Cuộc gọi rác đang có dấu hiệu giảm rõ rệt. Cho dù chưa có những công bố chính thức từ các nhà mạng, tuy nhiên từ phía người dùng di động, không ít người đã xác định điều này: Số cuộc gọi rác gọi đến quấy rầy đã giảm phần lớn.

Tình trạng cuộc gọi rác đến người dùng di động đã giảm nhiều từ sau ngày 1.7 đến nay. Ảnh: Thế Lâm.

Chế tài mạnh, cuộc gọi cũng giảm mạnh…

Anh Anh Tú (quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, từ sau thời điểm ngày 1.7, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng chế tài mới đối với cuộc gọi rác và các nhà mạng phải triển khai các biện pháp để chặn cuộc gọi rác, số cuộc gọi loại này cũng giảm rất nhiều.

“Trước đây, mỗi ngày tôi thường nhận được năm, bảy cuộc gọi rác chuyên mời mọc mua bảo hiểm, căn hộ… Nhưng khoảng một tuần qua, tình trạng này đã giảm hơn một nửa, thậm chí từ 70-80%”, anh Tú cho biết.

Theo chị Mai Tuyết (quận Bình Thạnh, TPHCM) - một người hoạt động trong lĩnh vực marketing, cuộc gọi rác giảm mạnh rõ ràng là nhờ tác động tích cực từ chế tài mạnh. Cũng giống như anh Tú, chị Tuyết cho biết: “Các cuộc gọi mời mua bảo hiểm, bán suất du lịch… từ sau ngày 1.7 tới nay đã giảm phần lớn”, theo chị Tuyết.

Theo chế tài mới từ ngày 1.7, các cuộc gọi được xác định là cuộc gọi rác có thể bị xử lí cắt chiều gọi đi đôi với cuộc gọi nội mạng và cắt cuộc gọi đến đối với cuộc gọi liên mạng.

Thêm vào đó, nhà mạng phải thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác, nếu không cũng có thể bị xem xét xử lí theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Làm mạnh nhưng đừng “đánh trống bỏ dùi”

Chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena – cho rằng, tác động tích cực trong việc ngăn chặn cuộc gọi rác từ chế tài mới là rất rõ.

“Cuộc gọi rác không chỉ giảm mạnh, mà các cuộc gọi telesale cũng cho thấy có sự thay đổi, tránh gọi đến vào các thời điểm ngoài giờ hành chính là lúc người ta nghỉ ngơi hay lo công việc gia đình rất dễ gây ra khó chịu, bực bội”, chuyên gia Thắng nói.

Số cuộc gọi rác gọi đến cho người viết bài này mời mua nhà đất, bảo hiểm, suất học tiếng Anh, suất nghĩ dưỡng… không chỉ giảm nhiều, mà cách gọi và thái độ của người gọi cũng cho thấy một sự đắn đo, thận trọng nhất định. Hầu hết những người thực hiện các cuộc gọi này khi được chúng tôi giải thích về chế tài mới đều nói lời xin lỗi và gác máy.

Theo chuyên gia bảo mật Võ Đỗ Thắng, phần trách nhiệm rất lớn ở đây thuộc về các công ty địa ốc, môi giới địa ốc, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, công ty bán suất nghỉ dưỡng, suất học tiếng Anh…

“Cách marketing, quảng cáo, bán hàng của họ không có sự chọn lọc, mà thực hiện một cách bừa bãi mới dẫn đến tình trạng cuộc gọi rác hoành hành như thời gian qua. Biện pháp chế tài mạnh nhưng phải tiến hành liên tục, thường xuyên, chứ nếu “đánh trống bỏ dùi” là tình trạng cuộc gọi rác sẽ trở lại ngay”, ông Thắng cảnh báo.

Với kiến thức và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực marketing, chị Mai Tuyết cho rằng, các cuộc gọi bừa bãi được gọi là telesales lâu nay thực ra không đúng với bản chất telesale, mà là được chăng hay chớ, “dội bom” người dùng, vừa không hiệu quả vừa gây khó chịu, bực bội đối với người nhận cuộc gọi và tạo ra bức xúc trong xã hội.

“Telesales một cách đúng nghĩa phải có gạn lọc đối tượng phù hợp, tìm hiểu nhu cầu chứ không thể gọi cầu âu được chăng hay chớ”, chị Tuyết nói.

Thế Lâm

Sau một tuần xử lý cuộc gọi rác: Chặn hàng trăm nghìn cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo
Chặn cuộc gọi rác, "cò" bảo hiểm, nhà đất có còn?
Nhà mạng chặn cuộc gọi rác từ tháng 7
Cuộc gọi "rác" lại bùng phát

/ laodong.vn