Nguyên nhân gây ùn tắc tại Đà Lạt là do kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng bãi đậu xe sẽ không giải quyết được, nguy cơ không hiệu quả.
Cho doanh nghiệp xây dựng và khai thác lấy lại vốn
Ngày 8/8, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết đã đề xuất lên UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng bãi đậu xe công cộng tại trung tâm thành phố. Dự án nhằm góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc ở trung tâm thành phố theo hình thức kêu gọi xã hội hóa.
Theo đó, bãi đậu xe cao 7 tầng (3 tầng hầm và 4 tầng nổi) nằm ở số 1, đường Thủ Khoa Huân (phường 1, Đà Lạt), với tổng diện tích 4.000 m2. Để xây dựng, Đình Đà Lạt và Hội trường tổ dân phố được đề xuất dời về phía Đông của khu vực, chiếm 550 m2 trong dự án. Ngoài ra, 16 hộ dân sẽ bị giải tỏa.
Xác nhận thông tin trên với Đất Việt, ngày 9/8, ông Phan Văn Dung - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Bên phía Sở đã nhận được văn bản đề xuất của phía TP Đà Lạt về việc làm bãi đậu xe công cộng.
Hiện tại, không có ngân sách trung hay dài hạn để làm các công trình trên, nên họ đề xuất kêu gọi xã hội hóa, cho doanh nghiệp vào tự bỏ vốn xây dựng rồi cho họ kinh doanh khai thác để lấy lại vốn".
Theo ông Dung, hình thức trên tương tự như BOT giao thông đang áp dụng, cho doanh nghiệp khai thác trong một thời gian nào đó lấy lại đủ vốn, thì nhà nước sẽ quản lý công trình.
Đề xuất xây bãi đậu xe 7 tầng giữa trung tâm
"Chắc chắn nếu kêu gọi xã hội hóa thì sẽ phải chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm", ông Dung nhận định.
Trước các bài học có được từ một số thành phố lớn khác, theo ông Dung để tránh việc chủ đầu tư lợi dụng khai thác mục đích để kiếm lợi, thì thành phố phải đưa ra các tiêu chí bãi đậu xe cụ thể, chứ không thể làm nhà hàng, gara...ai chấp nhận thì được đầu tư.
"Cho đến hiện tại vẫn chưa rõ nguồn vốn đầu tư dự kiến là bao nhiêu", Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm.
Mục đích thay đổi công năng sử dụng công trình
Trong khi đó, bày tỏ quan điểm với Đất Việt, KTS Lê Tứ - Chủ tịch Hội KTS tỉnh Lâm Đồng cho rằng, các công trình công cộng, đặc biệt bãi đậu xe trong trung tâm thành phố là cần thiết, nhưng phải tính toán, cân đối để phù hợp quy hoạch.
Chắc chắn việc làm bãi đậu xe phải cân đối với giao thông chính, giao thông phụ một cách hài hòa.
Với đề xuất của TP Đà Lạt, theo ông Tứ, có nhiều điểm cần chú ý: Một là, lựa chọn vị trí xây dựng bãi đậu xe thuận lợi cho việc đỗ xe, dừng xe, phù hợp giao thông thành phố; Hai là, các khu vực ngập lụt cần kiến trúc sao để thuận lợi việc đi lại, quản lý, nếu là công trình chìm, còn công trình nổi thì hài hòa cảnh quan khu vực.
Nhất là khi làm với hình thức BOT sẽ phức tạp hơn, nên cần có các điều khoản cụ thể, phải làm sao cho minh bạch, rõ ràng, không gây thiệt hại cho chính người dân và nhà nước, tạo lỗ hổng cho doanh nghiệp tìm kiếm lợi ích.
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, KTS Trần Công Hòa - Hội KTS tỉnh Lâm Đồng cho hay, bên phía Hội KTS đã có văn bản góp ý gửi cho UBND tỉnh về việc này, vì nó nằm trong quy hoạch khu trung tâm của TP Đà Lạt đã được phê duyệt.
Về thiết kế cần xin ý kiến của các chuyên gia kiến trúc, quy hoạch, năm 2018, tỉnh sẽ triển khai xin ý kiến về thiết kế trên.
Tuy nhiên, bản thân ông Hòa chỉ rõ: "Nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại Đà Lạt là hạ tầng giao thông không đảm bảo cho việc sử dụng, nên khi xe khách vãng lai của các đoàn lên nhiều một lúc, dẫn tới ùn tắc.
Hơn nữa, các điểm vòng xoay, bùng bình quá đường kính quá nhỏ, trừ điểm đường Hồ Xuân Hương đảm bảo đường kính 15m, còn các khu vực khác đều làm sai thiết kế nên mới gây ùn tắc.
Nhất là điểm bùng binh ngay đường 3/4 tiếp nối đường Hải Thượng thường xuyên kẹt xe.
Cho nên, nếu có làm bãi đậu xe công cộng tại trung tâm thì cũng không chống ùn tắc giao thông được, nó chỉ là giải pháp tham gia gỡ rối cho hiện trạng bây giờ.
Cuối cùng, bài toán kinh tế rất nan giải, nếu áp dụng hình thức xã hội hóa, rất khó có xe vào, thời điểm này Đà Lạt bị ùn tắc nhưng lượng xe ra vào để cho doanh nghiệp nhanh chóng thu hồi vốn chắc chắn là không, phải cần thời gian rất lâu.
Bản thân người dân Đà Lạt sẽ không vào đây sử dụng, du khách ô tô đi theo đoàn thì có thể, nhưng hầu như họ đậu tại khách sạn, nhà nghỉ, mà dải đều khắp các tuyến đường trung tâm thành phố. Còn du khách đi xe máy hay phương tiện khác sẽ không sử dụng.
Mấy thành phố lớn như TPHCM có 10 triệu dân, Hà Nội cũng gần 2 triệu dân, còn Đà Lạt chỉ có khoảng 200.000 dân, còn khách vãng lai thì tăng giảm theo mùa.
Cho nên, doanh nghiệp nào muốn đầu tư thì phải có chuyên gia nghiên cứu, điều tra, không sẽ thất bại, lãng phí nguồn đất.
Đặc biệt, đây có lẽ là chiêu bài của chủ đầu tư, nhất định xin đầu tư xây dựng, khi đưa vào sử dụng kết quả không như mong muốn, mới bắt đầu xin tỉnh cho chuyển đổi mục đích sử dụng, thay đổi công năng ban đầu, sang làm nhà hàng, gara sửa chữa để đảm bảo thu hồi được vốn, khi đó họ toàn quyền quyết định.
Khi đã đến giai đoạn trên thì nhà nước sẽ không thể kiểm soát được mục đích của doanh nghiệp, họ có thể khai thác dưới các hình thức khác nhau, dẫn tới ách tắc giao thông hơn, nhưng sẽ không làm gì được.
Điều này được thể hiện rõ khi họ xin xây dựng lên tới 7 tầng trong khi nhu cầu chắc chắn sẽ không cần nhiều đến vậy, nhiều lắm chỉ là 2 tầng, nhưng trong tương lai họ xin chuyển đổi mục đích thì cần nhiều tầng hơn".
Đà Lạt đề xuất xây dựng bãi đậu xe 7 tầng giữa trung tâm Bãi xe có 3 tầng hầm và 4 tầng nổi, khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe ở TP Đà ... |
Những lần Đà Lạt bị bôi bẩn vì khách du lịch thiếu ý thức Chùa Linh Quy Pháp Ấn, bức tường vàng Cối xay gió, quảng trường Lâm Viên và một số địa điểm khác ở Đà Lạt từng ... |