Một cuộc chiến thời bình, không tiếng súng, nhưng căng thẳng, đã diễn ra trên tuyến biên giới suốt một năm qua.

Cuộc điện thoại đến vào lúc 9h sáng mùng 1 xuân Canh Tý, không phải là điện chúc Tết như mọi năm. Thiếu tá Mua Mí Cáy, chính trị viên Đồn biên phòng Xín Cái (Mèo Vạc) nhớ, sau cuộc điện thoại ấy, các hoạt động vui xuân đón Tết hủy bỏ.

Lãnh đạo Đồn biên phòng Xín Cái hội đàm với Công an biên cảnh Điền Bồng (Trung Quốc) tạm dừng chương trình giao lưu đầu năm. Trên khắp các bản làng biên giới phía Bắc, tiếng loa truyền thanh di động vang thay tiếng khèn, tiếng sáo "Một loại dịch bệnh mới xuất hiện, yêu cầu bà con về nhà ăn Tết, không tập trung đông người, không đi chơi lễ hội".

3930 xincai4 1455 1613024175
Thiếu tá Mua Mí Cáy, Chính trị viên Đồn biên phòng Xín Cái. Ảnh: Giang Huy.

Mùa xuân năm ngoái, lần đầu tiên những người Mông sống ở Thượng Phùng không ném pao, người Tày không hát lượn trong hội Hoa Sơn, lễ hội lớn nhất vùng kéo dài từ Tết đến rằm tháng Giêng. Cạnh mốc giới 450 thuộc thôn Mỏ Phàng, nơi trai gái vẫn dập dìu váy áo trẩy hội hàng năm được thay bằng lều bạt dã chiến. "Chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19", biển cảnh báo sơn màu đỏ chói dựng lên.

Khi nhập cảnh qua các cửa khẩu chính ngạch hạn chế, hàng nghìn lao động bất hợp pháp người Việt tìm cách từ Trung Quốc trở về qua đường mòn lối mở. Bộ đội biên phòng trở thành lực lượng chủ công trong cuộc chiến ngăn chặn Covid-19 "thẩm thấu" qua biên giới. Những đêm trắng nơi biên ải, họ gồng mình trong guồng quay chưa từng có, vừa bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa chống dịch, tuần tra kiểm soát ngăn người xuất nhập cảnh trái phép, thu dung, đưa người bị trao trả về đi cách ly.

Hà Giang, nơi có chung 277,556 km đường biên giới với Trung Quốc, địa hình núi liền núi, sông liền sông, người dân có mối quan hệ thân tộc lâu đời trở thành điểm nóng về xuất nhập cảnh trái phép. Đồn biên phòng Xín Cái quản lý 24 km đường biên. Bên kia là trấn Điền Bồng, huyện Phú Ninh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nơi có hệ thống đường cao tốc kết nối với các tỉnh nằm sâu trong nội địa nước này. "Công dân nhập cảnh trái phép từ các địa phương Trung Quốc, thậm chí công dân nước khác cũng tìm cách xuất nhập cảnh qua khu vực đồn Xín Cái quản lý", lãnh đạo biên phòng Hà Giang nhận định.

"Lượng người về tăng mạnh, gây áp lực gấp đôi, thậm chí gấp ba so với mọi năm", thiếu tá Cáy, người đã gắn bó chín năm với Đồn biên phòng Xín Cái nói. Từ đầu tháng 2/2020 đến nay, chỉ riêng đơn vị này qua tuần tra kiểm soát đã phát hiện, đưa đi cách ly hơn 7.500 công dân từ các tỉnh thành về.

Chốt kiểm soát mốc giới 475, nơi lao động về "nhộn nhịp như đi chợ", đại úy Nguyễn Xuân Cháng chưa có một giấc ngủ tròn vẹn suốt một năm qua. Đôi mắt vằn đỏ sau nhiều đêm mất ngủ vì tuần tra liên miên. Căng thẳng nhất tính từ tháng 6 đến tháng 8, khi làn sóng Covid thứ hai bùng phát trở lại và Trung Quốc rơi vào khủng hoảng lũ lụt ở miền Nam.

5 cán bộ chiến sĩ thay phiên nhau tuần tra, nhiều đêm thức trắng. Vừa bàn giao người đi cách ly, ngơi tay xếp lại biên bản lại nhận tin báo có nhóm khác vừa vượt qua biên. Sáu chốt kiểm soát, ba trung tâm cách ly có lúc quá tải, phải chuyển bớt người đi cách ly ở xã khác.

Những cuộc chạy trốn dịch bệnh của lao động Việt trở về, đôi khi đẫm nước mắt. Thượng úy Cháng nhớ có đêm mưa tháng Bảy, tổ công tác phát hiện gần chục người vừa vượt qua mốc giới vào địa phận Việt Nam. Trong đoàn có cả người già, phụ nữ ôm theo con nhỏ. Thấy ánh đèn pin loang loáng, nhận ra người phía đối diện mặc quân phục nói tiếng Việt, đoàn lao động biết đã chạm mặt bộ đội biên phòng nên không chống cự.

"Về đất mình rồi. Mẹ sống rồi", người phụ nữ nói giọng miền Nam nước mắt dạt dào, mặc cho phía trước là những người đại diện cho pháp luật, vẫn bước lên ôm chầm lấy thượng úy Cháng. Bà quê một tỉnh phía Nam, hơn 70 tuổi, sang Trung Quốc làm thuê chục năm trước. Cùng lúc gặp tai họa kép dịch bệnh và bão lụt, chủ nhà không muốn thuê nữa buộc bà phải trở về. Đoàn người băng rừng ba ngày đêm, đói, khát, lạc đường. Chẳng nỡ đẩy ra "vì giống như mẹ mình", Cháng cứ đứng im cho bà khóc một lúc, chân tay luống cuống chẳng biết làm gì.

4103 xincai3 2568 1613024175
Thượng úy Nguyễn Xuân Cháng, Chốt trưởng Chốt kiểm soát 450, Đồn biên phòng Xín Cái. Ảnh: Giang Huy.

Mấy anh em chia nhau người xách đồ, người che ô cho người phụ nữ có con nhỏ. Đêm hè biên giới rét 10 độ C, bộ đội bảo nhau cởi áo mưa nhường cho người già và cháu nhỏ. Những đêm tuần tra mưa gió, Cháng thường kẹp thêm một chiếc áo mưa mỏng, nhỡ có gặp người già, trẻ nhỏ thì đưa cho họ mặc.

Về tới chốt, người lập biên bản lấy thông tin, người phóng xe máy xuống trung tâm xã mua mì tôm, cháo gói cho trẻ em. Chủ các hàng tạp hóa xã Thượng Phùng đã quen với cảnh bộ đội mua mì tôm, cháo gói cho người vượt biên về cách ly, cứ nghe thấy tiếng gọi dù muộn mấy cũng mở cửa bán hàng.

Những ngày cuối năm, lao động ồ ạt trở về, xác định đi cách ly đủ 14 ngày rồi về quê ăn Tết. "Nhiều người sẽ chọn con đường nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở", thiếu tướng Lê Quang Đạo - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng, nhận định tình hình xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới những ngày giáp Tết, trong hội nghị sơ kết phòng chống dịch của quân đội cuối năm 2020. Ông yêu cầu "Thắt chặt tuyến biên giới", trước tình hình dịch bệnh càng phức tạp. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ chỉ huy biên phòng Hà Giang ba đợt tăng cường quân số lên biên giới. Đồn Xín Cái có mười phần lực lượng, thì dồn cho chốt 457 sáu phần, những hướng khác bốn phần.

4059 xincai2 8604 1613024175
Khu vực mốc giới thuộc kiểm soát của Chốt 457, nơi có nhiều lối mòn, xa khu dân cư, trở thành địa điểm lao động bất hợp pháp trở về nhiều nhất. Ảnh: Giang Huy.

15 năm gắn bó với biên giới, Nguyễn Xuân Cháng cảm nhận mùa đông năm nay thực sự khắc nghiệt khi băng tuyết kéo dài, hết băng giá là những ngày khô hanh, chân tay nứt nẻ. Tháng Giêng mưa đá; tháng ba, tháng bảy giông lốc cuốn sập lều trại của bộ đội biên phòng. Nhưng mặc kệ thời tiết thế nào, nhiệm vụ thì không thể ngừng.

Đợt cao điểm tuần tra liên tục trong đêm mưa, Cháng sốt cao nằm run cầm cập trong lán, tâm trí nghĩ đến "virus corona". Quân y xuống kiểm tra kết luận sốt virus. Năm ngày sau cắt sốt, anh lại lên mốc giới vì "việc nhiều, anh em cũng cần được nghỉ ngơi".

Ra Giêng, cuộc chiến sẽ lại chuyển sang giai đoạn mới, khi người lao động các tỉnh thành có nhu cầu sang Trung Quốc làm thuê. Cháng xác định "Còn dịch là còn cắm chốt, chẳng nói trước được bao giờ kết thúc".

Phiên tuần tra cuối năm đổi ca lúc hơn 1h sáng, tổ công tác trở về chốt nằm bên sườn đồi. Chốt mới lợp tôn kiên cố cách Tết một tháng, thay cho căn lều bằng bạt quân nhu. Bốn anh em ngồi hơ tay trên chậu than hoa cố lấy hơi ấm. Bao giờ nắng lên, da tay sẽ nứt đến tứa máu, xám tro như màu núi đá. Xín Cái chỉ có đá tai mèo với cây bụi, không có củi đốt. Họ phải mua than hoa ngoài thị trấn Mèo Vạc. Đêm tháng Chạp, gió chướng gõ coong coong ngoài mái tôn. Chiếc quạt sưởi phả hơi ấm cố xua tan cái lạnh ngày giáp Tết trong chốt biên cương. Giấc ngủ của những người lính chập chờn đến lúc 2h sáng.

Hoàng Phương

Tết của người Việt ở Nhật Bản giữa đại dịch COVID-19 Tết của người Việt ở Nhật Bản giữa đại dịch COVID-19
Ca Covid-19 mới tháng qua giảm gần 45% Ca Covid-19 mới tháng qua giảm gần 45%
Thêm hai ca Covid-19 ở Hà Nội, Bắc Ninh Thêm hai ca Covid-19 ở Hà Nội, Bắc Ninh

/ vnexpress.net