Các đại biểu có ý kiến trái chiều về tác hại rượu, bia và việc nên "phòng, chống" hay "kiểm soát" loại đồ uống này.

Chiều 12/11, cho ý kiến vào dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo không nên cứng nhắc trong cách tiếp cận, từ tên gọi của Luật cho đến các quy định, chế tài vì "trên thực tế một số nước đã thất bại khi cố cấm người dân sử dụng rượu bia".

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, nếu gọi là "Luật phòng, chống tác hại của rượu bia" thì chưa toàn diện, vì "chỉ nói đến tác hại mà quay lưng với văn hoá thức uống của cả nhân loại".

Ông nêu, một số nước dùng khái niệm mà Việt Nam nên tham khảo là kiểm soát rượu, bia. Theo đó, nhà nước kiểm soát khâu sản xuất, lưu thông; người uống tự kiểm soát uống thế nào là đủ, uống ở đâu đúng chỗ.

"Có lúc con người cần say, đấy là một nhu cầu xã hội. Nếu tôi say ở góc nhà tôi và không ảnh hưởng tới ai thì đó là điều bình thường", ông nói.

Theo đại biểu này, dự luật do Chính phủ trình nhưng "có hơi hướng của ngành y tế", trong khi muốn kiểm soát rượu bia cần phải rất khoa học và tiếp cận đa ngành.

dai bieu quoc hoi nen xay dung van hoa ruou bia thay vi cam uong

Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại tổ chiều 12/11. Ảnh: Võ Hải

Nhà sử học cho rằng, nên nhìn vấn đề rượu, bia một cách toàn diện, không phải cứ phản biện dự Luật là đứng về phía các nhà sản xuất. Trong thực tế, sản xuất rượu bia đang mang lại một nguồn lực khá cho nhiều địa phương.

"Chúng ta cần có đạo luật này, nhưng phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, để mọi người có thể điều chỉnh dần, chứ không thể bằng ý chí và nên xây dựng văn hoá uống rượu bia; thiên hạ cũng uống cả nhưng với họ đó không phải vấn đề lớn", đại biểu Quốc nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm không nên quy định cứng nhắc trong dự Luật, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo xây dựng bước đi hợp lý để hướng tới "uống rượu có văn hoá".

Bên cạnh đó, ông Hiển lưu ý dự Luật cần tính đến yếu tố quan hệ kinh tế, nhất là những hiệp định kinh tế mới ký. Ví dụ mỗi lần cơ quan chức năng định nâng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu vang là một số nước có ý kiến.

Cũng cho rằng uống rượu bia đã thành tập quán, văn hoá, "ra luật cực đoan quá sẽ không thành công", đại biểu Vũ Trọng Kim kể câu chuyện để minh hoạ cho ý kiến của mình: "Nhiều năm trước Ban tuyên giáo Trung ương Đoàn tổ chức hội nghị tại Cần Thơ về cấm sản xuất và dùng rượu bia. Bữa liên hoan cuối cùng không dùng tý rượu bia nào và không khí rất buồn. Ngay hôm đó, mấy ông Tỉnh đoàn, Thành đoàn xách can lên tầng thượng ngồi nhậu với vài trái cóc xanh, uống hết mấy lít chả ai say và không khí khác hẳn".

dai bieu quoc hoi nen xay dung van hoa ruou bia thay vi cam uong

Đại biểu Phạm Trọng Nhân. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

Ở góc độ tiếp cận khác, ông Phạm Trọng Nhân - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương nêu thực tế, hiện trên mạng có rất nhiều bài viết nêu ý kiến chống lại dự Luật này, vì nội dung dự thảo "đụng tới lợi ích của các ngành sản xuất, kinh doanh". Do vậy ông đề nghị đại biểu cân nhắc khi tiếp cận thông tin

"Tổn thất cho sức khoẻ cộng đồng, người dân là không thể lấy lại được. Nhiều bài viết được tung lên mạng để lôi kéo các ý kiến ủng hộ việc thay đổi dự Luật, do vậy tôi đề nghị cơ quan thẩm tra cần nói rõ quan điểm, tránh trường hợp chỉ ghi "có ý kiến cho rằng" rồi thôi, gây khó cho đại biểu trong quá trình nghiên cứu", ông Nhân nói.

Theo ông, có ý kiến nhận định "uống ít rượu bia tạo hưng phấn, kích thích", nhưng "bao nhiêu là ít?".

"Chuyên viên của tôi uống một giọt cũng đỏ mặt, còn tôi uống cả ngày không sao. Người có thể trạng, cơ địa tốt uống 10 ly rượu thì trong 15 phút giải hết chỉ với hai cốc nước. Nhưng có người chỉ uống hai ly nhỏ mà cả ngày vẫn ngửi thấy mùi rượu", ông Nhân phân tích.

Đại biểu này cũng cho biết, một số nước yêu cầu xe hơi phải có thiết bị nhận biết nồng độ cồn, nếu tài xế say xỉn ngồi vào thì xe không khởi động. "Việt Nam chưa làm được điều này, nhưng vừa qua số vụ tai nạn giao thông vì rượu bia rất nghiêm trọng, rất đau lòng. Chúng ta cần xây dựng Luật làm sao vừa phòng, vừa chống", ông nói.

Trước việc dự thảo Luật cấm kinh doanh rượu bia trên internet, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, quy định này đi ngược xu thế 4.0. "Giờ mở mạng ra là mua được mọi thứ. Vậy cấm bán rượu bia có phù hợp không?", ông Mai nói.

Bà Trương Thị Bích Hạnh - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương nêu vấn đề: "Vì sao ngành sản xuất rượu bia là hợp pháp, nhưng khi kinh doanh lại không cho bán trên mạng - nơi phát triển thị trường rất tốt. Hơn nữa cấm trên internet không ổn vì bước chân ra đường người ta có thể mua được rượu bia ở bất cứ đâu".

Đây là lần đầu tiên dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia được trình Quốc hội. Tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Luật trong ngày 20/11.

Võ Hải - Hoàng Thuỳ - Anh Minh

dai bieu quoc hoi nen xay dung van hoa ruou bia thay vi cam uong Ám ảnh bia rượu: Chuyện kể từ nhà xác và bệnh viện tâm thần

Từ những tầng cao của Bệnh viện Chợ rẫy, Sài Gòn hiện ra trong đêm sáng trưng, phản chiếu vào dòng nước mắt cứ lăn ...

dai bieu quoc hoi nen xay dung van hoa ruou bia thay vi cam uong Gần 50% nam giới Việt dùng bia rượu ở mức nguy hại

Mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động với bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) ...

/ https://vnexpress.net