Xu hướng tái hiện nhân vật và bối cảnh văn học Việt Nam trong các sản phẩm MV đang trở thành đề tài được nhiều nghệ sĩ lựa chọn đầu tư, mở ra một hướng đi mới trong cách thức sản xuất với sức lan toả mạnh mẽ.

Chất liệu văn học và bước đầu tạo dấu ấn

Cuộc chạm va giữa văn học và âm nhạc không còn là một điều mới mẻ khi những áng thơ tình của các thi hào nổi tiếng từ lâu đã được phổ nhạc thành bài ca bất hủ. Kho tàng âm nhạc Việt Nam lưu giữ không ít tác phẩm thành lời từ ý thơ của Xuân Quỳnh, Hàn Mặc Tử, Huy Cận hay Phan Thành Tài... Những ca khúc trữ tình như Thuyền và Biển, Thơ tình cuối mùa thu , hay Paris có gì lạ không em từ lâu đã trở thành bản tình ca lãng mạn được "nằm lòng" qua nhiều thế hệ.

Tinh thần văn học vẫn không ngừng được các nghệ sĩ trẻ tiếp nối kế thừa và lồng ghép vào sản phẩm ẩm nhạc đương đại qua ca từ. Lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám , ca khúc Bống bống bang bang của nhóm nhạc 365 một thời được đón nhận nồng nhiệt ngay vào thời điểm ra mắt. Ca khúc hiện đã cán mốc hơn 430 triệu lượt view trên YouTube sau 3 năm phát hành.

Hay như nghệ sĩ trẻ Bùi Công Nam cũng ghi dấu ấn khi lần đầu trình diễn ca khúc được anh lấy cảm hứng từ nhân vật Chí Phèo trong cuốn truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Bùi Công Nam mang lại sức sống tươi trẻ cho nhân vật anh Chí qua những phút giây thăng hoa trước tình yêu dành cho Thị Nở. Câu từ gọn ghẽ, giai điệu đồng quê bắt tai, lại tái hiện sinh động nhân vật văn học quen thuộc đã khiến Chí Phèo trở thành ca khúc được yêu thích nhất của nghệ sĩ này.

cuoc ket giao ky thu giua tac pham van hoc va mv nhac viet
Hoàng Thuỳ Linh trong MV ''Để Mị nói cho mà nghe''.

Một trong những ca khúc phổ nhạc từ ý thơ thành công nhất phải kể đến Bánh trôi nước do Hoàng Thuỳ Linh thể hiện. Chỉ vỏn vẹn với 4 câu thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh khiến người nghe trầm trồ khi đưa nhạc dân ca với lối hát ả đào vào nền nhạc future bass tạo nên những âm thanh với độ sâu và nhịp phách ấn tượng, có sự dồn dập của tiếng trống, nhưng không làm át đi sự lãng đãng, bay bổng của đàn dây.

Làn gió văn học mới mẻ cho MV nhạc Việt

Giữa một thị trường âm nhạc nhiều xáo trộn với sự xuất hiện ngày một nhiều của những tên tuổi ca sĩ mới, ai ai cũng ra mắt những sản phẩm chất lượng được đầu tư công phu, tập trung kích thích thị giác người xem tối đa với những khung hình mộng mơ được quay tại các danh lam thắng cảnh hùng vĩ, choáng ngợp. Sự tân tiến của máy móc hiện đại cũng góp phần không nhỏ tạo nên những thước phim với hiệu ứng ánh sáng ngày một long lanh và bắt mắt.

Bên cạnh ca từ và giai điệu bối cảnh câu chuyện luôn được các MV hiện tại đề cao. Thực tế, không ít nghệ sĩ đã tạo đòn bẩy danh tiếng nhờ những MV được đầu tư chỉn chu với đề tài ngôn tình, trào phúng châm biếm sâu cay trước các hiện tượng xã hội, thậm chí không bỏ qua cả yếu tố kinh dị giật gân.

Việc đưa cảm hứng văn học vào MV ca nhạc đang dần trở thành xu hướng được nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn. Những nhân vật quen thuộc trong trang sách bao thế hệ: từ Chí Phèo, Thị Nở, A Phủ, nàng Mị, đến lão Hạc, Tấm, Cám, Mị Châu, Trọng Thuỷ... như được sống lại qua thước phim âm nhạc mới mẻ. Đó là dấu hiệu đáng mừng khi thị trường vừa có thêm những sản phẩm lôi cuốn, lại khiến bộ môn văn học vốn đơn điệu trên trang giấy nay thêm sinh động và thú vị hơn.

cuoc ket giao ky thu giua tac pham van hoc va mv nhac viet
Chi Pu trong MV Anh ơi ở lại.

Chất nhạc trong các MV chủ yếu là ballad với tiết tấu chậm rãi, đều đều mở ra một câu chuyện với tiếng piano mộc mạc và đẩy cao trào nhờ phân đoạn lên tông cuối bài. Đây là thể loại nhạc êm tai và dễ dàng làm hài lòng số đông khán giả.

Đồng thời, ballad giúp nghệ sĩ dễ dàng truyền tải câu chuyện và thông điệp một cách súc tích, cảm xúc nhất. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ như Để Mị nói cho mà nghe do ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh thể hiện. Ca khúc với giai điệu tươi vui, được lồng ghép những âm thanh sáo diều, khèn và bộ gõ mang đậm không khí lễ hội của vùng cao Tây Bắc.

Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nên các MV về đề tài này thường đưa khán giả trở về miền nông thôn Việt Nam yên bình. Sự công phu về màu sắc MV khi sặc sỡ rộn ràng, lúc thâm trầm với tông màu trung tính, kết hợp cùng những góc quay flycam vẽ lên một bối cảnh làng quê lam lũ. Vào thời điểm sự hào nhoáng, phô trương khiến thị trường càng trở nên ngột ngạt thì nét mộc mạc, gần gũi lại dành nhiều lợi thế trong việc chiếm cảm tình khán giả.

Sự đầu tư kỹ lưỡng về phục trang đồng thời để lại dấu ấn khó phai. Trong MV Để Mị nói cho mà nghe, nữ ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh hoá thân thành nàng Mị tươi tắn với bộ đồ thổ cẩm Tây Bắc rực rỡ sắc màu. Vẻ khắc khổ, lam lũ của các nhân vật lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở lại được thể hiện qua tấm áo nâu sờn, mặt mũi nhọ nhem cùng mái tóc bết bù xù.

Hay như trong MV Mặt trăng, nữ ca sĩ Bùi Lan Hương cũng khiến khán giả trầm trồ khi hoá thân thành nàng Mị Châu lúc kiêu sa, lộng lẫy trên yên ngựa trong bộ cánh kết từ lông ngỗng trắng muốt, khi lại mong manh thoát tục với bộ cánh trong suốt mờ ảo dưới ánh trăng ngà.

cuoc ket giao ky thu giua tac pham van hoc va mv nhac viet
Bùi Lan Hương trong MV Mặt trăng.

Sự "thoát kén" khỏi nguyên tác văn học

Chất liệu văn học được đưa vào MV như câu chuyện tạo sức hút đồng thời vẽ nên một bối cảnh khiến khán giả dễ nhớ và nhớ lâu hơn mỗi khi nhắc tới ca khúc và nghệ sĩ thể hiện. Bản thân MV không phải bộ phim điện ảnh với kịch bản là một tác phẩm văn học nguyên vẹn mà chỉ là những hoạt cảnh ngắn lấy cảm hứng từ kho tàng này làm gia vị.

Các nhân vật văn học trong MV được khoác lên mình một tấm áo mới với một cuộc sống tươi sáng hơn, tránh khỏi những kết cục bi thương thường thấy trong bản gốc. Cũng chính yếu tố này tạo nhiều luồng tranh cãi trái chiều nhưng đồng thời góp phần đưa MV càng đến gần hơn với công chúng.

Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Vợ Nhặt, Lão Hạc, Tắt đèn là những tác phẩm trở thành hoạt cảnh trong MV Để Mị nói cho mà nghe do Hoàng Thuỳ Linh thể hiện. Sự tươi vui của ca khúc không chỉ đến từ giai điệu mà còn nhờ sự thay đổi trong hành động của các nhân vật nhằm hướng tới một cái kết thiện lương.

Bản thân nhân vật Mị không còn cam chịu cảnh giam cầm mà trốn ra ngoài đi chơi, vui vẻ tới các lễ hội; nhân vật Tràng hí hửng đẩy cô vợ nhặt trên chiếc xe bò; chị Dậu vùng lên chống lại và bỏ trốn khỏi nhà tên tham quan; lão Hạc và cậu Vàng cuối cùng lại đến ngày hội ngộ. Những chi tiết trong MV vừa mang tính giải trí cao, nhẹ nhàng nhắc nhớ về những tác phẩm văn học nổi tiếng.

Thay vì tập trung vào cuộc sống nhân vật Tấm như nguyên tác, MV Anh ơi ở lại của Chi Pu đi tìm lời giải cho tính cách độc ác, gian trá của Cám. Đa số người đọc từng chỉ xót thương cho thân phận Tấm ba lần bảy lượt bị vùi dập hãm hại mà đay nghiệt Cám. Vì luôn muốn chiếm trái tim nhà vua mà Cám nghĩ ra mọi mưa kế hại Tấm nhưng rồi cô đau đớn nhận ra nhà vua không để ý đến mình. MV mang lại một màu sắc khác cho câu chuyện vốn đã quen thuộc từ tấm bé qua bao thế hệ, khiến người xem cảm thông hơn cho những góc tối ẩn sâu trong tâm hồn của một kẻ đáng thương trong tình yêu.

cuoc ket giao ky thu giua tac pham van hoc va mv nhac viet
Đức Phúc và Đỗ Mỹ Linh trong MV Hết thương cạn nhớ.

Mới đây, nam ca sĩ Đức Phúc ra mắt MV Hết thương cạn nhớ lấy cảm hứng từ truyện ngắn Chí Phèo. Nhưng điều khiến khán giả thích thú là nhân vật Thị Nở không sở hữu ngoại hình xấu đau xấu đớn với hàm răng khấp khiểng xỉn màu đến đen kịt cả vào như nguyên tác. Thị Nở trong MV do Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh nhập vai, sở hữu cằm V-line và nụ cười tươi với hàm răng trắng.

Đức Phúc đảm nhận vai Lý Cường - con trai Bá Kiến nhưng lại sở hữu ngoại hình thư sinh, công tử, khác hẳn vẻ góc cạnh, có phần vũ phu trong bản gốc. Tréo ngoe hơn khi con trai Bá Kiến lại đem lòng yêu đơn phương Thị Nở, mặc cho chàng biết Thị vốn chỉ một lòng một dạ hướng về Chí Phèo. Chàng luôn đối đãi tốt và âm thầm giúp đỡ nhưng cuối cùng vẫn không thể ngăn bước Thị nắm tay Chí cao chạy xa bay.

Có thể thấy thành công của loạt MV lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học không chỉ ở sức lan toả mạnh mẽ và hiệu ứng tiếp nối khi các nghệ sĩ đang dần tạo nên xu hướng. Hơn cả, những sản phẩm này khiến khán giả đón nhận văn học trong tâm thế cởi mở, thích thú, thêm trân quý và hứng khởi trước kho tàng văn học Việt Nam.

cuoc ket giao ky thu giua tac pham van hoc va mv nhac viet Đức Phúc: ‘Tôi không níu giữ người không muốn ở bên mình, như thế rất vô nghĩa"
cuoc ket giao ky thu giua tac pham van hoc va mv nhac viet 13 năm hoạt động nghệ thuật, Lê Cát Trọng Lý lần đầu tiên làm điều này
cuoc ket giao ky thu giua tac pham van hoc va mv nhac viet Dậy sóng tranh cãi vì Phạm Anh Khoa ra mắt MV nhạc phim "Hai Phượng"

/ vietnamnet.vn