Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, việc "giải cứu" Vietnam Airlines là cần thiết nhưng Chính phủ cũng cần nghĩ đến khó khăn chồng chất của các hãng hàng không tư nhân khác.

Chia sẻ với VTC News trước thông tin Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) khẳng định, việc "giải cứu" Vietnam Airlines thời điểm này là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội.

Vietnam Airlines là doanh nghiệp có đến 90% là vốn Nhà nước. Tài sản của VNA là tài sản của Nhà nước vì thế đặt vấn đề giải cứu VNA chính là thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội chứ không còn là vấn đề kinh tế độc lập”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

'Cứu' Vietnam Airlines là cần nhưng đừng quên các hãng hàng không khác - 1
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

Nói về vấn đề cấp vốn "khủng" cho Vietnam Airlines trong bối cảnh doanh nghiệp này vẫn tiếp tục đối diện tình trạng thua lỗ triền miên, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, cần có những đánh giá khách quan về khả năng hồi phục của ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng.

Theo ông Nhưỡng: "Vietnam Airlines là doanh nghiệp đặc thù, không giống những doanh nghiệp thua lỗ trước đây. Ngành hàng không cũng có những đặc thù và tôi tin sẽ phục hồi nhanh chóng ngay khi dịch COVID-19 được thế giới kiểm soát".

Ngoài ra, theo vị đại biểu này, nếu để Vietnam Airlines phá sản, sẽ kéo theo hệ lụy rất lớn: Hàng vạn lao động mất việc, các doanh nghiệp cung ứng cũng phá sản, ngân hàng lao đao, thậm chí ngân sách nhà nước cũng sẽ gặp khó. "Cần tính toán những vấn đề đó và đặt ra nhiệm vụ chính trị, xã hội trong việc giải cứu Vietnam Airlines. Chính phủ, Nhà nước phải thực hiện để cân đối, vừa đảm bảo quyền lợi ích của đất nước vừa đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19", ông Nhưỡng khẳng định.

Nhấn mạnh quan điểm riêng của mình, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Chúng ta vẫn phải nhìn vào thực trạng hiện nay của doanh nghiệp này. Quan điểm là không bênh vì thực tế hoạt động của Vietnam Airlines vẫn còn nhiều bất cập. Nhưng câu chuyện này sẽ bàn ở một dịp khác, còn hiện nay, việc cứu đơn vị này vẫn phải đặt lên hàng đầu", ông nói.

Tuy nhiên, theo Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, trong bối cảnh các hãng hàng không tư nhân Việt Nam cũng đang đối diện với những khó khăn chồng chất, Chính phủ cũng đừng nên "quên" họ. “Chính phủ cần nghĩ cách “giải cứu” các hãng hàng không tư nhân chứ không chỉ “cứu” mỗi Vietnam Airlines”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề xuất.

Ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích, COVID-19 đã khiến ngành hàng không lao đao. “Vietnam Airlines là doanh nghiệp hàng không mấy chục năm nay mà còn thua lỗ như thế thì không biết những hãng khác còn khó khăn đến mức nào?”, ông đặt vấn đề.

Với quan điểm của một ĐBQH, tôi nhấn mạnh, bên cạnh việc cấp tín dụng cho VNA thì Chính phủ cũng phải tính đến phương án để cứu các hãng hàng không khác. Ví dụ lãi suất đang 4% thì nên hạ xuống còn 2%, trừ tất cả các chi phí đi thì chỉ còn hòa vốn”, ông Nhưỡng nói thêm.

'Cứu' Vietnam Airlines là cần nhưng đừng quên các hãng hàng không khác - 2
Chính phủ sẽ rót vốn 12.000 tỷ đồng để giải cứu Vietnam Airlines.

Vị đại biểu cũng đặt ra vấn đề VNA cần có những cam kết về việc được hỗ trợ 12.000 tỷ đồng.

Thực tế Chính phủ cấp tín dụng chứ không phải cho không. Vì thế cần đặt ra những cam kết từ VNA và nếu cần thiết thì có thể đưa tài sản của VNA ra để thế chấp?”, ông Nhưỡng nói.

Một vấn đề nữa, theo ông Lưu Bình Nhưỡng là cần tính đến trần nợ công nếu VNA cứ tiếp tục thua lỗ. Cần có các đánh giá cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ trước tình trạng thua lỗ đó của Vietnam Airlines. Chính phủ cần có những giám sát, nghiên cứu sau khi cấp vốn cho Vietnam Airlines. Tránh nguy cơ thêm một dự án nợ xấu, Chính phủ phải đi trả nợ hay rơi vào bánh xe đổ như việc từng bảo lãnh cho Vinashine, Vinalines.

Ông Nhưỡng cũng lưu ý đến việc, nếu tiếp tục cấp tín dụng cho doanh nghiệp này, mức cấp chỉ nên tương đương với 70% số tài sản thế chấp của Vietnam Airlines.

Chính phủ đã có Nghị quyết số 24 ra ngày 29/7/2020 trong đó giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, tránh thất thoát trục lợi thông qua việc cấp vốn tín dụng này. Điều đó cho thấy Chính phủ và Quốc hội đều lo lắng, tính toán kỹ càng trước khi đi đến quyết định”.

Chiều 17/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV với đa số phiếu tán thành. Theo Nghị quyết, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo đó, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh các hãng hàng không tư nhân Việt Nam hiện nay cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất, ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cũng cần nghiên cứu để có giải pháp đối với họ.

Vấn đề giải cứu hàng không tư nhân, cần có sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại Nhà nước với phương án hạ thấp lãi suất so với mặt bằng hiện nay.

Quốc hội thống nhất giải cứu Vietnam Airlines Quốc hội thống nhất giải cứu Vietnam Airlines
Vietnam Airlines lỗ hơn 10.700 tỷ đồng Vietnam Airlines lỗ hơn 10.700 tỷ đồng
Đoàn thể thao dự Army Games trên Đoàn thể thao dự Army Games trên "siêu máy bay" của Vietnam Airlines

/ vtc.vn