Hambali là thủ lĩnh của nhóm khủng bố khét tiếng Jemaah Islamiah. Trùm khủng bố người Indonesia bị buộc tội chủ mưu các vụ đánh bom ở Thủ đô Bali năm 2002 và đã bị giam giữ suốt 15 năm qua tại nhà tù quân sự của Mỹ ở vịnh Guantanamo. Và cuộc săn lùng kẻ được đặt biệt danh “Osama bin Laden của Đông Nam Á” không phải ai cũng biết.
Đầu năm 2021, Hambali (tên thật là Riduan Isamuddin) đã xuất hiện trước Ủy ban quân sự Mỹ ở vịnh Guantanamo. Hắn bị buộc tội thực hiện các vụ tấn công ở Bali năm 2002 cũng như vụ đánh bom liều chết tại khách sạn JW Marriott Hotel ở Jakarta năm 2003 khiến tổng cộng 213 người thiệt mạng. Đối tượng được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đánh giá là “trùm khủng bố Osama bin Laden của Đông Nam Á”. Bị bắt tại Thái Lan vào năm 2003, giữ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương trước khi đưa đến vịnh Guantanamo vào tháng 9-2006, hắn là một trong số ít đối tượng được coi là “mối đe dọa nguy cơ cao đối với Mỹ và đồng minh”.
Vụ đánh bom liều chết đầu tiên ở Indonesia
Tướng Gories Mere, quan chức hàng đầu của lực lượng chống khủng bố Indonesia chưa bao giờ quên vụ điều tra về đánh bom liều chết đầu tiên của mình. Ông được giao nhiệm vụ tìm ra kẻ đứng sau các vụ đánh bom ở khu du lịch của Bali vào đêm 12-10-2002. Để xác định thủ phạm, ông Gories và lực lượng đặc nhiệm phải tìm ra mô thức tấn công, ví dụ bọn khủng bố làm cách nào đưa được quả bom đầu tiên vào quán bar Padd? Vì một quả bom cũng đã được kích nổ bên ngoài lãnh sự quán Mỹ ở Denpasar vào đêm hôm đó, nên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vào cuộc. Chuyên gia FBI khi dựng lại quỹ đạo vụ nổ đã chỉ ra tâm vụ nổ là một điểm cách mặt đất khoảng 1m. Không có bàn hay ghế nào ở đó, vậy quả bom nổ giữa không trung? Bất chợt, ông Gories nhận ra rằng, đó là một kẻ đánh bom cảm tử. Ai đó đã mang trên người quả bom khi nó nổ tung.
Indonesia đã trở thành quốc gia thứ 21 xảy ra đánh bom liều chết kể từ khi chiến thuật này được sử dụng lần đầu tiên ở Lebanon vào năm 1981. Với giới quan sát Đông Nam Á, tự nổ tung để giết người khác là điều chưa từng xảy ra trong khu vực. Sau đó, tướng Gories biết được kẻ đánh bom liều chết đầu tiên của Indonesia là một thanh niên đến từ Trung Java, tên là Iqbal. Tên này cùng đồng phạm đi trên chiếc xe tải màu trắng chất 950kg chất nổ bên ngoài Sari Club, đối diện với quán bar Paddy. Từ thông tin về chiếc xe tải kết hợp với thông tin từ các phần tử bị Cơ quan An ninh nội bộ Singapore giam giữ, lực lượng đặc nhiệm điều tra vụ nổ Bali cuối cùng đã bắt được hầu hết những kẻ liên đới. Những đối tượng bị bắt đã xác nhận điều mà hầu hết các chuyên gia chống khủng bố nghi ngờ ngay sau khi bom nổ: Hambali đứng sau vụ tấn công.
“Osama bin Laden của châu Á”
Năm 1985, Riduan Isamuddin (21 tuổi) rời quê hương Cianjur ở Tây Java (Indonesia) đến tìm việc ở Malaysia. Hắn kết hôn với một phụ nữ Malaysia gốc Hoa đã cải sang đạo Hồi, sinh hoạt tôn giáo ở một nhà thờ, sau đó bị “tẩy não” rồi theo đuổi thánh chiến. Trong vòng 1 năm, Hambali được huấn luyện ở Afghanistan và chiến đấu trong 18 tháng cùng với các chiến binh nước ngoài khác. Nhóm Darul Islam mà Hambali tham gia đã cử khoảng 200 người Indonesia đến học tại Học viện Quân sự Mujahideen Afghanistan từ năm 1986 đến 1995.
Hambali không phải là học viên ưu tú hàng đầu và cũng không có tiềm năng trở thành một trong những nhà lãnh đạo của Darul Islam. Thay vào đó, hắn tự liên kết với một nhóm nhỏ được các cựu chiến binh Afghanistan ưa thích gọi là Jemaah Islamiah (JI). Thời gian này, Hambali quen một tay súng người Pakistan có tên Khalid Sheikh Mohammed (KSM). Họ vẫn giữ liên lạc ngay cả sau khi rời Afghanistan vào năm 1988. Tình bạn của Hambali với KSM (kẻ sau này được Mỹ mô tả là kiến trúc sư chính của vụ tấn công ngày 11-9) không chỉ cho phép hắn tiếp cận các quỹ của al-Qaeda mà còn với thủ lĩnh của nhóm. Năm 1996, Hambali được mời ở lại 3 - 4 ngày với Osama bin Laden ở Afghanistan. Sau đó, al-Qaeda đã đồng ý sẽ phối hợp với JI trong “các mục tiêu cùng có lợi”.
Sau khi bị bắt vào năm 2003, KSM khai với các nhà thẩm vấn Mỹ rằng, hắn nhận thấy Hambali là người “có sức hút và nổi tiếng” với những tân binh “trung thành và được chuẩn bị kỹ lưỡng” và mục tiêu tấn công chính là Australia, Mỹ, Anh và Israel. KSM mô tả mối quan hệ của hắn với al-Qaeda và Jemaah Islamiah là “do nhu cầu quyết định”. Nếu các chiến binh đặc nhiệm của al-Qaeda cần đến Đông Nam Á, Hambali sẽ giúp sắp xếp hậu cần. Thậm chí Hambali đã sắp xếp một căn hộ ở Kuala Lumpur cho KSM sử dụng để gặp những tên không tặc vụ 11-9 trước khi chúng lên đường sang Mỹ học ở trường huấn luyện bay. Ngay sau vụ tấn công ngày 11-9, một chiến binh đặc nhiệm al-Qaeda đã đến Singapore để chỉ đạo các thành viên JI địa phương lên kế hoạch tấn công Đại sứ quán Mỹ và một số mục tiêu cao cấp khác trong thành phố bằng cách sử dụng xe tải bom. Kế hoạch này đã bị triệt phá do bị lộ tin. Các thành viên JI bị bắt vào tháng 12-2001 đã khai thủ lĩnh chi nhánh Singapore và Malaysia là Hambali. Khi đó, Hambali cũng đang bị truy nã ở Philippines vì lên kế hoạch đánh bom các đoàn tàu chở khách ở Manila vào tháng 12-2000, đánh bom các nhà thờ Thiên chúa giáo ở Indonesia vào đêm Giáng sinh cùng năm đó, và liên quan đến các vụ cướp ngân hàng ở Malaysia của các tay súng có liên hệ với JI. Mỹ cũng muốn hỏi cung hắn ta về mối quan hệ với KSM.
Sau vụ bắt giữ ở Singapore, Hambali đã tập hợp các thành viên còn lại trong mạng lưới của mình ở Malaysia và lên kế hoạch trả đũa. Một nhóm 5 đối tượng đã mua vé từ Bangkok và định cướp máy bay lao vào sân bay Changi, nhưng kế hoạch đã bị hủy bỏ vì bị chính quyền Singapore phát hiện.
Trùm khủng bố ở Đông Nam Á Hambali được coi là chủ mưu vụ đánh bom trên đảo Bali năm 2002 khiến 200 người thiệt mạng |
Nhận lệnh và tiền từ trùm khủng bố Al Qaeda
Bị ngăn cản, một lần nữa Hambali triệu tập các thủ lĩnh dưới quyền và những tay chế tạo bom từ Malaysia, Indonesia đến họp ở Bangkok vào đầu năm 2002. Với lời hứa được al-Qaeda tài trợ, trùm khủng bố khu vực yêu cầu thuộc hạ tìm các “mục tiêu mềm”, chẳng hạn như quán bar, quán cà phê hay câu lạc bộ đêm mà khách du lịch thường xuyên lui tới.
Với tài khoản của mình, Hambali đã nhận được ít nhất 86.000 USD từ al-Qaeda chuyển tới để tài trợ cho các cuộc tấn công của JI ở Đông Nam Á. Nasir Abas - người từng điều hành trại huấn luyện của JI ở Philippines trước khi quyết định rời nhóm sau vụ đánh bom ở Bali nhớ lại: “Hambali đã từ chối đưa tiền cho tôi để mua máy tính cho trại. Nhưng nếu tôi lên kế hoạch đánh bom các nhà thờ ở Kota Kinabalu, anh ta sẽ sẵn sàng chi”.
Trong chiến dịch chung của cảnh sát Thái Lan và CIA vào ngày 11-8-2003, 20 cảnh sát đã đột kích bắt sống Hambali tại một căn hộ ở Ayutthaya, cách Bangkok 75km. Cảnh sát cũng thu giữ tại chỗ chất nổ và súng. Đó là kết quả của cuộc săn lùng kéo dài 20 tháng đối với Hambali, khi đó 37 tuổi. Bản thân Hambali duy trì cuộc sống thanh đạm trên đường chạy trốn. Vào thời điểm bị bắt, hắn sống trong một căn hộ không có máy lạnh ở Thái Lan với giá thuê 60 USD/tháng. Các nhà điều tra Thái Lan chỉ thấy căn hộ trữ trứng tươi và người vợ Malaysia gốc Hoa kể rằng, Hambali thường đi bộ đến cửa hàng tiện lợi gần đó để mua đồ và tự nấu tất cả các bữa ăn. Thứ giá trị duy nhất mà cô ta từng được chồng tặng là một đôi bông tai bằng vàng đính kim cương.
Theo một số ước tính, các vụ đánh bom ở Bali năm 2002 tiêu tốn khoảng 35.000 USD, bao gồm tiền mua xe van, vật liệu chế tạo bom và thuê những ngôi nhà an toàn để lắp ráp chất nổ. Ngoài số tiền do Hambali cung cấp, nhóm khủng bố còn gây quỹ bằng cách hack máy tính và cướp một cửa hàng trang sức. Vụ tấn công dự kiến ban đầu vào ngày 11-9-2002, nhưng nó đã bị trì hoãn đến ngày 12-10 vì chất nổ chưa sẵn sàng. Vui mừng khi vụ đánh bom gây tiếng vang, KSM đã thưởng Hambali 50.000 USD cho hoạt động tiếp theo và để giúp đỡ gia đình những người bị bắt. Người chuyển tiền là một người Pakistan tên Majid Khan từng du học ở Mỹ. Phần lớn số tiền đó được dùng để tài trợ cho cuộc tấn công vào khách sạn JW Marriott ở Jakarta vào tháng 8-2003.
Lòng căm thù nước Mỹ, sự ủng hộ kiên định đối với các tư tưởng cực đoan và cổ súy cho cuộc thánh chiến bạo lực được nêu rõ trong hồ sơ của Hambali. Có bằng chứng cho thấy hắn đã nhận lệnh và tiền từ trùm khủng bố al-Qaeda để thực hiện các cuộc tấn công trên khắp khu vực Đông Nam Á, trong đó có loạt vụ đánh bom ở Indonesia khiến hàng trăm người thiệt mạng giai đoạn 2002-2003. |
(Theo SCMP)
40 phút chóng vánh kết liễu cuộc đời trùm khủng bố Osama bin Laden Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden sau 10 năm săn lùng trong một chiến dịch kéo dài 40 phút. |
Lầu Năm Góc xác nhận con trai Osama bin Laden đã chết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ xác nhận thông tin hồi đầu tháng 8 rằng Hamza bin Laden đã chết "hai năm trở lại đây" trong ... |