Việc các phụ huynh liên tục khoe thành tích học tập của con trên mạng xã hội có thể gây ra nhiều hệ luỵ không đáng có.
Có hai con đang ở bậc trung học cơ sở, chị Trần Thị Thuỳ Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, thành tích học tập nên là chuyện riêng tư của học sinh và gia đình, không nên đưa lên mạng xã hội bàn tán, khoe khoang. Chị không tán thành việc công khai thành tích của con lên mạng xã hội.
Thành tích của con hay của cha mẹ?
Theo chị Linh, nhiều phụ huynh thường quan tâm tới cảm xúc của bản thân hơn là để ý con cái phản ứng thế nào khi bảng thành tích học tập được công khai trên mạng xã hội. Việc đăng tải giấy khen, bảng điểm của con là hành động thiếu tế nhị, vô tình tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh khác cũng như chính bản thân con mình nếu không đạt kết quả học tập như ý.
"Các phụ huynh không nên chỉ vì phút bốc đồng, ham vài lượt like, thả tim, rồi tung hô ảo mà đẩy con cái vào bẫy hứng búa rìu dư luận. Chỉ vì một bài đăng tải khoe thành tích, biết đâu đó, con bạn đang trở thành tâm điểm so sánh, soi mói hay bêu rếu của vài người nào đó trên mạng xã hội", chị Linh nói.
Vị phụ huynh này cũng thẳng thắn cho biết, những ngày qua hễ thấy ai khoe thành tích, giấy khen hay bảng điểm của con trên mạng xã hội là đều chặn theo dõi, thậm chí xoá kết bạn. Chị không muốn vì những thành tích ảo, lời khoe ảo trên mạng xã hội ảnh hưởng đến tâm lý, "một lúc nào đó lại vô tình trở thành áp lực của bản thân, mang con cái ra để so sánh với con nhà người ta".
Sau lễ tổng kết, phụ huynh lại rần rần khoe thành tích của con trên mạng xã hội. (Ảnh minh hoạ)
Anh Phạm Quang Trường (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: "Không ai cấm phụ huynh tự hào về thành tích của con. Con cái dù học kém tất cả các môn, chỉ môn Thể dục đạt loại giỏi, chúng ta vẫn hoàn toàn có quyền tự hào, dành lời khen, tạo động lực cho con phát huy".
Suốt 12 năm con đạt học sinh xuất sắc, dành nhiều giải cao trong các cuộc thi, nhưng anh Trường chưa một lần khoe con trên mạng xã hội. Anh không muốn biến giấy khen của con thành “giấy khoe”, vì đó là thành tích của con không phải cha mẹ.
Nam phụ huynh nêu quan điểm, trước khi đưa những thành tích, giấy khen đó lên mạng xã hội, phụ huynh cần trả lời câu hỏi "có đáng không, có cần thiết không và có hậu quả gì không?"
Chưa kể, việc khoe con trên mạng xã hội cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn không gian mạng, khi thông tin của con trẻ được phơi bày công khai.
Với gia đình anh Trường, việc dạy con biết cách khiêm nhường, biết định vị đúng bản thân là điều quan trọng hơn việc đua nhau ở bảng điểm, thành tích học tập.
Cẩn trọng khi khoe con trên mạng xã hội
TS Hồ Lâm Giang, chuyên gia tâm lý giáo dục, trưởng ban cố vấn giáo dục Happy Teen nhận định, việc cuồng khoe thành tích của học sinh trên mạng xã hội xuất phát từ tâm lý phụ huynh cảm thấy tự hào, muốn lan tỏa niềm vui để nhận về sự khen ngợi của mọi người dành cho con và gia đình.
"Việc công khai điểm số và thành tích của học sinh lên mạng xã hội dễ làm nảy sinh nhiều yếu tố tiêu cực, cả người đăng tải cũng như người tiếp nhận thông tin”, TS Giang nhận định.
Ở người đăng tải thông tin, việc khoe con giỏi giang ban đầu sẽ khiến phụ huynh và con cảm thấy tự hào vì được ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đó cũng chính là cái "bẫy" của thành tích và hậu quả mang lại vô cùng lớn. Cha mẹ sẽ không thể chấp nhận việc con học thụt lùi, không muốn đánh mất sự danh giá đã đạt được. Từ đó, bằng mọi cách buộc con phải duy trì và phát huy thành tích.
Ở người tiếp nhận thông tin, khi so sánh thấy con mình không bằng con nhà người ta sẽ rất dễ chạnh lòng và có suy nghĩ gia đình mình không giỏi giáo dục. Nguồn cơ của sự bực bội, khó chịu cũng từ đây mà ra, vô tình tạo áp lực không đáng có cho học sinh, thậm chí cho cả đại gia đình.
Việc các phụ huynh liên tục khoe thành tích học tập của con trên mạng xã hội có thể gây ra nhiều hệ luỵ không đáng có cho con trẻ. (Ảnh minh họa).
Theo TS Hồ Lâm Giang, dưới áp lực từ phụ huynh, con vẫn sẽ phấn đấu để có thành tích, để được "khen" và được "khoe" chứ không phải vì mục tiêu tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Việc học của con sẽ dần mất đi ý nghĩa.
Việc khen con quá đà, một chiều cũng gây cho bố mẹ và con những ảo tưởng về sự toàn năng, toàn diện của mình. Từ đó con khó có thể chấp nhận về sự thất bại của mình, bố mẹ cũng khó chấp nhận sự không hoàn hảo của con. Về lâu dài có thể hình thành tâm lý đổ lỗi: Con không làm được bài là do đề khó, con bị điểm kém là vì cô giáo trù dập hay tương lai con không thành công là do không gặp thời, sếp không biết trọng dụng.
Tư tưởng khoe bảng thành tích học tập toàn diện vô tình gạt những em học lệch, học không đều sang nhóm yếu kém. Có rất nhiều cách để động viên và ghi nhận thành tích học tập của con, phụ huynh không nên quá lạm dụng mạng xã hội để khoe rầm rộ như hiện nay bởi đó là một trong những lý do khiến bệnh thành tích tồn tại dai dẳng.
"Chúng ta đang cố gắng xoá bỏ bệnh thành tích và theo tôi phải xuất phát từ việc nhỏ nhất. Đó là việc dừng khoe quá đà điểm số, bằng khen của con trên mạng xã hội", TS Giang nhấn mạnh.