“Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường không những uy tín với Chính phủ mà rất uy tín với người dân” - đó là lời khen ngợi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dành cho Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Tư lệnh ngành nông nghiệp (NN) - tại hội nghị tổng kết ngành vào đầu tháng 1.2018.

cuoi nam tro chuyen voi tu lenh nganh nong nghiep huong den xuat khau 40 ti usd

Chia sẻ

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong những lần xuống đồng lấy nước, đổ ải cùng bà con nông dân tại Hải Dương, Hà Nam. Ảnh: KH.V-B.H.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần đánh giá cao hình ảnh một bộ trưởng gần dân, sát dân, trực tiếp đối thoại với nhân dân, dám làm, dám xông pha trận mạc.

Chính phóng viên Báo Lao Động cũng đã nhiều lần được cùng theo chân bộ trưởng lao vào các vùng bão khốc liệt, những trận lũ lớn tại miền Trung, những trận sạt lở đất kinh hoàng tại miền núi phía Bắc. Rồi những bận xuống đồng lấy nước đổ ải, gặp gỡ, trao đổi với nông dân…

Trong những ngày áp Tết Nguyên Đán 2018, mặc dù rất bận rộn nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vẫn dành cho PV Lao Động cuộc trò chuyện nhỏ.

Ông tâm sự:

Năm 2017 thực sự là thử thách lớn cho ngành NN với thiên tai khốc liệt nhất từ trước đến nay: Có tới 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp nhiệt đới, cùng với đó là mưa lớn, lũ lụt, lũ ống, lũ quét... xảy ra trên diện rộng ở khắp các vùng miền của cả nước. Theo thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2017 đã lên mức kỷ lục - ước khoảng 60.000 tỉ đồng, cho thấy mức độ khốc liệt và khó khăn do thử thách của thiên tai.

Trong khi đó, nền nông nghiệp (NN) nước ta phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Tuy nhiên với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự nỗ lực của bà con nông dân thì chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Năm 2017 ngành NN đã đạt và vượt tất cả những chỉ tiêu mà Chính phủ giao: Tăng trưởng đạt 2,9%, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016 (1,36%); xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,37 tỉ USD, vượt tới hơn 4 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước và thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỉ USD, tăng hơn 1 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Cùng với đó, trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có 3.069 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 34,37% - vượt kế hoạch được giao là 31%); tỉ lệ che phủ rừng đạt 41,45%... Có thể nói, năm 2017 chúng ta đã thực sự “vượt khó đi lên” để có những kết quả đáng trân trọng.

Thưa ông, mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng giá trị của nông sản Việt sẽ được khai thác với giá trị cao hơn nếu bỏ được XK theo dạng “xuất thô”...

- Đúng là mặc dù là một quốc gia XK nông sản mạnh trên thế giới, nhưng tỉ lệ hàng nông sản xuất đi vẫn chủ yếu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, dẫn đến chất lượng và giá trị chưa cao. Nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đó là bất lợi lớn khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Trong khâu chế biến, sản xuất hàng hóa, ngoài những hạn chế về quy mô sản xuất còn manh mún, ngành NN còn phải đối mặt với vấn đề như việc sử dụng vật tư đầu vào và tài nguyên chưa hợp lý, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao tuy có nhiều tiến bộ nhưng còn hạn chế, công nghệ chế biến phát triển chậm.

Trong chế biến rau quả, dù đã cố gắng nhiều nhưng mới chỉ có khoảng 9% tổng lượng sản phẩm tiêu thụ có qua chế biến, còn lại là xuất bán thô. Rõ ràng đây là một hạn chế, thách thức nhưng cũng là một dư địa để năm 2018 ngành tập trung vào phát triển các dòng sản phẩm đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh.

Để làm được điều này, năm 2018, bộ sẽ tập trung phối hợp với các địa phương, DN xây dựng vùng nguyên liệu mang tính ổn định theo quy trình chặt chẽ, có kiểm soát để bảo đảm cung ứng nguyên liệu ổn định chất lượng cao, làm tiền đề cho khâu chế biến và XK.

Riêng về chế biến rau quả, trong năm 2018 bộ sẽ cùng các địa phương khởi công các nhà máy quy mô lớn trên các vùng, miền cả nước.

Trong khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm, vấn đề ATTP và đảm bảo vệ sinh để đáp ứng yêu cầu thị trường sẽ được đặc biệt quan tâm vì đây sẽ là rào cản lớn nhất các nước sẽ dựng lên đối với nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thưa ông, NN thời hiện đại không còn là hình ảnh của người nông dân cày sâu cuốc bẫm, mà là NN cách mạng 4.0 người nông dân sẽ làm ruộng, trồng rau, chế biến nông sản “bằng nút bấm”. Thế nhưng, với đặc thù nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp… cần phải làm gì để khuyến khích các DN tham gia đầu tư vào NN?

- Phải nói rằng, trong năm 2017 sự đồng hành, quan tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã tạo sức lan tỏa, niềm tin mãnh liệt để các thành phần kinh tế - xã hội, bà con nông dân tập trung khai thác tốt những tiềm năng, khắc phục những điểm yếu, “điểm nghẽn” của NN.

Chỉ riêng năm 2017 đã có 2.000 DN đầu tư khu vực NN - một kết quả cao nhất từ trước đến nay (tăng 20% so với bình quân 3 năm giai đoạn 2014-2016), đưa tổng DN đầu tư vào NN lên khoảng 5.700 DN.

Bên cạnh đó, số hợp tác xã (HTX) thành lập mới trong năm 2017 đã lên tới gần 1.200 HTX, tăng gấp 4 lần bình quân 4 năm thực hiện Luật HTX 2012. Đây là yếu tố hạt nhân để cùng với DN tạo nên hạt nhân liên kết cùng với các bà con nông dân, các trang trại hình thành những vùng sản xuất gắn với chuỗi, từ vùng sản xuất nguyên liệu, đến chế biến phục vụ công tác XK.

Đặc biệt, năm qua, chúng ta đã có những tín hiệu đáng mừng khi DN ồ ạt đầu tư, tăng quy mô vào NN, trong đó có các tập đoàn như TH Truemilk, Vinamilk, Massan, Vingroup, Việt - Australia, Minh Phú, Vĩnh Hoàn, PAN… Nhưng để DN tin và yên tâm đầu tư hiệu quả, trước hết phải tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Được biết, năm 2018, Bộ NNPTNT đặt chỉ tiêu đạt giá trị XK 40 tỉ USD. Xin Bộ trưởng cho biết , liệu mục tiêu này có “quá sức” khi ngành NN luôn đối mặt với rủi ro thiên tai, các thị trường XK còn nhiều “điểm nghẽn”? Theo ông, cần tập trung vào các “mũi nhọn” nào để đạt được chỉ tiêu nói trên?

- Biến đổi khí hậu, nước biển dâng là thách thức lớn toàn cầu, nhưng chọn được hướng đi đúng thì chúng ta vẫn có thể vượt qua, như ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ thứ tự ưu tiên lúa gạo - thủy sản - trái cây, chúng ta đã chuyển sang thủy sản - trái cây - lúa gạo. Cá tra và tôm đã làm rất hiệu quả vai trò “kinh tế mũi nhọn” của ngành thủy sản trong cơ cấu đó và sẽ tiếp tục đứng vững xứng đáng ở vị trí sản phẩm quốc gia.

Điều này cho thấy, lựa chọn sản phẩm có thế mạnh để tập trung phát triển là nguyên tắc để mang lại thành công. Trong năm 2018, Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo sát sao, phát triển đồng hành 3 trục sản phẩm quốc gia - cấp tỉnh - địa phương. Ở cấp tỉnh, tiềm năng, dư địa còn rất nhiều, những đặc sản như: Nhãn lồng Hưng Yên, xoài Cao Lãnh, cam Cao Phong, vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế đều có thể trở thành những ngành hàng giá trị cao.

Ở cấp địa phương, mỗi làng, mỗi xã được khuyến khích và hỗ trợ lựa chọn, phát triển mô hình “Mỗi làng 1 sản phẩm”. Đến thời điểm này, Quảng Ninh đã có khoảng 290 sản phẩm, trong đó 85 sản phẩm đạt cấp độ 5 sao. Lựa chọn hướng đi đúng cho 3 trục sản phẩm quốc gia, đưa được kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất kết hợp với phát triển thị trường chắc chắn sẽ đem lại thành công. Trong đó, một trong những nội dung trọng tâm của tái cơ cấu ngành cũng như kế hoạch cho những năm tiếp theo là chúng ta phải hoàn thành bằng được chuỗi giá trị khép kín từ phát triển vùng nguyên liệu, chế biến đến công tác thị trường, từ đó tạo ra và gia tăng giá trị cho các sản phẩm NN.

Trong Kế hoạch cơ cấu ngành đến năm 2020, Bộ NNPTNT xác định rõ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm NN, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nền NN hiện đại và có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững thì các ngành hàng nông sản của chúng ta mới có vị trí vững chắc trong chuỗi nông sản toàn cầu. Những gì chúng ta đạt được năm qua sẽ là cơ sở và động lực khi bước vào năm 2018 và những năm tiếp theo, những khó khăn vướng mắc cùng những thách thức trong hội nhập sẽ được khắc phục, hướng đến phát triển bền vững.

Năm 2018 cũng là năm ngành tập trung cải cách mạnh mẽ và sâu sắc về hành chính, gỡ bỏ nhiều rào cản về thủ tục hành chính… cùng với nhiều chính sách mới thúc đẩy DN đầu tư NN, tổ chức - hỗ trợ nhiều hoạt động kết nối thị trường trong - ngoài nước cùng với cơ chế kiểm soát - hỗ trợ để đáp ứng yêu cầu các thị trường, kể cả những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Nga…

- Xin cảm ơn ông!

Bước sang năm 2018, Bộ NNPTNT phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 3,0%, trong đó lĩnh vực trồng trọt đạt tối thiểu 2,2%, chăn nuôi 3%, thủy sản 5,5%, lâm nghiệp 6%. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỉ USD, trong đó các sản phẩm trồng trọt trên 21 tỉ USD, thủy sản trên 9 tỉ USD, lâm nghiệp trên 8,5 tỉ USD, các mặt hàng khác 1,5 tỉ USD. Tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 37% và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.
cuoi nam tro chuyen voi tu lenh nganh nong nghiep huong den xuat khau 40 ti usd Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần khắc phục tình trạng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống”

An toàn thực phẩm có tiến bộ nhưng còn tình trạng “lợn 2 chuồng, rau 2 luống”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành ...

cuoi nam tro chuyen voi tu lenh nganh nong nghiep huong den xuat khau 40 ti usd Năm 2017, gần 2.000 doanh nghiệp đổ vốn vào nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chưa bao giờ các thành phần kinh tế quan tâm đến nông nghiệp như hiện nay. Năm 2017, gần ...

/ https://laodong.vn