhà tài trợ, sau khi xây xong hạ tầng, thành phố sẽ trả phí vận hành, tiền bơm nước tính theo m3".
Trước băn khoăn về việc khi bơm nước sông Hồng giải cứu sông Tô Lịch, phía hạ nguồn và các huyện ngoại thành sẽ bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm đổ dồn về, ông Phan Hoài Minh nói, "đúng là trước đây có lần xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch, dòng nước bẩn chảy theo tới sông Nhuệ về tận Hà Nam và bị lãnh đạo tỉnh này phản ứng".
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng khi nước sông Hồng được điều tiết vào sông Tô Lịch thường xuyên thì sẽ pha loãng nguồn ô nhiễm, giảm thiểu mùi; ngoài ra khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành và trong tương lai có hệ thống cống thu gom nước thải hai bên sông Tô Lịch thì nguồn nước ô nhiễm sẽ được kiểm soát.
Dưới góc nhìn chuyên gia, GS Mai Đình Yên cho rằng nếu Hà Nội tiến hành đồng bộ cả ba giải pháp nêu trên thì sông Tô Lịch sẽ "sống lại".
"Gần đây thành phố xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch thì dòng sông đỡ ô nhiễm hơn, song cũng chỉ duy trì màu xanh trên sông được vài ngày. Tiến hành đồng thời các giải pháp trên sẽ rất tốn kém song có như vậy mới giải quyết được triệt để vấn đề ô nhiễm của con sông này", ông Yên nói.
Cũng đồng tình với đề xuất dẫn nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch, GS, TS Trương Thanh Lượng (Nguyên chủ tịch Hội đồng khoa học trường Đại học Thuỷ lợi) nói, Hồ Tây hiện có diện tích 528 ha, như vậy cứ bơm 10 cm nước ở hồ này vào sông Tô Lịch thì sẽ làm tăng thêm khoảng một mét nước, qua đó khôi phục được dòng chảy sông như trước đây.
Vị chuyên gia thuỷ lợi cũng đánh giá, "hiện số lượng đập, nhà máy thuỷ điện mọc lên nhiều ở thượng lưu sông Hồng đã khiến lượng bùn cát, phù sa giảm đi khoảng 1/8 so với 10 năm trước đây, do vậy việc xử lý bùn cát khi dẫn nước từ sông Hồng vào Hồ Tây sẽ thuận lợi hơn".
Trước đó ngày 9/7, Công ty Thoát nước Hà Nội xả hơn một triệu m3 nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch; sau ba ngày nước trên sông Tô Lịch chuyển từ đen sang xanh và mùi hôi thối cũng giảm dần; tuy nhiên, phía hạ lưu đoạn giáp với sông Lừ, sông Nhuệ thuộc quận Hoàng Mai, Thanh Trì, mực nước dâng cao khoảng 50 cm, có màu đen và sủi bọt trắng.
Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường. Ngày nay, sông Tô Lịch dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 280 cống xả nước thải.
Thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch đã được thành phố đưa ra từ hơn 10 năm qua nhưng đều không hiệu quả.
Hiện TP đang thí điểm hai giải pháp làm sạch sông bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản và chế phẩm Redoxy3C của Đức.
Xả 1 triệu m3 nước Hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch: Chuyên gia lên tiếng Các chuyên gia cho rằng, việc xả 1 triệu m3 nước Hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch không có ý nghĩa lâu dài, mà ... |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi: Sông Tô Lịch như người bệnh, chỉ đỡ xấu chứ không thể sạch GS Vũ Trọng Hồng cho rằng, các phương án làm sạch sông Tô Lịch hiện nay chỉ làm cho nó không xấu hơn, chứ sông ... |
Đón triệu khối nước từ Hồ Tây, sông Tô Lịch đen ngòm chuyển màu xanh mát Cả triệu m3 nước Hồ Tây được xả vào sông Tô Lịch làm nước sông chuyển sang màu xanh, giảm bớt mùi hôi thối. |