Trong phiên làm việc tại Quốc hội, nghị sĩ Mỹ được quyền tự do phát ngôn, thể hiện tiếng nói và ý nguyện của người dân.
Nghị viện/Quốc hội là nơi quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Tại đây, mọi thành viên của Nghị viện/Quốc hội sẽ phát biểu, tranh luận, thể hiện tiếng nói và ý nguyện của người dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Khoản 6 điều 1 Hiến pháp 1976 của Mỹ quy định: Trong mọi trường hợp, trừ khi có tội phản quốc, trọng tội và tội vi phạm nền an ninh, họ được hưởng đặc quyền không bị bắt giam trong thời gian tham dự khóa họp của Viện, trong khi tới cuộc họp và trở về nhà từ cuộc họp. Các nghị sĩ sẽ không bị truy vấn bên ngoài phạm vi Nghị viện về những lời phát ngôn và tranh luận của mình trong cả hai viện.
Theo FAS, quy định này được gọi là điều khoản phát ngôn và tranh luận, có mục đích chủ yếu để bảo vệ sự độc lập và toàn vẹn của nhánh lập pháp, ngăn ngừa sự can thiệp của hành pháp hoặc tư pháp, phòng ngừa hoạt động nghị viện bị gián đoạn vì các vụ kiện tụng hình sự hoặc dân sự. Theo đó, không ai được dùng các phát ngôn và hành động mà nghị sĩ thực hiện tại tòa nhà Quốc hội để gây bất lợi cho họ.
Có thể hiểu, thành viên nghị viện có thể nói bất cứ gì về công việc của Quốc hội trong phạm vi Quốc hội mà không sợ bị kiện, được miễn trừ với phát ngôn có tính chất bôi nhọ và vu khống trong quá trình tranh luận tại hai viện.
Ngoài ra, chính quyền Mỹ còn ban hành Đạo luật Westfall 1988 với phạm vi rộng hơn, cho phép nhân viên chính phủ liên bang được miễn trừ khỏi các vụ kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nảy sinh trong quá trình thực hiện công vụ.
Findlaw đưa tin tháng 11/2005, khi trả lời phỏng vấn báo chí về sự kiện ở Iraq, John Murth, hạ nghị sĩ bang Pennsylvania có lời cáo buộc với tiểu đội lính thủy đánh bộ do binh sĩ Frank Wuterich chỉ huy. Ngày 2/8/2006, Frank Wuterich khởi kiện nghị sĩ John Murtha, cho rằng phát ngôn trên có tính chất phỉ báng và đòi bồi thường lên tới 75.000 USD. Tháng 4/2009, tòa phúc thẩm quận Columbia tuyên bác bỏ yêu cầu khởi kiện vì John Murtha đã phát ngôn với tư cách một nghị sĩ, do đó được hưởng quyền miễn trừ.
Tuy vậy, quy định miễn trừ không áp dụng cho những hành động trái pháp luật mà không là một phần tất yếu của hoạt động lập pháp, bao gồm những phát ngôn và hành động phát sinh bên ngoài Quốc hội, tiết lộ thông tin ra ngoài cơ quan lập pháp, ra thông cáo báo chí, xuất bản sách cá nhân, nhận hối lộ... Với những hành vi được miễn trừ trách nhiệm, Nghị viện có thể bỏ phiếu để trừng phạt nghị sĩ có cư xử không đúng đắn nếu số phiếu đồng ý đạt 2/3.
Nghị sĩ được miễn trừ trách nhiệm nhưng vẫn chịu trách nhiệm trước toàn bộ Nghị viện. |
Ở Anh, điều 9 đạo luật Nhân quyền 1689 cũng có quy định tương tự: "Tự do phát ngôn, tranh luận, hoặc hành động (của nghị sĩ) diễn ra ở Nghị viện sẽ không bị luận tội hoặc chất vấn, tại tòa hoặc tại bất cứ nơi nào khác ngoài Nghị viện".
Thành viên Nghị viện được quyền nói bất cứ điều gì trong khuôn khổ phiên làm việc của Nghị viện mà không bị hạn chế bởi rủi ro kiện tụng tương lai. Để quy định này tránh bị lạm dụng, Nghị viện có trách nhiệm tự điều chỉnh quyền tự do ngôn luận của các thành viên.
Canada cũng là nước theo hệ thống nghị viện Westminster của Anh và có quy định miễn trừ trách nhiệm tương tự. Trước thềm cuộc bầu cử 2006, khi phát biểu tại tòa nhà Nghị viện, lãnh đạo Đảng Bảo thủ Stephen Harper từng có lời nói cáo buộc chính phủ (khi ấy do Đảng Tự do nắm giữ). Dù sau đó Đảng Tự do đe dọa sẽ đem vụ việc ra trước tòa nếu Stephen Harper còn tiếp tục buông lời cáo buộc song đặc quyền miễn trừ nghị viện đã bảo vệ ông.
Ở Đức, điều 46 Hiến pháp quy định: "Trong mọi trường hợp, không thành viên nào sẽ bị kiện, bị kỉ luật, hoặc bị triệu tập để chịu trách nhiệm bởi các cơ quan ngoài Nghị viện vì lá phiếu, phát ngôn, hoặc tranh luận diễn ra tại Nghị viện". Khác với các quốc gia trên, Hiến pháp đặt ra ngoại lệ khi nghị sĩ cố tình có những phát ngôn mà mình biết rõ là không đúng sự thật. Nghị viện Đức có thể bỏ phiếu để tước bỏ đặc quyền miễn trừ của một thành viên cụ thể, cho phép cơ quan công tố bắt giữ và điều tra nếu có liên quan tới hoạt động tội phạm.
Hiến pháp Trung Quốc tại chương III, tiết 1, điều 75 và Luật Tổ chức Quốc hội Trung Quốc tại điều 43 đều quy định: Phát ngôn và cách bỏ phiếu của Đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc sẽ không bị pháp luật điều tra.
Tại Việt Nam, Luật Tổ chức Quốc hội tại điều 37 đã quy định về "Quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội" như sau: Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trường hợp đại biểu Quốc hội bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý.
Nghị sĩ 29 tuổi và kỳ bầu cử lịch sử của phụ nữ Mỹ Mùa bầu cử giữa kỳ Mỹ 2018 chứng kiến phụ nữ phá vỡ các mô hình cũ, thách thức thế giới chính trị vốn thường ... |
Nghị sĩ gốc Việt tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp Mới đây, ngày 26/10/2018, tại hội trường lớn Ferienpark Bodetal, TP Thale, Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đã tổ chức Đại ... |