Mới đây, một nhà văn bậc cha chú đã có nhiều tác phẩm đóng góp quan trọng cho nền văn học nước nhà trong giai đoạn chống Mỹ hỏi tôi : “Phong này, chú hỏi mày, cuộc sống bây giờ sao sôi động quá, phong phú quá, nhiều cái mới, nhiều thay đổi quá, vậy mà sao văn học cứ tẻ nhạt thế nào ấy? Ít nhất là trong khoảng 10 năm trở lại đây, chú không thấy có cuốn tiểu thuyết nào gây được ấn tượng. Chú có cảm giác, không biết các nhà văn bây giờ không muốn viết, hoặc không dám viết, hay không thể viết?”.

Nghe câu hỏi của ông mà tôi sững người, và thấy sao đúng thế. Tôi cũng là người chịu đọc, ấy vậy mà lâu lắm rồi, tôi chưa được đọc một cuốn tiểu thuyết nào phản ánh được hơi thở của cuộc sống…Cũng có thể, sách bây giờ xuất bản nhiều. Không hiếm người cứ viết rồi bỏ tiền ra in thế là có…đầu sách. Phải thẳng thắn mà nói, nền văn học nước nhà đang có nguy cơ trở thành “bãi rác” bởi đủ loại văn chương “tự xuất bản”.

anh 2.jpeg -0
Hội sách được tổ chức những năm gần đây như một giải pháp chấn hưng văn hóa đọc.

Đúng là có một thực tế là cuộc sống hiện nay đang cực kỳ phong phú và không thiếu chất liệu cho các thể loại văn học như tiểu thuyết, truyện ngắn…nhưng ngày càng vắng bóng văn học phản ánh sinh động, có chiều sâu và gây được ấn tượng với bạn đọc. Đặc biệt là các tác phẩm văn học của dòng “hiện thực phê phán”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong một cuộc họp đánh giá về các tác phẩm văn học được giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn đã thẳng thắn: “Chúng tôi không thể trao giải cho những tác phẩm đó, vì trong ấy không dẫn con người hướng về những điều tốt đẹp. Nhà văn dẫn con người đi vào đường hầm, càng đi càng thấy tối và không có khả năng tìm thấy con đường, tìm thấy niềm hy vọng hay những vẻ đẹp của đời sống chính mình. Chính điều đó đã đánh mất phần nhân văn, tư tưởng của tác phẩm văn học”.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, cũng đã từng phát biểu trong một buổi hội thảo: "Nếu nói tác phẩm lớn là những tác phẩm mang các nỗi đau lớn của thời đại, mang tâm trạng, khát vọng lớn của con người ở thời đại ấy thì mấy chục năm vừa qua, chúng ta chưa có sự ghi nhận của những tác phẩm lớn. Chúng ta đã thấy được một số tác giả, nhưng để có những tác phẩm lớn có thể gây chấn động, mở ra một giai đoạn mới cho văn học Việt Nam thì có lẽ còn phải đang chờ đợi".

Đúng là trong nhiều năm trở lại đây: Văn học thiếu nhi không có tác phẩm lớn. Văn học về nông nghiệp, nông thôn, nông dân không có tác phẩm lớn. Văn học công nhân cũng không có nốt. Thiên nhiên ngày càng vắng trong văn học. Những phong tục tập quán đẹp, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam cũng không có trong văn học. Và dĩ nhiên, con người mới, mang khát vọng, với tư duy mới… cũng gần như không có.

Đa số các tác phẩm văn học hiện nay  là tập trung vào các hiện tượng tiêu cực của xã hội, của con người, sự xuống cấp về đạo đức, sự tha hóa của quan chức…Rất ít, rất hiếm những tác phẩm phản ánh được cuộc sống lao động phong phú, con đường đi lên (dù chậm chạp) của kinh tế, văn hóa, xã hội nước nhà. Càng vắng bóng những “con người mới” của cơ chế mới “kinh tế thị trường có định hướng XHCN”.

Các tác phẩm văn học hiện nay tập trung nhiều vào cái “tôi” u uất, không có ý chí vươn lên và điều đáng buồn là không ít tác phẩm mượn chuyện cũ để trút sự bực bội của nhà văn vào các vấn đề nổi cộm của xã hội. Thậm chí dùng văn học để nói xấu, thóa mạ, miệt thị đồng nghiệp

Phải chăng các nhà văn hiện nay nhìn đời bằng con mắt yếm thế, bi quan? Phải chăng các nhà văn đang bị “vòng kim cô” mới thắt lên đầu?

Lý giải thực tế này không phải là đơn giản nhưng cũng không quá khó. Trước hết, có một thực tế buồn là càng ngày các nhà văn chuyên nghiệp càng không thể sống bằng nhuận bút của tác phẩm. Một cuốn tiểu thuyết dày hàng 500-700 trang, mà nhuận bút chỉ được hơn chục triệu thì thử hỏi nhà văn sống làm sao, và làm gì còn có động lực để mà viết.

Nhuận bút bây giờ so với thời bao cấp thấp hơn rất, rất nhiều. Tôi xin ví dụ thế này: Năm 1971, bố tôi xuất bản được cuốn truyện ký chỉ khoảng 120 trang, nhưng nhuận bút được 1.400 đồng, nghĩa là tương đương với 350kg gạo mậu dịch; hoặc 1,5 cây vàng.

 Ngày ấy, tính nhuận bút có 3 mức giá: Loại 1 là  2,5 đồng/ 100 chữ; loại 2 là 2,2 đồng/ 100 chữ và loại 3 là 1,9 đồng/ 100 chữ …Nhà văn mà in được cuốn tiểu thuyết khoảng 300 trang thì có khi đủ tiền mua cả ngôi nhà.

Còn nhuận bút bây giờ quá bèo bọt. Tôi in được cuốn tiểu thuyết “Đặc biệt nguy hiểm” ở Nhà xuất bản CAND, sách được đưa vào diện “tài trợ xuất bản” của Nhà nước vì được giải Nhì cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký mang tên “Cây bút vàng” lần thứ 3 do Nhà Xuất bản CAND phối hợp với Chi hội Nhà văn Công an tổ chức. Sách dày 800 trang, vậy mà nhuận bút chỉ gần 18 triệu. Với chế độ nhuận bút như vậy thì làm sao có thể giúp nhà văn “tái tạo” được sức lao động. Đã thế, sách in ra, nếu được dư luận chú ý thì ngay lập tức bị in lậu…Đây thực sự là bi kịch cho các nhà văn. Tôi cho đây là nguyên nhân lớn nhất để “triệt tiêu” sức sáng tạo của nhà văn.

anh 1.jpeg -0
Giữa “rừng” sách được in ấn rất đẹp thế này vẫn thiếu vắng tác phẩm văn học hay phản ánh những vấn đề lớn của đời sống đương đại.

Một nguyên nhân nữa để làm giảm “ý chí” của các nhà văn, đó là văn hóa đọc bây giờ đã rất đổi thay và sách xuất bản ngày càng dễ dãi, dung tục và thiếu tính thẩm mỹ, thiếu tính giáo dục, đặc biệt là tính văn học thì càng thiếu…Đi vào hiệu sách, chúng ta sẽ thấy rất rõ. Đủ loại sách in rất đẹp, bìa trình bày công phu, bắt mắt, nhưng nội dung thì có đến quá nửa là “thảm họa” văn chương. Và đáng chú ý là không ít tác giả (trẻ), viết lách thì chưa ra đâu vào đâu, nhưng đã dùng báo chí, mạng xã hội tung hô, tô vẽ cho tác phẩm của mình. Chính vì vậy mà những người đọc “chân chính” ngày càng chán mua sách, chán đọc sách. Vì bỏ tiền ra mua sách, nếu chỉ đọc cái tít là rất dễ bị lừa… Giới trẻ bây giờ suốt ngày cắm mặt vào điện thoại, xem TikTok, YouTube, và tán phét trên Facebook, Zalo…Chúng ta hầu như không thấy cảnh sinh viên, học sinh đọc sách trên xe buýt, trên máy bay, hay ở những tụ điểm văn hóa.. Đã có một khảo sát cho thấy có đến 41,7% bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách, và cũng chỉ đọc  sách 1-2 giờ/tuần.

Chính vì vậy, sách của nhiều nhà văn in ra chủ yếu là do nhà văn tự bươn chải, và in ra để chứng minh rằng “ta còn tồn tại”. Sách in ra, nhiều khi phải lấy nhuận bút bằng… sách, rồi mang về ký tặng bạn bè. Anh nào có duyên thì hò hét bán được một ít, và cũng chủ yếu là nhờ sự giúp đỡ của bạn bè. Đây thực sự là điều đáng lo cho nền văn hóa và văn học nước nhà hiện nay.

Gần đây, Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ các cuộc thi tác phẩm báo chí, cũng như cơ chế “đặt hàng” sản phẩm của các cơ quan báo chí. Nhưng xem ra, việc tài trợ các cuộc thi văn học chưa nhiều và chưa được quan tâm đúng mức.

Muốn có tác phẩm hay, cần phải có tư duy khác, và có cơ chế phù hợp!

 Cuộc sống phong phú, tại sao văn học tẻ nhạt? - Báo An ninh thế giới cuối tháng (cand.com.vn)

Nhà văn Nguyễn Như Phong / CAND