Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tích cực hợp tác tương trợ tư pháp với các nước, tránh để tội phạm ra nước ngoài, gây bất công lớn.
Chiều 4/9, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể thẩm tra nội dung phòng, chống tội phạm; giải quyết khiếu nại tố cáo; thi hành án. Nội dung phòng chống tội phạm ra nước ngoài tị nạn và trong lực lượng vũ trang được đại biểu quan tâm.
Nhắc đến một số vụ án nổi cộm gần đây liên quan đến sĩ quan trong công an, quân đội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói đây là vấn đề rất lớn, bởi tham nhũng ngay trong cơ quan có chức năng chống tham nhũng, tội phạm xảy ra ngay trong một số bộ phận cơ quan phòng chống tội phạm. Bà đề nghị làm rõ mặt được và chưa được từ những vụ án vừa qua.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn phát biểu khi tội phạm xảy ra rồi thì cơ quan chức năng mới tích cực xử lý, nhưng đáng ngại nhất là sự chậm trễ, hiệu lực kém. “Công tác phòng ngừa tội phạm, giảm thiểu tội phạm còn đang đi sau, chủ yếu là chữa cháy”, ông Nghĩa nói.
Ông đề nghị Chính phủ tích cực hợp tác tương trợ tư pháp với các nước châu Âu, Mỹ, bởi “khi chúng ta đốt lò thì có người nóng quá nhảy sang những nơi đó. Thậm chí họ còn chuẩn bị tiền bạc, tài sản, con cái, hồ sơ pháp lý tị nạn... từ 5-10 năm trước”. Nếu không có các hiệp định tương trợ tư pháp, tội phạm sẽ thoát ra nước ngoài, gây bất công lớn.
Đồng thời, theo ông Nghĩa, Việt Nam phải tăng cường làm việc với các chế định quốc tế để truy ra được nguồn gốc tài sản, tài khoản ngân hàng và kết luận được tội phạm về tham nhũng.
Ông Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: QH.
Cơ chế nào kiểm soát lực lượng vũ trang làm kinh tế?
Dẫn hai vụ án nổi cộm gần đây liên quan đến Vũ “Nhôm” và Út “Trọc”, ông Trương Trọng Nghĩa nói, đã có dư luận đồn đại hàng chục năm nay. "Có nhà đầu tư nước ngoài nói với tôi đến Đà Nẵng không đụng được vào đâu vì chỗ nào cũng có ông này, ông nọ rồi. Nhưng chúng ta không làm gì được”, ông Nghĩa phát biểu.
Băn khoăn khi lực lượng vũ trang làm kinh tế, ông Nghĩa nêu hàng loạt câu hỏi: những người này được đào tạo thế nào, quy trình phát triển, bồi dưỡng ra sao? Ai kiểm soát, lãnh đạo họ? Cơ chế kiểm soát đã đầy đủ chưa? Quá trình đào tạo, bổ nhiệm, sử dụng như thế nào? Mục đích chính là làm giàu hay là phục vụ Đảng, Nhà nước? Vì sao họ có khối lượng tài sản lớn như vậy? “Nếu chúng ta chưa có cơ chế thì đề nghị phải suy nghĩ và phải có cơ chế quản lý”, ông đề xuất.
Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, cần làm rõ những văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước cần bảo vệ và văn bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, không liên quan đến chính trị, quốc gia. Ông đề nghị, sau khi các vụ án trên được giải quyết đến nơi, đến chốn thì phải làm rõ những thư từ trao đổi trong vụ án thuộc danh mục bí mật nhà nước nào.
Ông đề nghị thay vì xử kín, cần công khai xét xử những vụ án liên quan đến người có chức quyền để nhân dân ủng hộ đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước.
Đề nghị tiếp tục nghiên cứu Luật Biểu tình Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị không thể coi biểu tình là đối tượng thù địch trong khi có những người biểu tình với tâm thế rất tốt. Vì vậy, ông kiến nghị tiếp tục nghiên cứu Luật Biểu tình chứ không nên bỏ dở. Bởi những vấn đề phức tạp, nhạy cảm càng phải quản lý bằng pháp luật. “Chúng ta phải tổ chức nhiều sinh hoạt xã hội để trí thức, nhân dân có cơ hội phát triển. Cụ Hồ từng nói dân chủ là làm sao cho người dân được mở miệng, chúng ta phải tạo nhiều chỗ cho người dân mở miệng”, ông Nghĩa nói. |
Có bao nhiêu nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài đã tự trở về? Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, trong giai đoạn vừa qua Cơ quan điều tra ... |
ĐBSCL: Không để tội phạm cho vay nặng lãi có đất sống Trước sự manh động của các nhóm tội phạm cho vay nặng lãi, công an các tỉnh, thành Tây Nam Bộ đã quyết liệt trấn ... |
Bộ Công an bổ nhiệm 9 lãnh đạo cục cảnh sát điều tra về tham nhũng Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc (nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) giữ chức Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ... |