Cựu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đang thành lập một nhóm đầu tư để mua TikTok, trong nỗ lực tách ứng dụng này khỏi chủ sở hữu Trung Quốc.
.Chính quyền Washington từ lâu đã cho rằng, TikTok gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia, vì dữ liệu của nhiều người dùng Mỹ có thể rơi vào tay Chính phủ Trung Quốc.Vì thế, hôm 14/3, Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật, nếu được ký thành luật chính thức sẽ buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi ứng dụng toàn cầu hàng đầu của mình, hoặc TikTok sẽ bị cấm hoàn toàn ở Mỹ.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đang thành lập một nhóm đầu tư để mua TikTok, trong nỗ lực tách TikTok khỏi chủ sở hữu Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Dự luật hiện đang được chuyển đến Thượng viện, nơi tương lai của nó vẫn chưa chắc chắn, mặc dù Tổng thống Joe Biden nói sẽ ký luật này, nếu nó đến được bàn làm việc của mình.
Ngay sau thông tin này được công bố, Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (dưới thời Cựu Tổng thống Donald Trump) nói đang tập hợp một nhóm nhà đầu tư để mua TikTok. “Tôi nghĩ luật nên được thông qua và tôi nghĩ nó nên được bán”, Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói trong chương trình nghị sự “Squawk Box” của Đài CNBC. “Đó là một công việc kinh doanh tuyệt vời và tôi sẽ thành lập một nhóm để mua TikTok”.
Dưới thời Donald Trump, Steven Mnuchin cho biết ông tìm thấy bằng chứng TikTok có khả năng “thu thập rất nhiều dữ liệu”. “Cái này nên thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Mỹ”, Steven Mnuchin nói thêm.
Trước mắt, Steven Mnuchin không nêu rõ ai sẽ là những nhà đầu tư khác trong một thương vụ như vậy, hoặc cho biết mức định giá tiềm năng cho TikTok là bao nhiêu.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Chính phủ Trung Quốc có cho phép ByteDance bán TikTok cho người mua ở Mỹ hay không. TikTok thì cũng đã vận động hành lang dữ dội để chống lại dự luật này trong những tuần gần đây. Giám đốc điều hành TikTok, Shou Zi Chew ngụ ý rằng, việc thoái vốn như thế này không phải là một lựa chọn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân mô tả sự thúc đẩy của đa đảng với dự luật này là biểu hiện “logic của kẻ cướp” đối với TikTok.
Ông Uông còn khẳng định, dự luật của Mỹ “đi ngược lại các nguyên tắc cạnh tranh công bằng và các quy tắc thương mại quốc tế”. “Nếu lấy lý do an ninh quốc gia để đàn áp một cách tùy tiện các công ty xuất sắc của các quốc gia khác thì không có sự công bằng hay công lý nào để nói đến. Đó hoàn toàn là một hành vi trộm cắp logic, khi thấy thứ gì đó tốt và cố gắng chiếm lấy nó bằng mọi cách có được”.
https://vtcnews.vn/cuu-bo-truong-tai-chinh-my-tim-nha-dau-tu-mua-tiktok-ar858873.html