Đã 10 ngày kể từ khi Ukraine mở cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga, cuộc tấn công này gây rất nhiều bất ngờ cho quân đội Nga và cả giới quan sát quốc tế.
- Vì sao Nga bị động trong các cuộc không kích sân bay của Ukraine?
- Ukraine lộ điểm yếu sau đòn tấn công bất ngờ vào lãnh thổ Nga
Ngày 6/8, gần 2,5 năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt, quân đội Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ nước này và đây cũng là cuộc tấn công xuyên biên giới lớn nhất vào Nga kể từ Thế chiến II.
Mọi chuyện bắt đầu thế nào?
Theo Tướng Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, cuộc tấn công bắt đầu vào khoảng 5h30 sáng 6/8. Có tới 1.000 binh lính cùng với 11 xe tăng và 20 xe bọc thép đã tiến vào thị trấn Sudzha, khu vực Kursk.
Trong khi đó, một quan chức Ukraine nói với AFP rằng "hàng nghìn" binh lính đã tham gia vào cuộc tấn công trên. “Họ đã không bảo vệ biên giới, chỉ rải mìn chống bộ binh xung quanh những cái cây bên lề đường và một số ít mìn được ném vội vã dọc theo đường cao tốc”, một quân nhân Ukraine có tên là Ruzhyk nói với phóng viên AFP.
Khoảng một giờ sau khi cuộc tấn công bắt đầu, thống đốc vùng Kursk, Alexei Smirnov đã chia sẻ những hình ảnh về sự tàn phá ở thị trấn biên giới Sudzha của Nga trên Telegram.
Ông cho biết thị trấn đã bị pháo kích và có một số người bị thương, đồng thời đăng tải hình ảnh những ngôi nhà bị phá hủy thành đống đổ nát. 11 giờ sau, Bộ Quốc phòng Nga công bố Ukraine đã xâm nhập vào khu vực này.
Biển báo chỉ đường đến thị trấn Kursk, tại khu vực biên giới với Ukraine.
Chuyện gì đang xảy ra ở khu vực Kursk?
Theo ông Smirnov, đã có 12 thường dân đã thiệt mạng và 121 người khác bị thương trong cuộc giao tranh. Đến ngày 15/8 đã có 121.000 người rời đi hoặc phải sơ tán khỏi vùng chiến sự.
Phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã phát sóng một số hình ảnh từ khu vực biên giới, điện Kremlin đang tìm cách giảm nhẹ tác động của cuộc tấn công đối với người dân.
Một đài truyền hình địa phương của Nga phát sóng hình ảnh từ trung tâm Sudzha cho thấy những tòa nhà bị phá hủy, mảnh vỡ nằm rải rác trên đường phố và những hố bom lớn trên mặt đất do các cuộc tấn công bằng pháo binh.
Một số cơ quan truyền thông Nga cũng chia sẻ một đoạn video cho thấy cảnh những người dân di chuyển khỏi thị trấn và kêu gọi Tổng thống Putin giúp đỡ.
Một số phương tiện quân sự của Nga bị hư hại tại khu vực Kursk.
Tại sao Sudzha lại là điểm mở đầu?
Sudzha là một thị trấn có khoảng 5.000 dân, đây là điểm trung chuyển chính trên tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga chảy đến châu Âu qua Ukraine.
Theo hãng tin RBC Ukraine, khoảng 14,65 tỷ mét khối khí đốt đã được vận chuyển qua Sudzha vào năm 2023, bằng một nửa lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu. Vì vậy Ukraine rất nỗ lực để giành quyền kiểm soát khu vực này.
Các video ngày 9/8 cho thấy, binh lính Ukraine đã cắm cờ trước một cơ sở của Gazprom gần thị trấn Sudzha.
Ukraine kiểm soát được bao nhiêu lãnh thổ?
Theo phân tích của AFP về dữ liệu do Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cung cấp, đến ngày 13/8 Ukraine đã kiểm soát khoảng 800 km2 ở khu vực Kursk của Nga.
Phía Nga thừa nhận các đơn vị của Ukraine đã tiến sâu vào nước này, khoảng 30 km so với biên giới, ít nhất 28 ngôi làng nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
Trong báo cáo đánh giá ngày 12/8 của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), Kiev đã kiểm soát được phần phía tây của Sudzha, còn phần trung tâm và phía đông là "khu vực xám" đang tranh chấp.
Trong ngày 7/8, Ukraine đã đạt được thành quả lớn nhất trong hai ngày đầu tiên của cuộc tấn công, khi đã xuyên thủng "ít nhất hai tuyến phòng thủ của Nga". Sau khi Nga tăng cường quân tiếp viện đến khu vực này, tốc độ tiến quân của Ukraine đã chậm lại.
Một chỉ huy người Nga nói với hãng thông tấn TASS vào ngày 13/8 rằng, Moskva đã ngăn chặn được sự di chuyển "không kiểm soát" của lực lượng Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, họ đã "ngăn chặn" các cuộc tấn công mới của Ukraine trong khu vực.
Nga tăng cường binh sĩ đến khu vực Kursk.
Phản ứng của Nga?
Tổng thống Vladimir Putin không công khai bình luận về vụ tấn công, nhưng đến ngày 7/8, ông tuyên bố Ukraine đang thực hiện một "cuộc khiêu khích quy mô lớn" ở khu vực Kursk.
“Họ bắn bừa bãi bằng nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm cả tên lửa, vào các tòa nhà dân sự, nhà ở và xe cứu thương”, ông phát biểu trong một cuộc họp được truyền hình trực tiếp, đồng thời cam kết sẽ gặp các quan chức an ninh để phối hợp ứng phó.
Vào ngày 9/8, Nga cho biết họ sẽ điều động thêm quân và vũ khí đến khu vực Kursk, bao gồm "bệ phóng tên lửa, pháo kéo và xe tăng". Các video được hãng tin Zvezda công bố cùng ngày cho thấy, các đoàn xe bọc thép của Nga đang di chuyển về phía biên giới.
Theo ước tính của quân đội Nga, Ukraine đã chịu tổn thất nặng nề với 2.300 binh sĩ thiệt mạng và hàng loạt phương tiện bọc thép bị phá hủy chỉ trong vòng vài ngày qua. Những con số này vẫn chưa được xác minh độc lập.
Xe chiến đấu của Ukraine tiến vào khu vực Kursk.
Hành động của Ukraine?
Ukraine vẫn giữ im lặng về cuộc tấn công của mình, hoạt động quân sự lớn nhất trên đất Nga kể từ khi xung đột bắt đầu. Ngày 8/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng nói Nga phải "cảm nhận" hậu quả khi thực hiện cuộc tấn công vào Ukraine.
Tại khu vực Sumy, nằm ngay đối diện với khu vực Kursk, chính quyền Ukraine đã ra lệnh sơ tán khoảng 20.000 thường dân. Các nhà báo AFP trong khu vực đã nhìn thấy hàng chục xe bọc thép được vẽ hình tam giác màu trắng - biểu tượng được sử dụng để nhận dạng thiết bị quân sự của Ukraine được triển khai trong cuộc tấn công.
Ngày 13/8, Bộ ngoại giao Ukraine khẳng định cuộc xâm nhập là "hợp pháp" và họ không quan tâm đến việc "chiếm giữ" những vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát.
Theo giới quan sát, cuộc đột kích của Ukraine vào vùng Kursk của Nga có thể là một bước leo thang nhưng không đủ khả năng thay đổi tình hình. Do nguồn lực hạn chế, Ukraine khó đủ sức duy trì chiến dịch lâu dài và mở một mặt trận mới trong lãnh thổ Nga.
Mặt khác, việc Ukraine tấn công đánh chiếm lãnh thổ Nga không thể khiến Tổng thống Nga Putin thỏa hiệp. Ukraine sẽ mất gì từ cuộc tấn công này, thời gian sẽ là câu trả lời rõ nhất.
https://vtcnews.vn/cuoc-tan-cong-xuyen-bien-gioi-cua-ukraine-sang-nga-ar889889.html