Trên con đường khám phá vùng Giang Nam, không thể bỏ qua Tô Châu - thành phố bên bờ sông Dương Tử, thuộc tỉnh Giang Tô. Tô Châu được ví là một trong hai thiên đàng trên mặt đất cả về văn hóa lẫn cảnh quan. Đến đây ta không thể dừng chân trước những viên lâm có một không hai trên thế giới...
Trung Hoa - những chuyện đường xa: Tuyệt chiêu móc túi du khách |
Hàng Châu, một ngày và ngàn năm |
Sư Tử Lâm - kỳ công xếp đá làm vườn
Nói đến Tô Châu, người ta nghĩ ngay tới những khu vườn mỹ lệ và Sư Tử Lâm có lẽ là đệ nhất vườn ở Tô Châu (được UNESCO công nhận là di sản thế giới). Sư Tử Lâm được xây dựng vào cuối thời Nguyên do nhà sư Thiên Như dựng lên để tưởng nhớ về người thầy của ông là Trung Phong. Sở dĩ vườn có tên là Sư Tử Lâm vì ở chỗ nào ta cũng gặp những tảng đá, những hòn núi giống như những con sư tử ngóc đầu lên. Trong vườn, người ta xây dựng, ghép đá tạo nên nhiều hang động rất kỳ ảo. Vua Càn Long từng chọn Sư Tử Lâm làm nơi nghỉ mỗi khi ông vi hành xuống vùng Giang Nam, và đã tự tay viết đề 3 chữ Sư Tử Lâm để tặng cho chủ khu vườn.
Một góc Sư Tử Lâm với đá, cây, hoa sắp xếp hài hòa, tạo nên phong cảnh tươi đẹp, mỹ mãn. Ảnh: N.A
Chia tay Tô Châu là chia tay những cây long não.Vì người dân ở đây có tục lệ, nhà nào sinh con gái là trồng trước cửa một cây long mão và chôn xuống đó một vò rượu Nữ Nhi Hồng để đánh dấu sự kiện ấy. Khi nào con gái lấy chồng, thì chặt cây xuống và đào rượu lên. Chính vì vậy, ai xa Tô Châu đều đem lòng nhớ nhung tới những cây long não, là nhớ tới vẻ đẹp chim sa cá lặn của những người con gái Tô Châu. |
Sư Tử Lâm là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử Trung Hoa, đặc biệt là sự kiện Nhật ký thỏa ước đầu hàng đồng minh tại Trung Quốc. Đây cũng là nơi được lấy làm bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng, trong đó có Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký...
Quy hoạch vườn Sư Tử rất chặt chẽ, tinh tế, là đỉnh cao của kiến trúc viên lâm Trung Hoa. Phía Đông Nam là núi non, phía Tây Bắc là sông suối ao hồ, các tòa lâu đài đặt ở hai cánh Đông và Bắc. Các quần thể kiến trúc này được nối với nhau bằng một hành lang dài, trên vách hành lang có nhiều bút tích của các thi gia đời Tống như Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phất, Thái Nhượng...
Chưa ai thống kê chính xác khu vườn Sư Tử Lâm này đã dùng đến bao nhiêu tấn đá, nhưng để có 1kg đá, người chủ phải bỏ ra từng đó kg gạo. Vì ở xứ Tô Châu không có các loại đá như vậy. Hơn 600 năm trước, người ta phải chuyển đá từ Thiểm Tây về để xây cất khu vườn này. Chọn được đá đã khó, nhưng vận chuyển đá với quãng đường cả nghìn km về đến Tô Châu quả là gian khó. Vậy mà người xây vườn vẫn kỳ công lập được lên một kiệt tác bằng đá đẹp như thế.
Tằm nằm điều hòa và tơ đệ nhất
Tô Châu cách đây 5.000 năm chỉ là những ruộng dâu bạt ngàn, chính nơi này là điểm đầu con đường tơ lụa từ Trung Hoa sang tận La Mã cổ đại. Hiện nay, Tô Châu còn 179 cơ sở sản xuất lụa, nhưng quy mô lớn với những sản phẩm tốt nhất phải là Nhà máy lụa tơ tằm số 1 Tô Châu.
Ngay cổng vào nhà máy là vườn dâu xanh mướt, dâu ở đây được trồng trong những nhà kính, kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ, phân bón và nước tưới, vì thế đã cho ra những thảm lá mượt như nhung.
Chính thứ lá này, được những người công nhân ở đây chọn thời điểm phù hợp nhất sẽ hái để phục vụ những lứa tằm đang được chăn nuôi ở trong nhà máy. Nói về sự chăm sóc tằm ở đây, có một điều khá đặc biệt, là toàn bộ đàn tằm hàng triệu con được ở trong hệ thống điều hòa không khí mát mẻ. Theo anh Lý - một quản đốc ở đây cho biết: “Từ lá dâu đến tằm đều được sống và chăm sóc một cách tốt và ổn định nhất, có như vậy chất lượng kén cho tơ mới đạt tiêu chuẩn để làm những sản phẩm thượng hạng”.
Những con tằm ở đây cũng khá kỳ lạ. Ngoài việc to hơn con tằm ở Việt Nam, rất nhiều con cứ ôm vào nhau mà nhả kén, sinh ra những thứ kén đôi, to như ngón chân cái khi vào mùa đông. Trước kia loại kén này bị người nuôi tằm bỏ, vì họ không tìm được đầu để rút sợi tơ ra. Nhưng cách đây gần trăm năm, người ta đã nghĩ ra cách căng kén tơ này ra để làm chăn tơ tằm. Có nghĩa, một cái kén được luộc lên, rồi 6 người công nhân cầm kéo ra các hướng. Cứ thế đặt từng lớp từng lớp tơ lên, tạo ra một chiếc chăn không cần khâu vá, đắp vừa nhẹ vừa ấm. Một chiếc chăn được dệt bằng những sợi tơ nặng khoảng 2kg có giá 2,5 triệu đồng, được rất nhiều du khách lựa chọn mua.
Cũng từ những sợi tơ tằm ấy, ngay tại đây họ dệt nên những tấm lụa, từ đó làm ra những bộ quần áo vô cùng đẹp và cũng đắt khủng khiếp. Trong showroom của nhà máy, tôi thấy có những bộ quần áo lên tới một vạn tệ (khoảng 35 triệu đồng). Chị Tống - một nhân viên bán hàng cho biết: “Sở dĩ quần áo có giá cao như vậy, vì ở đây 100% sản phẩm được làm bằng tơ lụa tự nhiên, với những mẫu thiết kế hiện đại và không bao giờ quý khách lo sợ mua phải hàng giả”.
Nhà máy tơ lụa số 1 không đơn thuần chỉ là nơi sản xuất và bán những sản phẩm về tơ lụa, mà còn là một tuor du lịch khép kín từ thăm quan, mua sắm đến ăn uống. Sau khi thăm quan và mua sắm ở đây, có 2 mâm tiệc đã được bày sẵn để chúng tôi thưởng thức ẩm thực Trung Hoa.
http://danviet.vn/du-lich/da-va-to-lua-o-dat-to-chau-810640.html