Về thu hút FDI tại đặc khu kinh tế đang "nóng" tại diễn đàn Quốc hội, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chúng ta cần một cái nhìn khác đi về đóng góp của FDI, không thể lạc quan tếu như hiện nay. Thay vì chờ đợi một vài lời hứa từ doanh nghiệp nước ngoài thì nên tập trung nguồn lực cho doanh nghiệp trong nước.

Quốc hội đang thảo luận về Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và dự kiến sẽ thông qua vào ngày 15.6 tới. Một nội dung được quan tâm thảo luận khi thành lập các đặc khu kinh tế là thu hút FDI.

Chúng ta từng đề ra những mục tiêu rất rõ ràng để thu hút FDI, như giấc mơ về một nền công nghiệp do FDI mang lại, chuyển giao công nghệ, lan toả hệ thống. Nhưng rồi, sau 30 năm thu hút FDI chúng ta được gì? Có nên mơ tiếp giấc mơ ấy? Để trả lời một phần câu hỏi, "Góc nhìn chuyên gia" của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia Tài chính, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia.

dac khu kinh te thu hut fdi dung de tinh trang khong the bo vi tiec vi dau
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia.

Việt Nam được coi là nước có độ mở lớn về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vậy sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nhìn lại Việt Nam được gì?

Những nước làm công nghiệp hoá thành công ở Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc thì đều thu hút FDI rất ít, rất chọn lọc.

Lý do thu hút FDI ít vì họ muốn phát triển ngành công nghiệp non trẻ trong nước và hướng ngành công nghiệp non trẻ ấy ra thị trường quốc tế nên không muốn có sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà.

Nhìn lại Việt Nam chúng ta thấy Việt Nam tăng trưởng được nhờ cải cách, mở cửa, trong đó có thu hút vốn từ ngoài vào nhưng tiến trình Công nghiệp hoá từ năm 1993 khi có khẩu hiệu “Công nghiệp hoá - hiện đại hoá” đến nay, tiến bộ không đáng kể, đặc biệt công nghiệp chế tạo.

Đã hơn 25 năm chúng ta vẫn chưa có được các ngành công nghiệp cốt lõi như luyện kim, chế tạo thiết bị năng lượng, máy thủy và đóng tàu, đầu máy toa xe, công nghiệp ôtô, thiết bị hạ tầng viễn thông, thiết bị điện tử (con chip), thiết bị xây dựng và máy móc nông nghiệp, công nghiệp hóa chất… mà người Việt Nam làm chủ công nghệ.

Theo con số thống kê năm 1995 cho thấy tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào khoảng 23%, sau khi trừ khai khoáng khoảng 8%, công nghiệp chế biến chế tạo còn khoảng 15%. Đến năm 2015, tỷ trọng công nghiệp trong GDP trừ khai khoáng và xây dựng và điện nước thì công nghiệp chế biến chế tạo vẫn chỉ khoảng 15% GDP. Chưa kể hàm lượng nước ngoài tăng rất nhanh nhất là công nghiệp chế tạo.

Nếu nhìn từ phía thu hút lao động, từ năm 1995 -2015 chúng ta thu hút được từ 19-20 triệu lao động, trong đó chỉ có 5-6 triệu lao động đi vào công nghiệp. Chính vì vậy nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng Việt Nam là thoái nông nghiệp chuyển sang dịch vụ chứ không phải chuyển sang công nghiệp. Hay đúng hơn là dịch vụ hoá chứ không phải công nghiệp hoá và có thể chúng ta gặp may vì đó là thế mạnh tự nhiên của Việt Nam.

Vậy trong thời gian tới chúng ta nên định hướng thế nào cho thu hút đầu tư nước ngoài để có hiệu quả, thưa ông?

Vẫn phải dựa vào những gì chúng ta đang có và làm. Chúng ta đành coi thành tích của FDI như là thành tích chung, doanh thu FDI như doanh thu chung, người lao động có được công ăn việc làm. Còn công nghệ là của riêng FDI, không có chuyện chuyển giao cho Việt Nam. Nếu nhìn được như vậy sẽ thấy phần khởi về những con số tăng trưởng, xuất khẩu và không quan tâm tỷ trọng nội địa trong đó, không coi trọng tỷ trọng công nghiệp chế tạo trong ngành công nghiệp.

Như vậy cũng cần xác định nền kinh tế Việt Nam đi theo hướng khác, đó là dịch vụ, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. Còn công nghiệp nặng thì nằm trong tay nước ngoài.

dac khu kinh te thu hut fdi dung de tinh trang khong the bo vi tiec vi dau
Sau 30 năm thu hút FDI chúng ta được gì? (Ảnh: IT)

Tôi quen biết vị chủ tịch của doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam liên doanh với nước ngoài về sản xuất phụ tùng xe máy. Đối tác ngoại hứa sau 20 năm sẽ chuyển giao công nghệ, nhưng đến nay đã 21 năm họ vẫn không chuyển giao. Ngoài ra họ còn thành lập thêm 15 công ty con chia sẻ hết lợi nhuận. Biến ông chủ Việt Nam từ lúc vốn liên doanh ban đầu là 30%, mỗi năm được chia 16 triệu USD tiền lãi, đến nay mỗi năm chẳng còn mấy đồng.

Đến thời điểm này, ông chủ Việt Nam này đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, bỏ thì thương, vương thì tội, công nghệ cũng không lấy được, tiền thu về không bõ những gì bỏ ra nhưng lại không thể bỏ liên doanh ấy vì “tiếc”, vì “đau”.

Nói vậy để thấy thu hút FDI chúng ta không được nhiều như những con số chúng ta vẫn thấy như tăng trưởng GDP hay tăng xuất khẩu.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể thu hút FDI công nghệ cao?

Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta có thể công nghiệp hoá theo hướng khác và thu hút FDI theo hướng công nghệ 4.0, như đi vào trí tuệ nhân tạo, sản xuất Robot, kết nối vạn vật, thành phố thông minh…Nhưng để làm được công nghệ 4.0 cũng là một bài toán lớn, nan giải. Bởi, muốn có công nghệ 4.0 phải có nền tảng thực sự.

Muốn làm robot thì ít ra cũng phải sản xuất được những chi tiết làm ra con Robot ấy, nghĩa là một nền công nghiệp chế tạo đủ mạnh. Ngoài ra, chúng ta phải có cơ sở dữ liệu khổng lồ. Lấy ví dụ một con robot khám bệnh tim chuẩn hơn trăm bác sĩ cộng lại, bởi con robot đó chứa dữ liệu của hàng triệu bệnh nhân, trong hàng chục năm trước đó. Như vậy cần nền tảng dữ liệu thật tốt.

Quan trọng hơn, chúng ta phải có đội ngũ kỹ sư, đặc biệt kỹ sư phần mềm phải rất giỏi. Đài Loan phải cử hàng chục ngàn kỹ sư sang Mỹ đào tạo kể cả đào tạo công nghệ cơ bản và đào tạo tại chỗ, thì họ mới có được những công ty sản xuất chip điện tử đứng đầu thế giới. Cuối cùng là chúng ta phải có môi trường xã hội về ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhìn từ những yêu cầu trên, chúng ta có thể hướng công nghiệp hoá, thu hút FDI trong thời gian tới bằng cách đẩy nhanh quá trình phát triển bằng kết nối vạn vật, đào tạo kỹ sư. Như vậy, sẽ tận dụng được thành tựu công nghệ của FDI và phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hoá mới với công nghệ 4.0.

Nhưng làm thế nào để các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ theo đúng cam kết, thưa ông?

Thu hút FDI có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung nhưng không thực hiện nổi mục tiêu hàng đầu của công nghiệp hoá là chuyển giao công nghệ cho khu vực nội địa. Vì vậy, trong tương lai định hướng thu hút vốn FDI cần được thay đổi theo hướng thay vì chuyển giao công nghệ chúng ta mua sắm công nghệ, sáng tạo công nghệ như tập đoàn Vingroup đang làm tại dự án Vinfast. Tuy nhiên, đây là thách thúc rất lớn đối với Chính phủ, doanh nghiệp và đội ngũ kỹ sư, trí thức Việt Nam.

Điều cuối cùng nhưng có ý nghĩa quyết định cho thành công của công nghiệp hóa theo hướng truyền thống hay theo hướng công nghệ mới là các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này phải có chính phủ “chống lưng” hỗ trợ và tài trợ. Đồng thời Chính phủ cũng đặt ra kỷ luật xuất khẩu với doanh nghiệp loại này.

Bất kể một nước công nghiệp hóa thành công nào cũng cần Chính phủ bảo hộ, kể cả Mỹ, Anh, Đức, Pháp trước đây và Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc gần đây. Nhưng khi đã đứng ở đỉnh cao của công nghiệp, các nước này đều "đá cái thang bảo hộ đi" và hô hào thị trường tự do. Bốn nước Đông Nam Á (trừ Singapo) thất bại nặng nề trong công nghiệp hóa chính là mở cửa thị trường và tư nhân hóa hệ thống ngân hàng quá sớm khi mà công nghiệp non trẻ chưa đủ nguồn lực tài chính và sức vóc cạnh tranh.

Xin cám ơn ông!

dac khu kinh te thu hut fdi dung de tinh trang khong the bo vi tiec vi dau

\'Dự thảo Luật đặc khu sẽ bỏ quy định cho thuê đất 99 năm\'

Uỷ ban Pháp luật và các đơn vị hữu quan vừa tổ chức cuộc họp để chỉnh lý dự thảo Luật Đơn vị hành chính ...

dac khu kinh te thu hut fdi dung de tinh trang khong the bo vi tiec vi dau

Không quốc gia nào có thể độc quyền ‘thâu tóm’ đặc khu

Theo thông tin từ đại biểu Quốc hội, chiều 7.6, một cuộc họp tiếp thu ý kiến về luật Đơn vị hành chính - kinh ...

http://danviet.vn/kinh-te/dac-khu-kinh-te-thu-hut-fdi-dung-de-tinh-trang-khong-the-bo-vi-tiec-vi-dau-883138.html

/ Dân Việt