Nguyễn Cảnh Chân khai, các xe gắn "logo vua" của Thới đã được bao, nên khi có chỉ đạo của cấp trên sẽ không xử lý lỗi chở quá tải.
Chiều 19/4, phiên xử đường dây đưa hối lộ giải cứu xe quá tải do Nguyễn Văn Thới (42 tuổi) cầm đầu tiếp tục với phần xét hỏi.
Là CSGT duy nhất bị xử lý hình sự, Nguyễn Cảnh Chân (45 tuổi) cho biết, khi hay tin đường dây của Thới bị phát hiện, anh ta đã ra khai báo. 11 tháng sau, Chân bị khởi tố.
Ban đầu, Chân công tác ở Đội 1 Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai nhưng sau đó chuyển sang Đội 2. Mỗi đội gồm tổ trưởng và hai tổ viên. Khi gặp xe vi phạm trên đường, Chân báo cho tổ trưởng xử lý vì bản thân không có quyền. Nếu cấp trên can thiệp thì ngưng.
"Đây là chuyện trong nghề ai cũng biết nhưng bị cáo không thể giải thích được tại sao. Nếu xét về pháp luật thì bị cáo chấp nhận mình làm sai", Chân trả lời.
Cựu CSGT còn khai nhận, trong số xe dán logo Garage Thành Đô của Thới vẫn có nhiều xe bị xử phạt. Chỉ trường hợp nào Thới gọi điện thông báo thì không bị xử lý, vì chỉ "bao" cho xe của ông ta, thực tế có nhiều xe dán logo giả.
Cách thức chung chi tiền là mỗi tháng đưa một lần, căn cứ trên số lượng xe "hoàn thành", nếu xảy ra trục trặc Thới sẽ không giao.
Bị cáo Chân sau phiên xử. Ảnh: Hải Duyên. |
Khai trước đó, Thới phủ nhận hành vi thỏa thuận với CSGT, thanh tra giao thông đưa hối lộ để giải cứu xe quá tải. Bị cáo chỉ thừa nhận việc in logo số 68 và Garage Thành Đô để bán cho vài trăm xe, tiền thu lợi bất chính không phải gần 23 tỷ đồng như cáo buộc.
Tuy nhiên, khi trả lời VKS, Thới lại cho rằng việc bán logo Garage Thành Đô là để quảng cáo cho nhà xe của mình.
"Bị cáo khai báo vòng vo, né tránh, không thành khẩn. Có thấy vô lý khi tài xế bỏ ra 2,5-3 triệu đồng mua logo để quảng cáo cho bị cáo? Thế bị cáo giải thích thế nào về logo số 68?", đại diện VKS chất vấn.
Vẻ lúng túng, Thới giải thích lòng vòng nhưng cuối cùng thừa nhận hành vi. Tuy nhiên, số lượng logo bán cho các xe và tiền thu lợi bất chính không nhiều như cáo buộc.
Về việc Thới tố cáo bị dùng nhục hình, VKS cho rằng, trước khi vụ việc được chuyển lên Cơ quan CSĐT Bộ Công an, các bị cáo đã đến Công an huyện Bình Chánh khai nhận nên không thể có việc bị bức cung. "Nếu bị cáo chứng minh được thì VKS sẽ đề nghị HĐXX khởi tố vụ án", kiểm sát viên nói.
Các bị cáo phản cung tại tòa. Ảnh: Hải Duyên. |
Một số đồng phạm của Thới lần lượt được thẩm vấn cũng thừa nhận đi bán logo cho ông chủ. Số tiền thu được mang về cho anh ta, mỗi logo được hưởng chênh lệch 200.000-300.000 đồng. Tuy nhiên, họ không biết Thới dùng tiền này để chung chi cho CSGT.
Là người cầm đầu đường dây bán logo Xe chở hàng, Lê Thị Cẩm Vân vẫn khẳng định có đưa tiền cho nhân viên Thắng đưa cho cán bộ Đội 7 Thanh tranh giao thông TP HCM. Nhưng đưa cho ai thì bị cáo không biết vì chỉ liên lạc qua điện thoại.
Sau một ngày làm việc, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung do còn nhiều tình tiết chưa rõ.
Theo cáo buộc, Thới và Vân nhiều lần bị CSGT và thanh tra giao thông các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM xử lý vi phạm do lỗi chở quá tải. Cả hai móc nối với một số cán bộ sẽ chi tiền, dán logo mặc định lên đầu ôtô chở hàng để nhận dạng, cảnh sát sẽ không xử phạt.
Cả hai đã bán hàng chục nghìn lượt logo thu lợi gần 30 tỷ đồng. Thới và đồng phạm dùng một phần tiền trong đó để chi cho CSGT. Theo đó, họ bị truy tố về các tội Đưa hối lộ, Làm môi giới hối lộ theo khoản 4 Điều 289, 290 BLHS 2009 với khung hình phạt từ 12 năm tù đến chung thân.
Có 80 thanh tra, CSGT được cho là liên quan đến đường dây nhưng họ không thừa nhận nên không có cơ sở xử lý.
Hải Duyên
Trùm \'logo xe vua\' phản cung, cựu CSGT nhận tội Nguyên cán bộ Đội 1 CSGT Đồng Nai thừa nhận làm trung gian cho Thới với hai sếp của mình bắt tay bảo kê xe ... |
Xử vụ mua bán "logo xe vua": Luật sư đề nghị triệu tập hàng loạt CSGT, TTGT Tại phiên tòa xét xử đường dây bán "logo xe vua”, luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX triệu tập những ... |