Nhìn những người nghiện vào nghĩa trang nằm trên các phần mộ, bà Xuân Hương chỉ biết lẳng lặng đi vào nhà đóng cửa lại…
Nghĩa trang Kiến An - Ngọc Nữ ở phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM được hình thành từ cuối những năm 60, do một nhóm người hùn tiền mua đất làm nơi chôn cất người đã khuất.
Ban đầu chỉ có người thân trong hội được chôn cất tại đây. Sau đó, nghĩa trang đón nhận những người ngoài, ở nhiều nơi khác nhau đến chôn cất. Hiện nơi đây có tổng cộng hơn 1200 ngôi mộ của người đã khuất.
Vợ chồng bà Bùi Xuân Hương được các thành viên trong hội tin tưởng, cho xây nhà ở trên đất của nghĩa trang và có nhiệm vụ trông coi các phần mộ của người đã khuất. Khi chồng còn sống, hai ông bà cùng làm nghề trông mộ. Ông mất, bà vẫn tiếp tục làm việc. Đến nay, bà có thâm niên hơn 50 năm làm nghề...
Công việc của bà là lau chùi, quét sơn, nhổ cỏ, không cho người ngoài vào quậy phá các phần mộ. Khi người thân của người đã khuất đến thì dẫn đi thăm. Các ngày lễ, tết, ngày mất của người dưới mộ, nếu không có thân nhân đến, bà sẽ mua bánh trái thắp hương cho họ.
Năm nay đã bước sang tuổi 80, bà Hương vẫn chưa chịu nghỉ hưu. 2 giờ chiều ngày 14/10, tranh thủ trời mát, bà mang dao đi quanh những ngôi mộ gần nhà phát các cây dại. Xong bà nhổ cỏ, dùng khăn lau bụi, lá cây bám trên các phần mộ của người quá cố.
Bà Hương cho biết, có một số thân nhân của người mất đã có những việc thiếu thiện cảm với bà, nhưng bà không buồn. Điều bà mong là chăm sóc tốt cho các phần mộ. |
Dừng lại ở một ngôi mộ, bà thắp một nén nhang rồi đứng nhìn khá lâu. ‘Phần mộ này là của một cậu bé. Bé mất vì bị đuối nước khi mới 12 tuổi’, bà Hương nhớ lại.
Vào một ngày đầu năm 1990, người nhà đưa bé đến nghĩa trang chôn cất. Những ngày bé mới mất, bà Hương bị ám ảnh, thường nghĩ đến cảnh bé gào khóc.
‘Trông đến 1200 ngôi mộ, nhưng tôi chỉ thấy có điều lạ đó khi cậu bé mới mất. Còn lại, không có gì cả', cụ bà nói và cho biết mỗi năm đến ngày mất của bé, bà Hương đều đến thắp hương, trò chuyện với bé.
4 giờ chiều, bà Hương đi một vòng quanh nghĩa trang xem có chuyện gì không. Khi mọi thứ xong hết, bà vào nhà rửa tay ngồi uống nước, dùng chiếc nón lá đội đầu quạt mát.
Đã 80 tuổi, nhưng bà Hương nhớ rất rõ thông tin về các ngôi mộ mà mình trông coi. |
Bà Hương cho biết, nghĩa trang Kiến An trước đây là nơi tụ tập của những người nghiện vào ban đêm. Họ vào nghĩa trang ngồi chích thuốc. Khi phê thuốc, họ leo lên các phần mộ nằm ngủ.
Một lần khoảng 8 giờ tối, bà Hương thấy tiếng động ở mấy ngôi mộ trước cửa nhà nên thắp đèn ra xem thì nhìn thấy ba thanh niên. Một người đang chích thuốc. Hai người còn lại leo lên mộ nằm ngủ.
‘Tôi chỉ biết đi vào nhà, đóng cửa lại’, bà Hương nhớ lại. Sáng hôm sau, bà phải mua trái cây, hương về thắp để xin lỗi người đã khuất.
Lần khác, bà nhìn thấy một người đàn ông trèo lên mộ nằm ngủ giữa ban ngày nên đến gần hỏi: ‘Sao chú không về nhà mà ngủ?’. Người đàn ông đáp: ‘Tôi mới đi tù về, không có nhà ở’.
‘Trời nắng lắm, chú ngủ ở đây không tốt đâu’, bà Hương nói khéo rồi đi. Đến chiều tối, người đàn ông kia mới chịu rời đi. ‘Mấy người nghiện, tính khí họ thất thường lắm, mình không nên làm khó họ’, bà Hương nói.
Bà Hương cho biết, khi nghĩa trang Kiến An - Ngọc Nữ được giải tỏa, các phần mộ không còn nữa bà sẽ 'nghỉ hưu'. |
Để không dẫm phải kim tiêm, hoặc bị kim tiêm đâm vào tay khi đi lau mộ, nhổ cỏ, phát cây dại, ngày nào bà Hương cũng mang ủng, bao tay đi một vòng để nhặt kim tiêm cho vào bịch đi tiêu hủy. ‘Nhiều người biết tôi làm nghề này đã hỏi: ‘Bà không sợ ma à?’, Tôi đáp: ‘Tôi chỉ sợ người thôi. Người mất, chỉ cần mình thành tâm, không quậy phá, chăm sóc ‘chỗ ở’ của họ sạch sẽ thì không sao hết’, cụ bà sinh năm 1940 nói.
Để ngăn tình trạng người nghiện vào nghĩa trang hút chích; những người làm việc nhạy cảm vào ẩn nấp, mấy năm nay, bà Hương đã cho xây tường bao quanh nghĩa trang. Ban ngày, bà mở cổng để thân nhân người đã khuất đi thăm mộ. Ban đêm, bà khóa cổng lại cẩn thận.
‘Trước đây, làm nghề này, tôi rất sợ kim tiêm đâm phải tay, hoặc gặp phải người xấu. Còn bây giờ, tôi làm việc rất yên tâm’, cụ bà quê gốc TP.HCM nói.
Ông Phạm Văn Lành, Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Đông cho biết, nghĩa trang Kiến An - Ngọc Nữ là một trong bốn nghĩa trang có kế hoạch giải tỏa ở phường. Việc chôn cất cũng đã được chấm dứt tại nghĩa trang. Các tệ nạn như người nghiện vào nghĩa trang hút chích, nằm trên các phần mộ cũng đã không còn nữa.
Tú Anh