Nhìn vào không gian xanh của suối Cheonggyecheon ngày nay, ít du khách nào có thể tưởng tượng nó từng là một kênh thoát nước ô nhiễm.
Giữa lòng Seoul có một dòng nước êm đềm chảy qua những toà nhà cao tầng và đường phố sầm uất. Đó là suối Cheonggyecheon (Thanh Khê), hay còn gọi là Cheonggye, khởi nguồn từ thung lũng Suseong-dong dưới chân núi Inwang của thủ đô xứ sở kim chi.
Dòng suối dài gần 11 km gắn liền với lịch sử lâu đời của Seoul. Dưới thời Joseon (1392 - 1897), kinh đô thường ngập lụt sau những trận mưa lớn, do địa hình núi cao bao quanh. Từ năm 1402, vua Taejong đề ra cuộc cải cách hệ thống thoát nước đầu tiên và nắn chỉnh dòng chảy lớn của kinh đô.
Dòng nước ban đầu được đặt tên là Gaecheon (nghĩa là dòng chảy lộ thiên), hai bờ được nạo vét và gia cố đều đặn 2-3 năm một lần. Gaecheon được đổi tên thành Cheonggye như ngày nay trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên vào đầu thế kỷ 20.
Đặc biệt, những người dân nghèo từ khắp nơi đến Seoul lánh nạn sau chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Họ kiếm kế sinh nhai và dựng lên những ngôi nhà tạm bợ bên hai bờ suối. Rác, cát ùn ứ, chất thải và những điều kiện tồi tệ khác biến dòng suối trở thành cống nước xấu xí của thành phố.
Nhà cửa ven bờ san sát, điều kiện sống tồi tàn, bệnh truyền nhiễm lây lan... khiến chính phủ quyết định lấp suối. Ảnh: Pinterest. |
Từ năm 1955, phần đầu nguồn suối dài khoảng 135 m bị lấp bằng xi măng. Dự án lấp hơn 5 km suối Cheonggye được tiến hành từ 1958, sau đó thay thế bằng đường cao tốc trên cao. Tiếp đó, chính phủ Hàn Quốc cho xây dựng cầu vượt Cheonggye vào năm 1967 để giảm ùn tắc. Ngày thông cầu sắt phường Majang cho tàu hỏa chạy qua vào năm 1977 đánh dấu việc lấp suối Cheonggye hoàn thành. Dự án này trở thành một ví dụ điển hình cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Hàn Quốc, giải quyết phần nào vấn đề môi trường của thủ đô.
Vấn đề mới nảy sinh từ những năm 1990, khi một số nhà sử học phản đối việc một di sản quan trọng như Cheonggye bị lãng quên. Các nhà nghiên cứu môi trường bày tỏ mối quan ngại rằng hệ sinh thái tự nhiên bị phá vỡ khi dòng suối chôn vùi dưới lòng đất.
Tới năm 2002, ông Lee Myung-bak đắc cử chức thị trưởng Seoul với cam kết khôi phục suối Cheonggye (sau này ông Lee cũng trở thành Tổng thống Hàn Quốc thứ 10).
Dự án khởi công từ tháng 7/2003 với kinh phí lên đến 900 triệu USD, bắt đầu với khâu tháo dỡ cầu vượt và phá đường cao tốc Cheonggye trước khi hồi sinh dòng chảy dài hơn 5 km qua trung tâm thành phố Seoul sau một tháng. Do suối gần như cạn khô, hàng ngày khoảng 120.000 tấn nước từ sông Hàn, phụ lưu và mạch nước ngầm được bơm vào 4 điểm chính để phục hồi thủy lộ.
Quá trình phá dỡ đường cao tốc trên cao, khôi phục suối Cheonggye. Ngày nay du khách đi bộ dọc con suối vẫn có thể gặp vài chiếc cột chống còn lại của đường cao tốc trên cao. Ảnh: Koreabridge. |
Song không phải toàn bộ người dân Hàn Quốc đều ủng hộ dự án khôi phục dòng suối, do lo tốn kém kinh phí cho một công trình chỉ mang tính biểu tượng, và quan ngại về giao thông trong trung tâm thành phố. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã lên phương án điều tiết giao thông và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng.
Tháng 10/2005, dòng suối Cheonggye được khai thông sau 47 năm kể từ ngày bị lấp. Môi trường trong lành còn thu hút các loài chim, cá và côn trùng về trú ngụ. Theo một báo cáo năm 2009, số lượng các loài chim sống ven suối tăng từ 6 lên 36, các loài cá tăng từ 4 đến 25 và các loài côn trùng từ 15 tăng lên 192.
Dòng suối còn có thác nước, cầu đi bộ, đường chạy cho người dân rèn thể lực, hai hàng cây xanh bên bờ dài 8 km, một công viên 400 ha. Một số nghiên cứu cho thấy dòng nước còn giúp giảm 3-4 độ C nhiệt độ trung bình của khu vực trung tâm Seoul.
22 cây cầu bắc qua dòng suối như cầu Gwangtonggyo và cầu Ogansugyo từ thời Joseon cũng được khôi phục. Ảnh: SSPixel. |
Suối Cheonggye nhanh chóng trở thành không gian ngập bóng cây xanh cho người dân thư giãn, hàng trăm triệu khách du lịch ghé thăm kể từ ngày mở cửa. Hiện nơi này đón khoảng 500.000 lượt khách mỗi tuần, theo Time.
Điểm đến này hoàn toàn miễn phí. Song nếu muốn hiểu thêm về cuộc sống của người dân Seoul, du khách có thể mua tour tham quan có hướng dẫn. Lịch trình 2-3 giờ đưa du khách tới trung tâm thương mại Cheonggye Plaza, các cây cầu nổi bật như Gwangtonggyo, Samilgyo, Supyogyo và Saebyeokdari, khu phức hợp Dongdaemun DDP.
Vì sao đặt bảo bối của Nhật ở đầu sông Tô Lịch mà không phải cuối sông? Chuyên gia Nhật Bản đã lên tiếng giải thích vì sao lại chọn đầu sông Tô Lịch để đặt máy sục Nano mà không phải ... |
Chuyên gia Nhật đề nghị thêm 2 tháng thí điểm làm sạch sông Tô Lịch Theo chuyên gia Nhật Bản, việc xả hơn một triệu m3 nước hồ Tây đã cuốn trôi toàn bộ kết quả thí điểm trên sông ... |
Công ty thoát nước muốn cải tạo sông Tô Lịch thành tuyến buýt đường thuỷ Nếu được thông qua đề án "giải cứu" sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng, Công ty thoát nước sẽ lập phương án phát triển ... |