Việc trình bày lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam hiện sơ lược, không tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa vốn có. 

Trong kỷ yếu hội thảo cấp quốc gia "40 năm ngày chiến thắng bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 -7/1/2019)", GS Phạm Hồng Tung có bài viết đề cập việc đưa nội dung cuộc chiến này vào chương trình môn Lịch sử giáo dục phổ thông.

GS Tung hiện là Viện trưởng Viện Việt nam học và Khoa học Phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Dưới đây là trích đăng bài viết của ông.

cuoc chien bien gioi tay nam trong chuong trinh pho thong moi

Các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh trưa 7/1/1979. Ảnh: TTXVN.

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam (1975-1979) có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Tuy nhiên, giống như cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc (1978-1988), lịch sử các cuộc chiến tranh này cho tới nay còn chưa được nghiên cứu, trình bày đầy đủ trên các diễn đàn công khai ở Việt Nam, đặc biệt là trong nội dung giáo dục lịch sử của trường phổ thông.

Trong sách giáo khoa lịch sử hiện hành, lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam được trình bày ở cuốn Lịch sử 12, tại chương II "Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1975-1979)" của bài 25 "Xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (1976-1986)". Với dung lượng chỉ sáu câu, 13 dòng, toàn văn nội dung này như sau:

"Bảo vệ biên giới Tây Nam: Do có âm mưu từ trước, ngay sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari ở Campuchia do Pôn Pốt cầm đầu đã mở những đợt hành quân khiêu khích, xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ nước ta từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Đầu tháng 5 năm 1975, chúng cho quân đổ bộ đánh chiếm đảo Phú Quốc; sau đó đánh chiếm đảo Thổ Chu. Ngày 22 tháng 12 năm 1978, chúng huy động 19 sư đoàn bộ binh cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng tiến đánh Tây Ninh, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới nước ta.

Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân và dân ta tổ chức cuộc phản công tiêu diệt và quét sạch quân xâm lược ra khỏi nước ta. Theo yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, Quân đội Việt Nam cùng với lực lượng cách mạng Campuchia tiến công, xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Ngày 7 tháng 1 năm 1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng".

Cũng trong mục này, lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc được đề cập đến với dung lượng bốn câu, 11 dòng.

Có thể thấy, việc trình bày về lịch sử cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc như trên là quá sơ lược, không tương xứng với vị trí, tầm vóc và ý nghĩa của hai quá trình lịch sử đó trong lịch sử hiện đại Việt Nam; không đáp ứng được nhu cầu nhận thức và càng không đáp ứng được yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh Việt Nam.

Hơn nữa, dù chỉ trong một số đoạn văn ngắn như vậy cũng đã lộ một số lỗi, sai sót về cả nội dung lịch sử và hình thức trình bày, diễn đạt. Chính vì vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục lịch sử này sẽ được trình bày đổi mới khá căn bản, toàn diện.

Trước hết, xin thông tin vắn tắt về toàn bộ nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ở cấp Tiểu học, giáo dục lịch sử nằm trong môn học tích hợp Lịch sử và Địa lý, bắt đầu được tổ chức dạy và học ở lớp 4 và 5. Mục đích cơ bản của giáo dục lịch sử ở cấp học này là tạo điều kiện để học sinh làm quen với lịch sử, có tình yêu và say mê đối với lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại, nắm được kiến thức sơ giản nhất về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, trên cơ sở đó bước đầu hình thành và phát triển những năng lực và phẩm chất cốt lõi.

Để phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh tiểu học, trong chương trình môn học Lịch sử và Địa lý mới, thay vì giới thiệu và yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc phiên bản tóm lược của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, chúng tôi lựa chọn từng giai đoạn lịch sử là những "điểm nhấn" quan trọng, giúp các em tìm hiểu thông qua chuyện kể lịch sử, truyền thuyết hoặc di tích, di sản, hiện vật lịch sử tiêu biểu. Với cách tiếp cận này, các vấn đề liên quan đến hai cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc chưa được đề cấp đến.

Ở cấp THCS, nội dung giáo dục lịch sử cũng nằm trong môn học tích hợp Lịch sử và Địa lý, được tổ chức dạy và học từ lớp 6 đến 9. Trong đó, hai mạch nội dung lịch sử và địa lý được tổ chức như những phân môn tương đối độc lập, cùng với bốn chủ đề được tích hợp cao về lịch sử đô thị, phát kiến địa lý, các châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Ở cấp học này, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của giáo dục lịch sử là giúp học sinh có được kiến thức thông sử (cơ bản, cố lõi, hệ thống) của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Do vậy, nội dung của hai cuộc chiến sẽ được trình bày ở lớp 9, trong mạch nội dung "Việt Nam trong những năm 1976-1991". Với tính chất của nội dung thông sử, vấn đề này cũng sẽ được trình bày tóm lược nguyên nhân và diễn biến, chủ yếu làm rõ vị trí và ý nghĩa của chúng trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Ở cấp THPT, Lịch sử được tổ chức dạy và học với tính chất là môn học độc lập. Nội dung giáo dục sẽ được tổ chức thành những chuyên đề và chủ đề. Lịch sử hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc sẽ tiếp tục được trình bày trong khuôn khổ của chủ đề "Cách mạng tháng Tám 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng 8 năm 1945 đến nay)". Chủ đề này sẽ được dạy và học ở lớp 12.

Như vậy lịch sử hai cuộc chiến tranh này được đặt trong một mạch nội dung với cuộc Cách mạng tháng Tám, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cách đặt vấn đề như vậy sẽ giúp cho việc tìm hiểu về các cuộc chiến tranh được đặt trên một hệ quy chiếu lịch sử đồng nhất là lịch sử quân sự - lịch sử kháng chiến và chiến tranh chống ngoại xâm.

Theo cách này, việc tìm hiểu lịch sử các cuộc chiến tranh của học sinh sẽ thuận lợi, sâu sắc hơn, đồng thời cũng tránh được bất kỳ sự can thiệp nào vào nội dung của chương trình giáo dục lịch sử với nhân danh "vấn đề nhạy cảm".

Với cách thức cấu trúc nội dung như vậy, lịch sử các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sẽ được đề cập đến ít nhất là hai lần ở cấp THCS và THPT với mức độ và cách tiếp cận khác nhau.

cuoc chien bien gioi tay nam trong chuong trinh pho thong moi

Nhân dân Phnom Penh tiễn đưa các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về Tổ quốc. Ảnh: TTXVN.

Một số lưu ý khi biên soạn sách giáo khoa

Thứ nhất, cần chú ý phương pháp giáo dục lịch sử trong trường phổ thông đã thay đổi, chuyển từ tiếp cận nội dung sang năng lực, cho nên phải tránh sa đà vào việc trình bày diễn biến, yêu cầu học sinh học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc diễn biến, số liệu. Trái lại, cần tập trung vào việc giúp học sinh nắm được phương pháp tìm hiểu về sự kiện, phân tích, đánh giá sự kiện và quá trình lịch sử.

Theo đó, chỉ cần trình bày tóm tắt diễn biến chính, nhưng hướng dẫn học sinh thu thập, phê phán sử liệu có liên quan, phân tích làm rõ nguyên nhân, tính chất, vị trí và ý nghĩa của cuộc chiến tranh này.

Thứ hai, cần đặc biệt chú ý đến bản chất nhân văn, nhân bản của giáo dục lịch sử và mục tiêu cao cả nhất của nó là hướng đến tương lai hòa bình, hòa giải, hữu nghị và hợp tác. Vì vậy, phải hướng dẫn để học sinh tìm hiểu rõ nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp đã dẫn đến cuộc chiến; trình bày rõ Việt Nam, dù bị khiêu khích, bị tổn hại nặng nề vẫn ra sức kìm chế suốt nhiều năm để vãn hồi hòa bình, tìm cách giải quyết xung đột bằng con đường phi bạo lực và chiến tranh là lựa chọn bất đắc dĩ với Việt Nam.

Thông qua đó, làm rõ tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tính chất phi nghĩa trong các hành vi gây hấn, khiêu khích, xâm lược của nhà nước và quân đội Campuchia Dân chủ.

Thứ ba, trong biên soạn sách giáo khoa, các học liệu kèm theo và nhất là trong giảng dạy, học tập về lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam cần làm rõ việc nổ ra cuộc chiến đó là trái với truyền thống đoàn kết, hữu nghị, tương thân tương ái giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia, trái với lợi ích cơ bản, lâu dài của hai quốc gia, hai dân tộc. Vì vậy, hiểu rõ lịch sử cuộc chiến là để nhân dân và chính phủ hai nước cùng cố gắng khép lại quá khứ, chung tay xây dựng và củng cố nền hòa hình, tình đoàn kết, hữu nghị, tin cậy và hợp tác.

Thứ tư, trong giảng dạy, học tập, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu tham khảo khác cần quán triệt nguyên tắc khách quan, trung thực, tránh che giấu, xuyên tạc và bóp méo sự thật lịch sử. Khép lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh hay nói sai về quá khứ. Làm như vậy chỉ khiến nhận thức lịch sử trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Cần giúp học sinh nắm vững cách thức khám phá sự thật lịch sử cuộc chiến một cách khoa học. Trên cơ sở đó, nói rõ cho người học, rằng đó là những sự thật của quá khứ, chúng đã thuộc về quá khứ. Hiểu rõ chúng để ngăn ngừa, không cho chúng tái sinh trong hiện tại và tương lai.

Thứ năm, để tránh việc dạy và học lịch sử trở thành phương tiện tuyên truyền, dễ bị lợi dụng và xuyên tạc, trong diễn đạt cần tuyệt đối tránh các ngôn từ, hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị. Trong trình bày lịch sử nói chung, giảng dạy lịch sử nói riêng, các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như "quân địch", "giặc", "dã man", "tàn bạo", "khát máu"... không hề giúp lập luận, phân tích, đánh giá gia tăng tính thuyết phục, trái lại làm bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến diện, thiếu khách quan và do đó thiếu tính thuyết phục.

Muốn chỉ ra những tính chất, đặc điểm nào đó của sự kiện, quá trình, nhân vật lịch sử thì nên để cho sử liệu tự cất lên tiếng nói khách quan, trung thực. Việc sử dụng các tài liệu hình ảnh, hiện vật, cũng cần lưu ý đến tính nhân văn, tránh sử dụng hình ảnh, âm thanh, hiện vật nặng tính bạo lực, xúc phạm cá nhân.

cuoc chien bien gioi tay nam trong chuong trinh pho thong moi

Các bạn trẻ tham quan di tích lịch sử Ba Chúc, huyện Tri Tôn (An Giang) - một điểm nóng trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam 1979. Ảnh: Phước Tuấn.

Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam diễn ra từ cuối tháng 4/1975 đến đầu tháng 1/1979. Quá trình này là một phần của lịch sử Viêt Nam, lịch sử Campuchia, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử thế giới hiện đại. Khi tổ chức dạy và học về lịch sử Việt Nam, lịch sử Campuchia, lịch sử khu vực Đông Nam Á hay lịch sử thế giới, người ta không thể và không nên lảng tránh việc trình bày và đánh giá về quá trình lịch sử này, kể cả việc dạy và học về nó trong các nhà trường phổ thông.

Tương tự như nhiều cuộc chiến tranh khác, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam cũng bắt nguồn từ một loạt nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp - tức là sản phẩm của bối cảnh lịch sử cụ thể khi đó. Việc giảng dạy và học tập lịch sử cuộc chiến này nhằm giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ, hiểu đúng về quá khứ, giúp họ nhận thức rõ đúng, sai, chính nghĩa, phi nghĩa trong quá khứ để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai hòa bình, hòa giải, hữu nghị và hợp tác không chỉ giữa hai quốc gia - dân tộc Việt Nam và Campuchia mà là giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.

GS Phạm Hồng Tung

cuoc chien bien gioi tay nam trong chuong trinh pho thong moi Giáo viên, trường ốc có \'tải\' được chương trình phổ thông mới?

Một trong những câu hỏi đặt ra khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới là có thực sự giảm tải ...

cuoc chien bien gioi tay nam trong chuong trinh pho thong moi GS Nguyễn Minh Thuyết: Nên vay tiền phụ huynh xây dựng tủ SGK

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, giải pháp ban đầu của tình trạng ...

cuoc chien bien gioi tay nam trong chuong trinh pho thong moi Sách Tiếng Việt 1 CNGD có xuất hiện trong chương trình phổ thông mới?

Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục đã trải qua thời gian thực nghiệm gần 40 năm; trong năm học này đang được 43% ...

cuoc chien bien gioi tay nam trong chuong trinh pho thong moi "Cách đánh vần lạ không liên quan chương trình phổ thông mới"

GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định cách đánh vần lạ khiến nhiều người hoang mang không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mới.