Cứ có bê bối là nhận trách nhiệm nhưng hết năm này đến năm khác không thấy bộ trưởng chịu trách nhiệm gì
Thảo luận luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sáng 13/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo luật quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng tưởng chừng đã rõ ràng, nhưng lại rất thiếu tính khả thi.
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Dân trí
Nhấn mạnh tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phân tích, quyền luôn gắn với trách nhiệm, do đó quy định về trách nhiệm là một trong các giải pháp để hạn chế khuyết tật nảy sinh từ quyền lực.
Tuy nhiên, vị đại biểu cho rằng, không ít quy định về trách nhiệm người đứng đầu thiếu cụ thể, tính khả thi không cao. Chẳng hạn, theo dự thảo, chế độ trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng tưởng chừng như đơn giản và đã rõ ràng, nhưng lại không quy được trách nhiệm cho ai.
"Người đứng đầu cơ quan thì phải chịu mọi trách nhiệm về cơ quan mình, nhưng với cách thức tổ chức hệ thống công vụ thiếu đi sự tương ứng giữa trách nhiệm và quyền hạn, không thể đòi người đứng đầu chịu trách nhiệm về những việc người đó không có quyền quyết định"- bà Thuý nói.
Bà lấy ví dụ, ở cấp phòng, cán bộ tham nhũng thì trưởng phòng chịu trách nhiệm.
"Vậy trưởng phòng tham nhũng thì giám đốc sở có chịu trách nhiệm không? Đó là chưa nói đến cơ chế song trùng trực thuộc, vừa có thủ trưởng theo chiều ngang, vừa thủ trưởng theo chiều dọc. Giám đốc sở có 2 thủ trưởng cấp trên là Chủ tịch UBND tỉnh và bộ trưởng lĩnh vực đó. Nếu giám đốc sở tham nhũng thì vị nào trong 2 vị này phải chịu trách nhiệm?", bà Thúy đặt câu hỏi.
Đó là chưa nói khi xem xét tới khi xem xét trách nhiệm thì phải xác định truy cứu trên cơ sở nào? Ví dụ, một người đứng đầu có quyền đề cử người làm cấp phó cho mình và chịu trách nhiệm về việc đề cử đó thì trong hai hành vi - hành vi đề cử và hành vi quyết định đề bạt - hành vi nào đáng phải chịu trách nhiệm cao hơn?
"Trách nhiệm phải được truy cứu trên cơ sở hành vi, ở đây là hành vi đề bạt, thì người phải chịu trách nhiệm sẽ là một quan chức cấp trên chứ chưa hẳn đã là người đứng đầu đơn vị đó.
Không ít trường hợp quy trình xét duyệt chỉ nhằm hợp thức hóa ý định của quan chức cấp trên và đây có thể là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn chạy chức chạy quyền phát triển" - bà Thuý nhận định.
Nguyên tắc là vậy, song nữ đại biểu này cũng cho rằng, trách nhiệm để xảy ra tham nhũng cần phải chia cho người tham mưu và trong nhiều trường hợp có cả một dây liên đới, vì thế, rất khó chỉ ra người có trách nhiệm thực sự.
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy cũng cho rằng, khi tham nhũng xảy ra có thể dính đến các cấp rất cao mà việc áp đặt trách nhiệm cho các quan chức cao cấp là rất khó khăn.
"Khi Quốc hội chất vấn bê bối xảy ra trong một bộ nào đó thì vị bộ trưởng có liên quan trả lời xin nhận trách nhiệm và các vị đại biểu có vẻ như hài lòng với câu trả lời này. Nhưng hết năm này sang năm khác, vẫn không thấy vị bộ trưởng ấy chịu trách nhiệm gì cả!", đại biểu Thuý nêu thực tế.
Từ đó, vị đại biểu TP Đà Nẵng đề nghị cần quy định theo hướng chế độ trách nhiệm phải được xác lập trên cơ sở những quyền hạn thực tế mà những người đứng đầu đang có.
"Việc áp đặt trách nhiệm một cách tràn lan, không căn cứ vào hành vi như trong dự thảo luật này chỉ mang đến những kết quả ngược lại. Đơn giản là điều này chỉ khuyến khích những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị che giấu tham nhũng mà thôi”-bà Thuý nhận định.
Chưa chất vấn đã nhận trách nhiệm
Trước đó, Quốc hội đã thực hiện chất vấn nhanh với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ.
Ở lĩnh vực GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể được đánh giá là đã trả lời làm rõ hầu hết các vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn. Bộ trưởng cũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại hạn chế của ngành GTVT nói chung.
Riêng với lĩnh vực giáo dục, với vị trí đứng đầu ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất "nhanh nhẹn" xin nhận trách nhiệm ngay trước khi nghe chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ĐBQH, hầu hết những vấn đề trả lời của cả hai bộ trưởng đều không thỏa mãn được sự mong đợi nên đã tranh luận lại để tiếp tục làm rõ.
‘Hết năm này qua năm khác không thấy Bộ trưởng chịu trách nhiệm gì’ Nhận trách nhiệm xong nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm hay bị xử lý, đó là băn khoăn của các đại biểu Quốc hội ... |
Mong Bộ trưởng hãy vì dân vi hành! Sáng ngày 6/6, tại phiên họp Quốc hội, một vị đại biểu đến từ Ninh Thuận đã có đề nghị “mời Bộ trưởng ra khỏi ... |
Hệ thống treo vì quá nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Từ 8 giờ sáng nay 6-6, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ là vị tư lệnh ngành cuối cùng trong 4 bộ trưởng trả lời ... |
Chưa trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm Sáng 6/6, dù chưa được chất vấn nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vẫn nhận trách nhiệm cho người đứng đầu ngành sau ... |