Kịch bản tốt nhất từ cuộc gặp giữa hai lãnh đạo, nếu có, tại G20 có thể chỉ là thỏa thuận khôi phục đàm phán thương mại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần nói rằng muốn gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 cuối tháng này ở Osaka (Nhật Bản). Sau đó, ông sẽ quyết định có áp thêm thuế lên số hàng hóa còn lại từ Trung Quốc hay không.
Dù đến nay, chưa bên nào xác nhận cuộc gặp sẽ diễn ra, nhà đầu tư trên toàn cầu vẫn theo dõi sát diễn biến này. Nguồn tin của Reuters cho biết hai lãnh đạo có thể sẽ có một cuộc gặp dưới hình thức nào đó, nhưng diễn biến ở Osaka cũng sẽ không thể như viễn cảnh được kỳ vọng cách đây 2 tháng. Khi đó, hai bên đều nghĩ rằng hai lãnh đạo sẽ ký thỏa thuận lịch sử tại Nhật Bản.
Eswar Prasad - giáo sư Đại học Cornell kiêm cựu Giám đốc phụ trách Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định các kỳ vọng về cuộc gặp rất thấp. "Kịch bản tốt nhất từ cuộc gặp Trump - Tập là một thỏa thuận khôi phục đàm phán. Viễn cảnh đình chiến thậm chí cũng không còn. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế này dường như sẽ kéo dài", ông cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại G20 năm 2017. Ảnh: AFP |
Còn nếu các cuộc nói chuyện chuyển xấu, hai bên có thể nâng thuế với hàng hóa của nhau. Trump có thể rút giấy phép với các công ty đang làm ăn với Huawei. Còn Trung Quốc sẽ ngừng xuất khẩu đất hiếm cũng như có các biện pháp nhằm vào công ty Mỹ ở nước này.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã xuống cấp từ đầu tháng 5. Các cuộc đàm phán thương mại cũng đang chững lại. Ông Trump cáo buộc Trung Quốc thay đổi các cam kết đã thống nhất trong thỏa thuận. Trung Quốc thì phủ nhận, cho rằng Mỹ mới là bên thay đổi và đòi hỏi quá cao.
Nguồn tin của Reuters cho biết giới lãnh đạo Trung Quốc rất giận dữ về các tuyên bố của ông Trump, khi nó được đưa ra đúng thời điểm Trung Quốc nghĩ rằng họ sắp đạt thỏa thuận. "Anh không nên hứa hẹn cưới ai đó, rồi bỏ rơi người ta vào phút chót", nguồn tin trên nói.
Đến nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều không có nhiều hoạt động chuẩn bị cho cuộc họp, Reuters cho biết. Đoàn đàm phán thương mại hai nước cũng chưa gặp nhau kể từ lần nói chuyện cuối cùng ngày 10/5 tại Mỹ.
Nhà Trắng từ chối bình luận về kế hoạch cho cuộc gặp giữa hai lãnh đạo. "Việc chuẩn bị cho G20 tại Nhật Bản đang được tiến hành. Chúng tôi hiện không có gì để thông báo về các cuộc gặp song phương", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Garrett Marquis cho biết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Cảnh Sảng hôm qua nhắc lại Trung Quốc sẵn sàng đàm phán, nhưng cũng không xác nhận sẽ có cuộc gặp giữa hai lãnh đạo. Ông khẳng định Trung Quốc sẽ "chiến đấu đến cùng" nếu Washington khiến căng thẳng thương mại leo thang.
Tuần trước, trong cuộc gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cho biết họ vẫn chưa chuẩn bị gì, với cả cuộc gặp Trump - Tập và việc khôi phục đàm phán. Còn về phía Mỹ, vài năm gần đây, việc không chuẩn bị nhiều cho các cuộc gặp lớn đã trở thành điều bình thường. Ông Trump thường xuyên tham gia các cuộc gặp quan trọng với ít sự chuẩn bị trước, và ra chính sách rất nhanh chóng.
Trong khi đó, ông Tập thậm chí có thể không muốn tham gia một cuộc họp cấp cao như vậy với kết quả thiếu chắc chắn và đối mặt với nguy cơ Trung Quốc bị áp thuế thêm. "Trung Quốc muốn ông Tập được tôn trọng. Họ không muốn lãnh đạo tham gia một cuộc họp có thể khiến ông ấy mất mặt", một nhà ngoại giao châu Á cho biết trên Reuters.
Hôm qua, cố vấn kinh tế cấp cao Nhà Trắng Larry Kudlow trả lời trên CNBC rằng Trump hy vọng "khôi phục lại nội dung đàm phán cũ" với ông Tập. Trước đó, ông Trump tuyên bố mong chờ cuộc gặp diễn ra, và đe dọa áp thêm thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc nếu quá trình không có tiến triển hoặc ông Tập không tham dự G20.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ khiến các nước khó đồng thuận về tuyên bố chung của G20. Nhật Bản và Liên minh châu Âu đang làm việc với Mỹ về các quy định mới của WTO, nhằm giảm "các chính sách phi thị trường", như trợ cấp cho các ngành công nghiệp. Các quy định này rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng được dự báo sẽ phản đối các nội dung trong tuyên bố chung mà Mỹ có thể bám vào để đối phó nước này trong đàm phán thương mại.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018 với việc Mỹ áp thuế nhập khẩu lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, cáo buộc nước này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và có các hoạt động thương mại không công bằng. Qua nhiều vòng, Mỹ đã áp thuế lên tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa với 110 tỷ USD. Đầu tháng 5, sau một thời gian hai bên "đình chiến" và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết. Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái. Căng thẳng hiện tiếp tục lên cao khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "đen", cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ. |
Hà Thu (theo Reuters/Bloomberg)
Trump có kế hoạch gặp Tập Cận Bình bên lề G20 Tổng thống Mỹ cho biết sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc vào cuối tháng 6, cảnh báo sẵn sàng áp thêm thuế nếu cuộc họp ... |
Ông Trump: 'Sẽ áp ngay thuế mới nếu ông Tập không dự G20' Tổng thống Mỹ cũng khẳng định Trung Quốc sẽ buộc phải đạt thoả thuận với Mỹ. |