Yahya Jammeh bị cáo buộc dàn dựng bòn rút gần một tỷ đôla trước khi bay sang nước ngoài sống lưu vong hai năm trước.

cuu tong thong gambia bi cao buoc om gan 1 ty usd ra nuoc ngoai
Yahya Jammeh (phải), trước khi trốn ra nước ngoài năm 2017 sau khi thất bại trong bầu cử. Ảnh: Guardian.

Dự án Tố cáo Tham nhũng và Tội phạm có tổ chức (OCCRP), một trung tâm điều tra quốc tế phi chính phủ, hôm 27/3 cho biết đã xem xét hàng nghìn tài liệu bị rò rỉ cho thấy cách thức cựu tổng thống Yahya Jammeh cướp đoạt số tiền gần một tỷ USD từ công quỹ chính phủ Gambia trong hơn 22 năm.

Jammeh, cựu sĩ quan quân đội lên nắm quyền ở quốc gia châu Phi này sau cuộc đảo chính năm 1994, đã trốn sang nước ngoài lưu vong hồi đầu năm 2017 sau khi thất bại trong bầu cử.

Tháng 12/2017, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lệnh trừng phạt với Jammeh vì "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và tham nhũng", bao gồm thành lập một đội tra tấn và ám sát có tên Junglers chuyên tấn công đối thủ chính trị và những người chỉ trích Jammeh. Năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố cấm Jammeh và người nhà nhập cảnh vào Mỹ.

Jeggan Grey-Johnson, nhân viên truyền thông tại văn phòng châu Phi của Quỹ Xã hội Mở, nói với OCCRP rằng Jammeh "điều hành đất nước như một tổ chức tội phạm", nhưng những hành vi của ông ta bị cộng đồng quốc tế phớt lờ bởi Gambia chỉ là một nước nhỏ ở Tây Phi.

Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Jammeh rút tiền trái phép từ ngân quỹ Gambia ít nhất 50 triệu USD. Tuy nhiên, OCCRP cho hay Jammeh và cộng sự đã cướp đi ít nhất 975 triệu USD theo những tài liệu từ năm 2011 tới 2016, bao gồm 71 triệu USD rút từ Ngân hàng Trung ương Gambia trong vài năm; khoảng 364 triệu USD từ công ty viễn thông nhà nước; 36.000 USD được chuyển vào một tài khoản của "Văn phòng Đệ nhất Phu nhân", mặc dù không có văn phòng như thế tồn tại.

Ngoài ra, còn nhiều lệnh rút tiền được các cộng sự của Jammeh thực hiện từ khoản thu 10% thuế đánh bắt cá ở vùng biển Gambia. Một phần số tiền được sử dụng để chi trả cho những thứ xa xỉ phục vụ Jammeh, bao gồm một cung điện có nhà thờ bên trong, hay tổ chức buổi hòa nhạc tưởng nhớ ca sĩ Michael Jackson năm 2010.

Tài liệu cho thấy trong hơn hai năm, ít nhất 35 triệu USD đã được rút ra từ một tài khoản có tên 3M tại công ty dịch vụ tài chính Mỹ Citibank, được lập ra để nhận viện trợ từ Đài Loan. Citibank từ chối bình luận thông tin này.

Tiền được chia cho 20 người, trong đó có Muhammad Bazzi, một doanh nhân được cho là nhà tài trợ chính của nhóm khủng bố Hezbollah ở Lebanon. Năm ngoái, Mỹ áp lệnh trừng phạt với Bazzi cùng 5 công ty do ông ta kiểm soát vì những cáo buộc liên quan tới Hezbollah. Bộ Tài chính Mỹ gọi Bazzi là "cộng sự thân tín" với Jammeh, cáo buộc ông ta liên quan tới đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền. Bazzi không trả lời yêu cầu bình luận.

Những người sống sót sau 22 năm cầm quyền của Jammeh cho biết ông ta cai trị đất nước rất tàn ác. Năm ngoái, 12 thi thể được khai quật từ một ngôi mộ tập thể ngoại ô thủ đô Banjul được cho là nạn nhân của một vụ thảm sát do Junglers tiến hành.

Jammeh từng tuyên bố đã phát minh ra phương pháp chữa trị HIV và buộc nhiều người Gambia dương tính với virus HIV phải thử nghiệm loại thuốc mới. Ủy ban Sự thật, Hòa giải và Bồi thường của Gambia ước tính có 150.000 nạn nhân dưới chế độ Jammeh đang chờ đợi lên tiếng.

Tuy nhiên, tháng 12/2016, Jammeh thất bại trong cuộc bầu cử trước đối thủ Adama Barrow và bị kêu gọi từ chức. Ban đầu, ông ta thừa nhận thất bại nhưng sau đó thay đổi quyết định, phủ nhận kết quả, cáo buộc có bất thường và không chấp nhận cuộc bầu cử.

Sau một thời gian dài bế tắc và chịu áp lực từ các quốc gia Tây Phi khác, Jammeh cuối cùng thừa nhận thất bại và rời khỏi Gambia. Ông ta đi cùng một máy bay chở hàng, bên trong chất đầy những thứ đồ xa xỉ với ít nhất ba chiếc ôtô.

Jammeh hiện sống lưu vong ở Cộng hòa Guinea Xích đạo. Chính phủ nước này không trả lời yêu cầu liên hệ với Jammeh của báo chí.

Hồng Hạnh (Theo Guardian)

cuu tong thong gambia bi cao buoc om gan 1 ty usd ra nuoc ngoai Mỹ áp đặt trừng phạt nhằm vào Myanmar, Nam Sudan và Gambia

Mỹ sẽ đóng băng tài sản của các cá nhân và thực thể mà hệ thống tư pháp Mỹ có quyền thực thi và ngăn ...

/ VnExpress