Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút quân khỏi đông bắc Syria khiến cán cân quyền lực ở khu vực này được sắp xếp lại, tạo khoảng trống cho Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran chạy đua để lấp đầy.

Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ

Bất chấp sự chỉ trích trên toàn cầu, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch “Mùa xuân hoà bình” nhằm vào lực lượng vũ trang YPG của người Kurd ở miền đông bắc Syria - lực lượng mà Ankara coi là khủng bố vì có liên kết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) từ lâu đã nổi dậy chống đối chính quyền Ankara ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 14.10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định, sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự vào phía đông bắc Syria bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và những lời kêu gọi dừng cuộc tấn công của cộng đồng quốc tế.

Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là lập một “vùng an toàn” ở biên giới với Syria để định cư cho hơn 2 triệu người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần đầu tiên chiến dịch đã tập trung đẩy lùi người Kurd khỏi 2 thị trấn biên giới là Tel Abyad và Ras al Ain. Ông Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kiểm soát một dải biên giới vài trăm kilômét từ Kobani ở phía tây đến Hasaka ở phía đông và sâu trong lãnh thổ Syria từ 30-35km. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters rằng chiến dịch này diễn ra khá nhanh chóng và thành công. Giai đoạn đầu tiên sẽ hoàn tất trước ngày 13.11 khi ông Erdogan dự kiến gặp Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Washington.

Mục tiêu của Syria

Việc Mỹ rút quân và việc Damascus đạt được thoả thuận với người Kurd để triển khai quân đội ở vùng đông bắc là một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến ở Syria, khôi phục lại chỗ đứng cho chính phủ Syria trên nhiều phần lãnh thổ rộng lớn vốn nằm ngoài tầm kiểm soát trước đó. Những khu vực này bao gồm các mỏ dầu, đất nông nghiệp, tài nguyên nước và đập thuỷ điện tại Tabqa - những tài sản quan trọng cho phép chính phủ Syria có vị thế tốt hơn để đối phó với tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Hãng thông tấn SANA đưa tin, quân đội Syria đã tiến đến đường cao tốc trọng điểm M4 chạy từ đông sang tây, cách biên giới phía nam với Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 30km, ngay rìa cái gọi là “vùng an toàn” của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 15.10, quân đội Syria đã tiến vào thành phố trọng điểm Manbij. Tuy nhiên, quân đội Syria, vốn đã bị suy yếu sau nhiều năm chiến tranh, hiện phải phụ thuộc lớn vào Nga, Iran và lực lượng dân quân Shiite của Iran, bao gồm cả Hezbollah của Lebanon.

Chính quyền tự trị của người Kurd

Người Kurd là dân tộc không tổ quốc lớn nhất ra đời từ đống đổ nát của đế chế Ottoman, đã bị chia ly trong hơn 4 thế kỷ ra 4 đất nước là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và Syria. Kể từ thời điểm bị xẻ làm 4 đó, họ đã chiến đấu để khôi phục nhà nước độc lập cho riêng mình. Nhưng không thành công. Khi xuất hiện nội chiến Syria, khoảng trống chính trị ở miền đông bắc đã được người Kurd tại nước này nhanh chóng lấp đầy, với hy vọng xây dựng một chính quyền tự trị. Nhưng đứng trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, họ buộc phải mời quân đội Syria trở lại - một quyết định minh chứng cho sự yếu ớt và báo hiệu chấm dứt giấc mơ tự trị một lần nữa.

Tuy nhiên, Damascus và người Kurd cùng có chung một mục tiêu là đẩy lùi Thổ Nhĩ Kỳ khỏi miền đông bắc Syria. “Damascus cần người Kurd. Người Kurd và Damascus có 2 điểm chung, là thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ và không mong muốn phiến quân dòng Sunni cai trị vùng đông bắc Syria. Nhưng họ không đồng ý bất cứ điều gì khi nói về việc nắm quyền ở vùng đất này” - Reuters dẫn lời ông Joshua Landis, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông, Đại học Oklahoma, Mỹ, nói.

Vai trò của Iran và Nga

Đồng minh Iran của Tổng thống Assad có thể giúp Syria kiểm soát an toàn, củng cố các tuyến đường tiếp tế dọc theo hành lang lãnh thổ từ Tehran đến Beirut.

Vai trò không thể thiếu của Nga ở Syria phản ánh một sự thay đổi lớn hơn ở Trung Đông từ Damascus đến Riyadh, như đã chứng minh trong chuyến thăm vùng Vịnh của Tổng thống Vladimir Putin trong tuần này, bao gồm chuyến thăm đầu tiên đến Saudi Arabia sau 12 năm. Sự can dự của Nga tại Syria từ năm 2015 theo đề nghị của chính quyền Damascus đã giúp xoay chuyển cuộc nội chiến theo hướng có lợi cho Tổng thống Assad. Trong khi đó quyết định rút quân của Tổng thống Donald Trump đã củng cố vai trò trung tâm của Nga trong việc định hình tương lai Syria.

cuoc chien thay doi quyen luc o dong bac syria Syria phản đối lập khu tự trị người Kurd sau thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ
cuoc chien thay doi quyen luc o dong bac syria Thách thức trên đường rút lui của binh sĩ Mỹ ở Syria
cuoc chien thay doi quyen luc o dong bac syria Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ chiến dịch quân sự tại Syria

/ laodong.vn