Stanley Ho trải qua nhiều biến cố, nhưng không chấp nhận đầu hàng dễ dàng. Điều duy nhất cản bước ông chỉ là bệnh tật khi tuổi già.
Stanley Ho Hung-sun, tài phiệt lãnh đạo đế chế casino lớn nhất châu Á SJM Holdings hôm nay (26/5) qua đời ở tuổi 98. Ông được đánh giá là một phần rất quan trọng của Hong Kong và có ảnh hưởng lớn đến ngành sòng bài Macau suốt nhiều thập kỷ.
Stanley Ho sinh năm 1921 trong một gia tộc danh giá ở Hong Kong. Ông của Ho - Ho Fook làm trung gian buôn bán cho Jardine Matheson (một công ty thương mại của Anh) trong các giao dịch giữa Trung Quốc và Hong Kong. Cha ông - Ho Kwong cũng làm trung gian cho Sassoon - một công ty thương mại quyền lực khác của Anh.
Dù vậy, SCMP cho biết đến thập niên 30, Đại suy thoái khiến Ho Kwong phá sản. Cả gia đình rơi vào cảnh nghèo khổ. Stanley Ho khi đó thường xuyên thiếu ăn và có lúc không đủ tiền để đến nha sĩ nhổ răng đau.
Đến năm 1941, Nhật Bản tiếp quản Hong Kong, buộc Stanley bỏ học cao đẳng và chuyển tới Macau. Ho ban đầu làm việc cho Macau Cooperative Company - khi đó là công ty lớn nhất Macau. Công ty này bán hàng xa xỉ, máy móc, gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác.
Ông kết hôn với người vợ đầu tiên - Clementina Angela Leitao năm 1942 tại Macau. Bà xuất thân từ một gia đình thương nhân Bồ Đào Nha giàu có. Đây cũng là bước đệm giúp Ho bước chân vào giới thượng lưu Macau.
Stanley Ho năm 1971. Ảnh: AP |
Nhờ kinh doanh, Ho kiếm được số tiền lớn đầu tiên năm 24 tuổi. Ông đã dùng phần lớn số tiền kiếm được thời kỳ này để mở một công ty xây dựng, kiếm được khoản lớn khi chiến tranh kết thúc và Hong Kong bùng nổ xây dựng.
Ho bước chân vào ngành sòng bài đầu thập niên 60. Khi đó, ông thành lập một nhóm nhà đầu tư, giành độc quyền điều hành các casino tại Macau khi hứa hẹn với chính quyền Bồ Đào Nha khi đó rằng việc này sẽ quảng bá du lịch và cải thiện cơ sở hạ tầng tại đây. Năm 1961, công ty này được đặt tên Sociedade de Turismo e Diversões de Macau (STDM), và casino trung tâm - Lisboa Casino Hotel sau đó cũng nhanh chóng nổi tiếng trên thế giới.
Việc kinh doanh của STDM tăng vọt vào thập niên 80, khi người Trung Quốc bắt đầu giàu lên và đổ tới các casino của Ho chơi. Ông đã nghĩ ra một chiến lược rất lời lãi, là sử dụng các môi giới thu hút khách đến phòng VIP. Ho sẽ chia doanh thu với những người lôi kéo được khách chơi giàu có châu Á đến Macau.
Bên trong casino Grand Lisboa trước khi mở cửa. Ảnh: AP |
Dù vậy, các khách sạn và casino của ông cũng thu hút các băng nhóm hoạt động phi pháp. Giới chức tư pháp và các nhà phân tích sòng bài khắp thế giới cáo buộc các casino của ông, đặc biệt là các phòng VIP, được các tổ chức tội phạm sử dụng để rửa tiền.
Trả lời New York Times năm 2007, Ho không phủ nhận các cáo buộc này. Ông nói rằng trong thập niên 80 và 90, \\"bất kỳ ai tham gia vào ngành sòng bài đều có nguy cơ vướng vào những cáo buộc như vậy\\".
Bồ Đào Nha trao trả Macau cho Trung Quốc năm 1999. Sự độc quyền của Ho cũng chỉ kéo dài đến năm 2002, khi Bắc Kinh yêu cầu Macau mở cửa cho các hãng điều hành sòng bài nước ngoài. Những gã khổng lồ từ Mỹ như Steve Wynn và Sheldon G. Adelson đã mở các khu sòng bài hoành tráng, trị giá hàng tỷ USD với cả nhà hàng, sân khấu biểu diễn và khách sạn 5 sao.
\\"Stanley Ho sẽ không làm ăn tốt được nữa đâu\\", Adelson - Chủ tịch Las Vegas Sands Corporation cho biết trong một bài phỏng vấn năm 2007, \\"Ông ấy chưa bao giờ phải cạnh tranh trong một thị trường thực sự cả\\".
Trên thực tế, cạnh tranh tăng lên lại khiến Ho quyết định hiện đại hóa hoạt động và xây thêm các khách sạn - casino xa xỉ mới. Lợi nhuận của ông tăng vọt khi người giàu Trung Quốc đổ đến Macau, biến nơi này thành điểm đến sòng bạc lớn nhất thế giới, vượt Las Vegas năm 2006.
Theo WSJ, công ty sòng bài của ông - SJM Holdings (thuộc STDM) hiện điều hành 20 trong 35 casino tại Macau. Ông cũng xây dựng nhiều dự án bất động sản lớn tại đây, phát triển dịch vụ phà và hỗ trợ vốn cho sân bay của Macau.
Đế chế sòng bài của Ho từng đóng góp khoảng nửa doanh thu thuế cho chính quyền Macau. Việc này giúp ông có một đại lộ riêng mang tên mình tại đây. Ho cũng từng là một trong những người giàu nhất châu Á trong nhiều thập kỷ. Khi quyết định nghỉ hưu năm 2018, tài sản của ông là 50 tỷ đôla Hong Kong (6,4 tỷ USD). Hiện tại, Ho không còn trong danh sách tỷ phú của Forbes.
\\"Đây là mất mát lớn với Hong Kong\\", Stewart Leung Chi-kin - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hong Kong (Reda) cho biết khi nghe tin Stanley Ho qua đời. Ho từng làm chủ tịch tổ chức này trong 20 năm, cho đến năm 2011. \\"Ho đã đóng góp rất nhiều cho ngành bất động sản trong nhiệm kỳ ở Reda. Ông ấy chưa bao giờ lùi bước kể cả khi chính quyền gây sức ép. Ông ấy luôn đặt lợi ích của Hong Kong lên đầu\\", ông nói.
New York Times nhận định vấn đề duy nhất cản bước Ho là bệnh tật khi tuổi già, khiến ông càng thêm dễ tổn thương trước những đối thủ nguy hiểm nhất - mâu thuẫn gia đình. Ho có tổng cộng 4 người vợ và 17 người con. Sau khi ngã quỵ tại nhà riêng năm 2009, Ho nhập viện suốt 7 tháng.
Stanley Ho cùng một số thành viên trong gia đình. Ảnh: AP |
Cuộc chiến tranh giành quyền thừa kế bùng nổ giữa Ho và người thân khi ông còn đang hồi phục sau cuộc phẫu thuật não. Việc này đã khiến tất cả phải ngồi lại đàm phán. Các thành viên trong gia đình sau đó dàn xếp với nhau và cùng đưa ra thông báo vào tháng 3/2011, khẳng định: \\"Chúng tôi đồng ý sẽ cùng làm việc với nhau và tiếp tục phát triển công ty sòng bài\\".
Tháng 6/2018, ở tuổi 96, Ho từ chức Chủ tịch SJM Holdings. Quyền lãnh đạo được trao cho con gái Daisy Ho.
Stanley Ho trước đó cũng đã trao quyền kiểm soát đế chế đa ngành Shun Tak Holdings cho con gái Pansy Ho. Bà khi ấy đã nắm cổ phần lớn trong MGM Macau - một liên doanh casino - khách sạn xa xỉ thành lập năm 2007 theo thỏa thuận giữa Ho và MGM Mirage của Wynn. Việc này cho thấy sự nhạy bén của Ho trong những năm cuối sự nghiệp.
Con trai ông - Lawrence Ho là CEO Melco Crown Entertainment. Đây là liên doanh casino giữa Stanley Ho và Crown Limited - một trong những công ty giải trí - sòng bài lớn nhất Australia. Công ty này cũng thành lập năm 2007.
Ho rất thích khiêu vũ và còn nổi tiếng vì đã chi hàng tỷ đôla làm từ thiện. Tên của ông xuất hiện trên 12 bảo tàng, bệnh viện và trung tâm thể thao ở Hong Kong và Macau. Ông từng trả tới 2,57 triệu đôla Hong Kong cho một cây nấm truffle một tại buổi đấu giá từ thiện, và trả lại hai đồ vật bị đánh cắp khỏi Di Hòa Viên cho Trung Quốc.
Trong suốt cuộc đời, Ho luôn cho thấy ông là người rất kiên cường. \\"Ông ấy là kiểu người không chấp nhận thất bại\\", Ricardo Pinto - người phụ trách tạp chí Macau Closer cho biết trên NYT năm 2007. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với The Closer năm đó, Ho từng nói: \\"Tôi thích các thử thách và không bao giờ chấp nhận nói \\"Không\\" một cách dễ dàng\\".
\\"Ông trùm\\" sòng bạc Macau Stanley Ho qua đời ở tuổi 89 Tỷ phú Stanley Ho nắm giữ nhiều sòng bạc hàng đầu châu Á và là người đã có công đưa Macau vượt qua Las Vegas ... |
Tỷ phú sòng bạc Hong Kong nghỉ hưu ở tuổi 96 Tỷ phú Stanley Ho sẽ rời vị trí Chủ tịch và giám đốc điều hành SJM sau nhiều năm không tham gia hoạt động kinh ... |
https://vnexpress.net/cuoc-doi-vua-song-bai-macau-stanley-ho-4105579.html