Nhiều đoạn vỉa hè Hà Nội lát đá khang trang nhưng lại dùng để trông giữ ô tô nên mau hư hỏng và người đi bộ phải đi xuống đường, tiềm ẩn TNGT.

Hiện nay, nhiều đoạn vỉa hè ở Hà Nội được lát đá khang trang, sạch đẹp nhưng lại được sử dụng để trông giữ ô tô. Thực trạng này khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, gây mất ATGT và làm hư hỏng đá lát hè.

Không khó để bắt gặp cảnh vỉa hè được sử dụng làm bãi đỗ xe, điển hình như trên phố Huỳnh Thúc Kháng, phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm, Láng Hạ, quận Đống Đa…

Cuối cùng, vỉa hè dành cho ai? 1

Nhiều đoạn vỉa hè ở Hà Nội được lát đá khang trang, sạch đẹp nhưng lại để trông giữ ô tô. Ảnh: Phùng Đô

Tại vỉa hè trên phố Giảng Võ, giá vé lượt đỗ trong một giờ từ 24.545 - 29.455 đồng, tùy loại xe. Nếu gửi theo tháng, giá vé từ 2,9 - 3,5 triệu đồng.

Vỉa hè tại đây mới được lát đá khoảng một tháng. Nhiều người lo ngại phần đá lát có thể sớm vỡ nếu ngày ngày bị ôtô chèn lên.

Năm 2022, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra 7 dự án chỉnh trang vỉa hè, qua đó phát hiện 5 vấn đề khiến công trình nhanh xuống cấp.

Ngoài lý do thi công chưa đảm bảo kỹ thuật, chất lượng đá lát... còn do tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm nơi bán hàng, đỗ xe.

Riêng tại quận Hoàn Kiếm hiện có 32 điểm trông giữ ô tô trên vỉa hè, giấy phép cấp tạm 6 tháng/lần, gia hạn vào ngày 1/1 và 1/7.

Vỉa hè là phần đường dành riêng cho người đi bộ và là nơi lắp đặt những thiết bị bổ trợ như nhà chờ xe buýt, trụ cứu hỏa, cột đèn... chứ không phải là nơi kinh doanh dịch vụ trông giữ xe. Và có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện cấp phép cho đỗ ô tô trên vỉa hè thế này.

Câu hỏi được đặt ra là bao giờ vỉa hè mới thuộc về người đi bộ như mục đích sử dụng của nó? Ai là những người chịu trách nhiệm và xử lý vấn đề này?

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo rà soát, tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm các điểm đỗ ô tô, tập kết vật liệu xây dựng gây hư hỏng, lún nứt hè phố, trường hợp có vi phạm cần chấm dứt ngay. Giờ mới xử lý là muộn, nhưng muộn vẫn còn hơn không.

Rõ ràng, đậu ô tô trên vỉa hè rất mất mỹ quan, gây hư hỏng vỉa hè. Tuy nhiên, cũng có một vấn đề nữa đặt ra là nếu dẹp bãi đỗ tạm thời này, chính quyền thành phố có giải pháp gì?

Câu chuyện từ hơn chục năm nay vẫn vậy, có lúc tưởng thành phố sắp có các bãi xe nổi, bãi đỗ xe chìm, nhưng rồi cuối cùng lại quay về với vỉa hè lòng đường.

Sau rất nhiều năm, kế hoạch đầu tư các bãi xe ngầm của Hà Nội đều… nằm trên giấy hoặc bị biến tướng thành chung cư, trung tâm thương mại...

Năm 2017, Hà Nội đã đề xuất xây dựng 4 bãi đỗ xe ngầm tại 4 quận nội thành Hà Nội. Đó là các bãi đỗ xe tại Công viên Nhân Chính (quận Cầu Giấy), Nhà thi đấu Quần Ngựa (quận Ba Đình), Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), Quảng trường cách mạng 19/8 và Vườn hoa Cổ Tân (quận Hoàn Kiếm).

Riêng đối với bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất sẽ được xây dựng với quy mô 5 tầng hầm. Tuy nhiên, đến nay các bãi xe ngầm này đều mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu.

Một trong những lý do khiến các doanh nghiệp không mặn mà với dự án bãi đỗ xe là bỏ vốn đầu tư rất lớn, trong khi với cơ chế hiện tại từ 30 - 50 năm mới thu hồi được.

Nếu Hà Nội muốn xã hội hóa đầu tư bãi xe ngầm thì cần tạo cơ chế nhìn thấy lợi nhuận ngắn ngày cho chủ đầu tư, hoặc có các giải pháp để họ thấy được tiềm năng, có như vậy họ mới vào cuộc. Còn nếu không, chắc chắn câu chuyện lấy vỉa hè làm bãi đỗ xe sẽ không thể sớm chấm dứt.

https://www.baogiaothong.vn/cuoi-cung-via-he-danh-cho-ai-d576979.html

TS. Phạm Quang Long / Giao thông