CSGT chưa thực sự mạnh tay với vi phạm của xe ba bánh, vì thế mà xe chở tôn, sắt cồng kềnh, nguy hiểm cứ luôn nghênh ngang như Chí Phèo đường phố, chẳng cần né ai.

Câu chuyện xe ba bánh trở thành hung thần đường phố do chở vật liệu xây dựng cồng kềnh, sắc nhọn lại một lần nữa làm nóng dư luận khi bó thép trên một chiếc xe như vậy đâm thủng kính xe bus trên phố Hà Nội ngày 8/5. Ngay hôm sau, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo công an tăng cường kiểm tra, xử lý xe thô sơ, xe cơ giới ba bánh, xe tự chế, các phương tiện giao thông chở hàng hóa cồng kềnh… Đã có nhiều đợt dư luận nóng lên như vậy, và rất nhiều đợt cơ quan chức năng ra văn bản, tổ chức các đợt ra quân cao điểm để xử lý.

Thế nhưng suốt nhiều năm qua, thực trạng này vẫn y nguyên. Xe ba bánh chở những tấm tôn nhọn sắc, những bó sắt thép dài gấp 4-5 lần chiều dài phương tiện chiếm hết lòng đường vẫn là hình ảnh quen thuộc đến nhức mắt ở Hà Nội. Chúng cứ thế nghênh ngang như Chí Phèo của đường phố, ai sợ thì tự tránh, còn bản thân không cần tránh né ai, thậm chí không né cả cảnh sát.

CSGT sao lại để xe ba bánh chở sắt thép nguy hiểm lộng hành đến vậy? - 1

 (Ảnh: Báo Nhân dân)

Vì sao những phương tiện nguy hiểm, vi phạm pháp luật đó lộng hành đến vậy, ngay cả khi lực lượng CSGT được bố trí khắp các ngã tư thủ đô? Dường như hoạt động của nhóm phương tiện này được “ưu ái” hơn các loại xe khác. Bao nhiêu xe ba gác, ba bánh tự chế chở vật liệu xây dựng cồng kềnh, chằng buộc sơ sài, không che, bọc phần nhọn sắc… đi qua các tổ công tác nhưng ít khi bị dừng kiểm tra. Có vẻ lực lượng chức năng ngại đụng chạm đến họ, vì có giữ lại cũng bị năn nỉ hoặc bị gây rắc rối.

Đại diện các đội cảnh sát giao thông đã không ít lần kêu khó khi chia sẻ với báo chí nguyên nhân sự nương nhẹ này. Nhiều chiếc xe thuộc sở hữu của thương binh, người khuyết tật, được thuê lại để chở hàng hóa. Khi kiểm tra, cảnh sát không thể thu giữ xe, việc xử phạt cũng bị gây khó dễ khi người vi phạm nhờ chủ xe đến xin hộ hoặc gây áp lực. Nhiều trường hợp thương binh, người khuyết tật không lái nhưng vẫn ngồi trên xe để xin khi cần. Vì nể nang, thông cảm và một phần cũng vì ngại rắc rối, cảnh sát giao thông đành bỏ qua và không mặn mà với việc siết chặt kiểm tra, xử lý xe ba bánh vi phạm. Lợi dụng điều này, một lượng lớn chủ xe ba bánh giả danh thương binh tha hồ lộng hành, số này đông gấp nhiều lần xe của thương binh thật.

Thực tế, cảnh sát giao thông chưa thực sự mạnh tay với các đối tượng trên, khiến họ ngày càng khinh nhờn các quy định, nghĩ rằng mình phải được dung túng, ưu tiên. Chiếc xe ba bánh được sản xuất với mục đích phục vụ một số thương binh, người khuyết tật, tạo điều kiện cho họ trong việc di chuyển, sinh sống, nhưng đã bị lợi dụng và lạm dụng, gây ra bao nhiêu vụ tai nạn, thậm chí chết người.

Nhưng kể ra những cái khó không phải để biện minh cho việc chấp nhận thực trạng. Người dân cũng dần chán ngán khi hết đợt ra quân này đến đợt cao điểm khác diễn ra theo kiểu “xuân thu nhị kỳ” rồi đâu lại vào đấy. Đã đến lúc lực lượng chức năng phải mạnh mẽ hơn, kiên quyết xử lý, phải dám đương đầu với áp lực và các rắc rối có thể gặp thay vì né tránh, đẩy cái khó cho dân.

Không chỉ cảnh sát giao thông, các lực lượng khác cũng cần phối hợp chặt chẽ. Chẳng hạn cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương phát hiện để xử lý những điểm sản xuất xe tự chế trái phép nhằm cung cấp cho những kẻ mạo danh thương binh.

Và điều quan trọng là, cho dù là ai, khi đi đã vi phạm thì phải được xử lý theo đúng các quy định của pháp luật. Không thể vì nể nang, vì ngại đụng chạm mà để cho những việc làm trái pháp luật, gây nguy hiểm cho cộng đồng được phép tồn tại mãi. 

https://vtc.vn/csgt-sao-lai-de-xe-ba-banh-cho-sat-thep-nguy-hiem-long-hanh-den-vay-ar676208.html

Văn Nguyễn / VTC News