Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài khai vì "uy" của mình với các giáo viên chấm môn Ngữ văn nên có thể tự tin nhờ nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Trong ba ngày (14-16/10) xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi ở TAND tỉnh Hà Giang, HĐXX dành phần lớn thời gian để thẩm vấn, làm rõ thủ đoạn can thiệp, sửa bài, nâng điểm thi.
Theo cáo trạng của VKSND Hà Giang, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại địa phương, 107 thí sinh đã được can thiệp, nâng điểm với 309 bài thi trắc nghiệm bị sửa. Hai bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo), Vũ Trọng Lương (cựu phó phòng khảo thí) đã bàn bạc, bày cách từ trước kỳ thi để thực hiện hành vi gian dối.
Bà Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) bị cáo buộc đã đưa danh sách nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh, xem điểm cho một em.
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: H.N. |
Trong phần thẩm vấn ngày 15/10, bà Chính đưa ra nhiều lập luận như: quy trình chấm thi chặt chẽ, nhiều lớp giám sát, việc chấm thi môn ngữ văn tự luận thực hiện trên giấy, chấm chéo... để chứng minh ông Nguyễn Thanh Hoài không có cơ hội nâng điểm. Vì thế, việc bà bị cáo buộc nhờ ông Hoài nâng điểm cho 12 thí sinh ở bài thi tự luận ngữ văn là không có cơ sở thực tế.
Tuy nhiên, đối chất lời khai của bà Chính trong sáng 16/10, ông Hoài khẳng định nếu hành vi vận chuyển bài thi môn trắc nghiệm về để sửa điểm của Vũ Trọng Lương không bị phát hiện, Lương có khả năng nâng điểm môn ngữ văn cho các thí sinh trong danh sách bà Chính đưa.
Nói về phương án nâng điểm, bị cáo Hoài khai: "Tôi sẽ kiểm tra xem bài thi đã đạt số điểm theo yêu cầu chưa? Nếu chưa, tôi sẽ nhờ trưởng môn, cán bộ chấm thi thứ 1, 2 nâng điểm cho thí sinh".
Trả lời thắc mắc "căn cứ vào đâu để nhờ nâng điểm", ông Hoài khẳng định căn cứ vào uy tín, quá trình công tác của bản thân với giáo viên các trường và với trưởng môn chấm thi môn này. Ông dẫn chứng bằng quá trình "gắn bó" với bộ môn ngữ văn. Năm 2002-2003, ông là thành viên trong hội đồng ra đề thi học kỳ từ lớp 6 đến 12 và trực tiếp duyệt đề thi học kỳ từ năm 2006-2014.
"Toàn bộ phân phối chương trình môn ngữ văn, cả THCS, THPT đều do bị cáo là người xây dựng, dù là giáo viên vật lý. Bị cáo trực tiếp duyệt đề thi môn ngữ văn cấp tỉnh của học sinh từ lớp 9 đến lớp 12", bị cáo Hoài khai.
Giải thích rõ hơn vai trò với các trường, ông Hoài trình bày Phòng khảo thí có nhiệm vụ quản lý, đánh giá chất lượng các trường từ mầm non đến THPT. Vì thế, ông nhờ các giám khảo nâng điểm môn ngữ văn thì sẽ được nhận lời bởi "lãnh đạo Sở nhờ thì phải giúp".
Ông Hoài tự tin nói dù việc chấm thi môn ngữ văn đã xong, các giáo viên trở về các huyện nhưng chỉ cần ông nhờ, họ sẽ quay lại. Vì thế, việc chấm lại, nâng điểm cũng không gặp nhiều khó khăn. Bà Chính lại là người duyệt, quyết định điểm cuối cùng với bài thi môn này.
Trên thực tế, việc nâng điểm môn Ngữ văn đã không thể thực hiện. Tuy nhiên, các bị cáo đã nâng trót lọt điểm trắc nghiệm cho 107 thí sinh qua 309 bài thi. Người được nâng nhiều nhất tới 29,95 điểm (4 môn thi trắc nghiệm), người ít nhất là một môn với 2,2 điểm.
Ông Hoài cam đoan những lời khai của mình với cơ quan điều tra, VKS và lời khai trước toà là sự thật. "Nếu tôi không tôn trọng sự thật, tôi đã có thể có những phương án trả lời khác. Ví dụ, tôi có thể đổ lỗi cho chị Chính chỉ đạo nâng điểm cho Triệu Ngọc Mai (con ông Triệu Tài Vinh), cho Phạm Tuấn Minh (con cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Văn Khuông, bị cáo trong vụ án)... Nếu tôi không tôn trọng sự thật thì chắc chắn chị Chính cũng sẽ giống như tôi đã 448 ngày không nghe tiếng chim hót. Có một sự thật cần được tôn trọng là: Chị Chính nhờ tôi nâng điểm môn ngữ văn", ông Hoài trình bày.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, Phó giám đốc Lâm Thế Hùng có mặt tại phiên xử ngày 16/10 cho rằng lời khai của các bị cáo mâu thuẫn nhưng bản thân không đủ tài liệu để đánh giá.
"Những bị cáo ngồi đây đều công tác lâu năm, có nhiều cống hiến đã được đánh giá thông qua bằng khen giấy khen. Sở mong muốn đề nghị HĐXX khi nghị án, lượng hình đảm bảo công minh, tính đến đóng góp của bị cáo để các bị cáo làm lại cuộc đời, khắc phục sai lầm", ông Hùng nêu ý kiến.
Ngày mai, phiên toà tiếp tục làm việc.
Trong vụ án nâng điểm 309 bài thi trắc nghiệm cho 107 thí sinh, từ ngày 14/10, TAND tỉnh Hà Giang mở phiên sơ thẩm xét xử cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Triệu Thị Chính (51 tuổi) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo điều 358 Bộ luật Hình sự 2015. Ông Phạm Văn Khuông (60 tuổi, cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) và bà Lê Thị Dung (cựu phó đội trưởng đội giáo dục Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) cùng bị xét xử về tội Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, theo điều 366 Bộ luật Hình sự 2015. Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang), Vũ Trọng Lương (41 tuổi, cựu phó phòng) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015. |
Bảo Hà