Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov khuyến cáo chính quyền Mỹ đừng "đùa với lửa"
Tình hình tại Syria hiện nay được đánh giá là chưa từng có trong bối cảnh cuộc nội chiến diễn ra ở đây sắp tròn 7 năm vào tháng 3 tới, tước đi hàng trăm ngàn sinh mạng và khiến 5 triệu người phải bỏ chạy khỏi đất nước.
Mỹ - Nga đụng độ
Sau 7 năm chiến tranh, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã có thể tái lập quyền kiểm soát đối với phần lớn lãnh thổ nước này. Thế nhưng, cuộc xung đột đang bước vào giai đoạn mới khi các thế lực bên ngoài chạm trán, căng thẳng bùng phát do tầm ảnh hưởng của Iran gia tăng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cố tiêu diệt lực lượng người Kurd mà họ cho là có liên hệ với phe ly khai bên trong nước này.
Syria trước đây chưa bao giờ lâm vào tình huống như lúc này khi quân đội nhiều quốc gia cùng hiện diện trên lãnh thổ trong lúc nội bộ nước này chia rẽ nặng nề với nhiều phe phái. Báo Asharq Al-Awsat nhận định Syria đang ở trong tâm điểm của một cuộc xung đột địa chính trị phức tạp và rộng lớn không thể giải quyết bằng vũ lực và khó có thể dự đoán được thắng - thua.
Các tay súng Quân đội Syria Tự do được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn giương súng gần TP Afrin - Syria Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại hội nghị về Trung Đông ở Moscow hôm 19-2, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng khuyến cáo chính quyền Mỹ đừng "đùa với lửa" khi ông lên án Washington về sự ủng hộ "mang tính khiêu khích" của Mỹ dành cho tộc người Kurd ở Syria đang tìm kiếm quyền tự trị. Mỹ đã thành lập lực lượng bảo vệ biên giới gồm 30.000 tay súng do người Kurd đứng đầu ở Đông Bắc Syria, động thái đã bị Nga và Iran lên án là toan tính tạo ra một vùng ảnh hưởng của người Mỹ.
"Mỹ nên chấm dứt các trò chơi rất nguy hiểm có thể dẫn đến chia cắt Syria. Chúng tôi nhận thấy âm mưu lợi dụng khát vọng của người Kurd" - ông Lavrov tuyên bố.
Theo trang tin Bloomberg, cuộc không kích của Mỹ hồi đầu tháng này - có thể đã làm chết hơn 200 "lính đánh thuê" người Nga khi họ tấn công các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn - đã làm bùng phát tình trạng đối đầu giữa Moscow và Washington ở Syria. Nếu được xác nhận, cuộc đụng độ trên là vụ đã gây ra chết chóc nhiều nhất cho công dân của 2 cựu thù kể từ thời chiến tranh lạnh.
Chiến tranh khu vực
Báo Washington Times cho rằng một "cuộc chơi lớn", đe dọa toàn bộ Trung Đông, đang diễn ra ở Syria - với Nga và Iran một phe trong khi Mỹ và Israel một phe. Cả hai phe này sẽ đều sử dụng các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ như những con tốt. Nhà bình luận Jed Babbin cho rằng khi Nga và Iran can thiệp vào cuộc nội chiến Syria, họ đã biến nó thành cuộc chiến tranh cho khu vực này.
Ông Lavrov đã bác bỏ sự chỉ trích của phương Tây về vai trò của Iran cũng như yêu cầu binh sĩ và cố vấn quân sự Iran rút khỏi Syria, đồng thời nhấn mạnh họ được chính phủ Damascus mời đến. Trong khi đó, trang Vox xác nhận Iran đang lặng lẽ tăng cường lực lượng quân sự ở Syria.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif xác nhận Iran quan ngại về một "làn sóng mới" can thiệp từ nước ngoài vào Syria do Mỹ đứng đầu sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại. Ông này còn cáo buộc Mỹ cố thâu tóm lãnh thổ Syria.
Ông Zarif quả quyết chính phủ Syria có quyền tự vệ và Israel cần phải chấm dứt các hành động gây hấn trong khi Thổ Nhĩ Kỳ không có quyền can thiệp vào Syria. Tuy nhiên, tại Hội nghị An ninh ở Munich - Đức hôm 18-2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định Israel sẵn sàng hành động không chỉ chống lại những kẻ ủy nhiệm của Iran đang tấn công Israel mà cả chính Iran nữa.
Trong bối cảnh đó, qua cuộc điện đàm hôm 19-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí phối hợp chặt chẽ các nỗ lực của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria.
Trước đó, có tin lực lượng dân quân tự vệ người Kurd đạt được thỏa thuận với Damascus về việc đưa quân chính phủ vào khu vực Afrin để phối hợp đẩy lùi cuộc tiến công của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, lực lượng người Kurd đã bác bỏ thông tin trên, đồng thời thừa nhận họ chỉ kêu gọi quân đội Syria đến và bảo vệ biên giới đất nước. Còn Ankara thì cảnh báo chính phủ Syria không được giúp đỡ lực lượng người Kurd đang chống lại các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria.
Một diễn biến khác, cuộc ném bom của quân chính phủ Syria ở khu vực Đông Ghouta bên ngoài Damascus hôm 19-2 đã làm chết hơn 100 thường dân, trong đó có 20 trẻ em và 470 người bị thương. Đây có thể được xem ngày chết chóc nhất đối với khu vực này kể từ khi bị phong tỏa năm 2013. Theo đài BBC, một viên chức Liên Hiệp Quốc cho rằng tình hình nơi đây đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Đông Ghouta, với gần 400.000 cư dân, là vùng đất cuối cùng gần thủ đô còn trong tay phe nổi dậy và nằm ở giữa các khu vực do chính phủ Syria nắm quyền kiểm soát. Các lực lượng Syria đẩy mạnh cuộc tấn công để giành lại khu vực trên hồi đầu tháng 2 này.
Quân thân chính phủ Syria tiến vào vùng chiến sự Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo Đoàn xe chở những chiến binh thân chính phủ Syria vào vùng Afrin sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Ankara nã pháo cảnh ... |
Thiếu Tướng tình báo cấp cao Syria bị IS phục kích sát hại Chỉ huy hàng đầu của quân đội Syria chịu trách nhiệm về tình báo quân sự tại tỉnh Deir Ezzor Jamal Razuk mới tử trận ... |
Mỹ lúng túng trong điều tra vụ phe đối lập bị tấn công ở Syria Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố điều tra một vụ tấn công nhằm vào phe đối lập, Washington hậu thuẫn, ở Syria nhưng chưa ... |