Đà Nẵng sẽ kiến nghị Thủ tướng cho phép TP. Đà Nẵng được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại sân vận động Chi Lăng.
Trả toàn bộ tiền, lấy lại sân Chi Lăng
Ngày 9/8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có văn bản đề xuất thu hồi dự án khu phức hợp sân vận động Chi Lăng gửi Sở Tư pháp, Sở TN-MT và Sở Xây dựng.
Đà Nẵng muốn lấy lại sân vận động Chi Lăng. Ảnh NLĐ
Theo văn bản này, ngày 11/5/2018, UBND TP nhận được báo cáo số 1011/BC-CTHADS về việc thụ lý, tổ chức thi hành án dân sự vụ Phạm Công Danh và Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.
Số tiền phải thi hành án là hơn 3.600 tỉ đồng. Trong đó có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại các thửa đất thuộc khu phức hợp sân vận động Chi Lăng, quận Hải Châu.
UBND Đà Nẵng cho biết trong quá trình rà soát, UBND TP đã có báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy cho chủ trương để Ban Cán sự Đảng chỉ đạo UBND TP hoàn thiện hồ sơ, báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan trung ương xử lý vụ việc này theo hướng cho phép TP được giữ lại toàn bộ diện tích đất tại sân vận động Chi Lăng.
“Đổi lại, TP sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà các đơn vị thực nộp vào ngân sách khi giao đất, có tính lãi suất theo lãi suất ngân hàng nhà nước tại thời điểm thanh toán thực tế” - Chủ tịch UBND thành phố - Huỳnh Đức Thơ cho biết.
Trước đó, phát biểu tại kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 diễn ra sáng 12/7, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết, Sân vận động Chi Lăng đang trong quá trình thi hành án đối với 14 lô đất.
UBND TP đã báo cáo Thành ủy, HĐND TP về vấn đề này và sẽ kiến nghị với Thủ tướng, tòa án và các cơ quan liên quan để xin thương lượng lấy lại sân vận động phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa xã hội, phát triển địa phương.
Ông Thơ khẳng định TP không ủng hộ và không thể chia ra 14 lô đất để trở thành 14 dự án gây chia cắt tổng thể sân vận động.
Không dễ
Cũng quan tâm tới vấn đề này, trao đổi với Đất Việt, trao đổi với Đất Việt, Luật sư Hoàng Minh Ngọc - Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, Đà Nẵng muốn lấy lại Sân vận động Chi Lăng là quá khó.
Ông Ngọc nói: "Về nguyên tắc quy định của pháp luật, các vật chứng liên quan đến các vụ án, liên quan đến quá trình thi hành án, mà bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không bất cứ cơ quan, đơn vị, cá nhân nào có thẩm quyền can thiệp được. Kể cả lãnh đạo cấp cao trực thuộc Chính phủ cũng không thể can thiệp.
Chính vì thế, chuyện ưu tiên cho địa phương, cơ quan địa phương mua hay không, có căn cứ ưu tiên hay không trong quá trình đấu giá thi hành án thì phải do cơ quan thi hành án có thẩm quyền xử lý.
Tất cả mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có quyền tham gia vào việc bán đấu giá vật chứng đó. Đà Nẵng muốn mua lại cũng phải thực hiện theo quy trình này".
Về khoản tiền mua lại SVĐ Chi Lăng nếu Đà Nẵng muốn sở hữu lại, theo vị Luật sư trên chắc chắn phải lấy ngân sách.
"Nếu có trường hợp mua bán sai giữa Đà Nẵng và Tập đoàn Thiên Thanh thì cũng phải do cơ quan tòa án quyết định chứ nhà nước không được tự ý thu hồi. Tất cả mọi thứ liên quan đến vụ án đều phải do cơ quan có thẩm quyền cụ thể Tòa án quyết định chứ không phải cơ quan nhà nước nào cũng thu hồi được, phải qua bản án Tòa tuyên.
Cho nên, việc thương lượng lấy lại SVĐ Chi Lăng của Đà Nẵng là khá khó khăn vì bản thân họ không có thẩm quyền lấy lại, xin lại", ông Ngọc nói.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thu Ba - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội thì cho rằng: "Nếu muốn lấy lại thì khoản tiền trên phải do Đà Nẵng tự tính toán cân đối nguồn vốn địa phương, vì hiện đây là tài sản đang trong quá trình thi hành án, còn nếu Đà Nẵng thương lượng được thì đó lại là việc khác, có lẽ là không thể".
Ảnh: Sân vận động Chi Lăng tan hoang sau 8 năm lọt vào tay doanh nghiệp 8 năm sau ngày được chuyển nhượng thành công, sân vận động Chi Lăng - \'chảo lửa\' của Đà Nẵng một thời giờ chỉ còn ... |
Lấy lại SVĐ Chi Lăng: Đà Nẵng xác định không đơn giản Việc lấy lại sân Chi Lăng không hề đơn giản vì liên quan đến quá trình tố tụng và thi hành án. |