Hàng loạt dự án BOT (xây dựng - điều hành - chuyển giao) giao thông đang khó khăn do doanh thu thu phí giảm mạnh. Để hỗ trợ các doanh nghiệp BOT gặp khó khăn trong hoạt động, Bộ GTVT trước đó kiến nghị Chính phủ 2 phương án tăng phí BOT giao thông.
49/60 dự án BOT hụt doanh thu
Theo thống kê của Bộ GTVT, trong số 60 dự án BOT giao thông đang khai thác do Bộ GTVT quản lý có 49 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính, trong đó có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13-15%.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP) Bộ GTVT - ông Nguyễn Viết Huy - một nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giảm doanh thu là do các BOT giao thông thực hiện giảm giá vé cho các phương tiện lân cận trạm thu phí và giảm giá vé cho phương tiện nhóm 4, nhóm 5; chưa tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT. Cùng với đó, lưu lượng xe qua trạm thu phí ở một số tuyến thấp hơn so với dự báo. Trong đó, việc hình thành các tuyến đường song hành, đường ngang gần khu vực trạm thu phí dẫn đến các phương tiện tránh trạm thu phí; và sự gia tăng các phương tiện sử dụng vé tháng/quý/năm.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp BOT gặp khó khăn trong hoạt động, Bộ GTVT trước đó kiến nghị Chính phủ 2 phương án tăng phí BOT giao thông. Theo đó, phương án 1 cho phép tăng phí theo hợp đồng dự án, giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng chi phí vận tải. Phương án 2 giữ nguyên mức phí, chỉ tăng theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Song nhà nước phải bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá.
Nâng giá thu phí là bất hợp lý
Tuy nhiên đề xuất của Bộ GTVT đã gặp phải sự phản ứng của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, trong hợp đồng BOT chắc sẽ có những điều khoản điều chỉnh về những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc điều chỉnh theo hướng nâng giá thu phí thì không ổn và bất hợp lý. Bởi nâng giá thì sẽ kéo theo giá thành vận tải và các sản phẩm sẽ đội lên thì người dân vẫn là người phải trả. Trong khi chúng ta đang phải hỗ trợ cho toàn dân để phục hồi kinh tế vì tác động của dịch bệnh.
Theo TS Nguyễn Minh Phong (chuyên gia kinh tế), việc tăng hoặc giảm hoặc thu phí BOT không thể tự tiện đề nghị là được. Cần căn cứ vào các cơ sở pháp lý đồng thời phải được giải trình minh bạch. Tuyến nào, địa điểm nào, mức hợp đồng là bao nhiêu và tại sao lại nâng. Tất cả phải được công khai và đánh giá đúng.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp dự án BOT không như các doanh nghiệp khác vì nếu doanh nghiệp không hoạt động thì tài sản vẫn còn, chỉ khó khăn là do việc thực hiện phương án trả ngân hàng. Do đó, các nhà đầu tư BOT cần phải bình tĩnh và đề nghị ngân hàng hỗ trợ việc khoanh nợ hoặc kéo dài thời gian thu phí… Vì dự án khi đầu tư rất lớn nhưng khi bán thì giá có thể rất thấp nên ngân hàng và chủ đầu tư cũng không thể bán.
Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, nếu hiệu quả của BOT thấp thì nên chuyển về sử dụng vốn đầu tư công để mở đường, PGS-TS Nguyễn Quang Toản (nguyên chủ nhiệm bộ môn Đường bộ Trường Đại học GTVT) cho rằng, rất khó thực hiện và có thể đầu tư bằng vốn ngân sách để làm sau đó bán lại quyền thu phí cho doanh nghiệp khai thác. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều tuyến BOT thất thu 70% đến 80%, Chính phủ đã có những gói hỗ trợ các doanh nghiệp. Cùng với đó, dự án BOT có thời gian thu phí dài và vốn đầu tư lớn, dịch bệnh trong thời gian ngắn và việc trả nợ suốt trong quá trình khai thác (hàng chục năm) trong quá trình khai thác đó sẽ có rất nhiều biến động và các doanh nghiệp cũng đã xây dựng những phương án nên chưa thể phá sản được mà chỉ chậm trả gốc và lãi vay ngân hàng.
BOT giao thông bộc lộ hàng loạt vấn đề
Thực tế kết quả kiểm toán 11 dự án BOT năm 2019 theo công bố mới đây của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, Bộ GTVT cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT; phê duyệt dự án trước khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường; không công bố danh mục dự án; không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai tăng tổng mức đầu tư; thi công một số gói thầu trước khi lựa chọn nhà thầu (như Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1); công tác thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư cũng chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Đáng chú ý ở một số dự án BOT, việc góp vốn chủ sở hữu diễn ra chậm, xác định chi phí sửa chữa, duy tu trong phương án tài chính chưa đủ cơ sở và căn cứ pháp lý; chưa cập nhật chi phí sử dụng trạm thu phí không dừng theo hướng dẫn của Bộ GTVT và Chính phủ; sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục không thuộc dự án; lập thiết kế - dự toán còn sai sót; tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch; nghiệm thu, thanh toán còn sai sót; chậm phê duyệt quyết toán theo quy định của hợp đồng BOT. Kết quả kiểm toán theo đó kiến nghị xử lý 513,9 tỉ đồng, trong đó có dự án tỉ lệ xử lý lớn; giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7 dự án 56,4 năm so với phương án ban đầu.
Trước đó khi đánh giá về mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), ông Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - cũng cho hay, bên cạnh những lợi ích tích cực, thời gian qua có rất nhiều vấn đến liên quan đến công tác quản lý, điều hành, khai thác các dự án PPP, gây ra không ít bức xúc trong dư luận xã hội như: Việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu theo hình thức chỉ định thầu, chưa tạo ra cơ chế cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, giá thành xây dựng thấp và thời gian hoàn vốn hợp lý nhất. Quy định về mức vốn góp của nhà đầu tư hiện vẫn còn khá thấp so với tổng chi phí đầu tư dự án; tiến độ góp vốn của các nhà đầu tư chưa như cam kết nhưng thiếu chế tài xử lý; việc tuân thủ các quy định trong quá trình thực hiện dự án còn chưa thật sự nghiêm túc.
Từ thực tế kết quả kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư nói chung và các dự án BOT, BT nói riêng cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Thanh Hiền cho rằng, về bản chất các dự án PPP là hoạt động đầu tư nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư, nhà nước thực hiện đầu tư qua hợp đồng PPP với nhà đầu tư. Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, thay vào đó Nhà nước cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án được thu phí với mức thu và thời hạn thu do nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất. Do đó nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư sẽ khó có thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí đối với công trình như thế nào là phù hợp.
Xử phạt nhà đầu tư BOT thu phí thủ công ở làn tự động? dự án thu phí tự động không dừng đến nay vẫn chưa thể triển khai đồng bộ do nhiều nhà đầu tư BOT còn chây ... |
BOT đã khai tử, trạm thu phí vẫn ngáng cửa ngõ TP.HCM Dự án BOT Bình Triệu 2 - giai đoạn 2 (quận Bình Thạnh) vừa được UBND TP.HCM chấp thuận dừng hợp đồng BOT, nhưng trạm ... |