So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 khá ổn định, trong 11 nhóm hàng hóa thì có 10 nhóm tăng nhẹ, riêng nhóm giao thông giảm giá.
- Giá sách giáo khoa tác động đến CPI trên cả nước
- Bộ Tài chính: Biến động CPI chưa đến mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2024 khá ổn định, tăng giảm đan xen. Trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7, còn giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới.
So với tháng 12/2023, CPI tháng 8 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về việc riêng chỉ có nhóm giao thông giảm 1,98% (tác động làm giảm CPI chung 0,19 điểm phần trăm), Tổng Cục Thống kê lý giải, nguyên nhân chủ yếu là do: Giá dầu diesel giảm 7,05%; giá xăng trong nước giảm 5,83% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá vận tải hành khách bằng đường sắt giảm 4,09%; xe ô tô đã qua sử dụng giảm 0,28%...
Trong tháng 8. lạm phát cơ bản tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%).
CPI tháng 8 tăng 3,45% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa: Minh Đức).
Trong tháng 8, chỉ số giá vàng tăng 1,93% so với tháng trước; tăng 20,4% so với tháng 12/2023; tăng 31,05% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng, chỉ số giá vàng tăng 25,54%.
Trong khi đó, chỉ số USD giảm 0,64% so với tháng trước; tăng 3,55% so với tháng 12/2023; tăng 5,86% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng tăng 5,85%.
Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cũng cho thấy, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 đạt 37,59 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 233,33 tỷ USD, chiếm 88%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 đạt 33,06 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 230,95 tỷ USD, chiếm 93,9%.
Đối với thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 92,3 tỷ USD.
https://vtcnews.vn/cpi-thang-8-on-dinh-lam-phat-tang-0-24-ar894049.html