Cần phải chỉ rõ các điểm sai phạm và xử lý thật nghiêm các cá nhân, đơn vị trong việc lơ là quản lý dự án xây dựng không phép này.
Bàn chuyện trách nhiệm
Liên quan đến việc xử lý công trình xây dựng trái phép tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, ông Phan Đình Tân - Nguyên Chánh văn phòng Bộ VHTT-DL bày tỏ rất nhiều điểm băn khoăn.
Chia sẻ thêm, ông nói: "Trách nhiệm chính ở đây là Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An, có Ban quản lý cũng như không, một công trình đồ sộ xây dựng ngay giữa vùng lõi di sản mà không biết, không có bất cứ động thái xử lý nào, chắc chắn ở đây là cố tình làm ngơ.
Sau đó là cơ quan quản lý bao gồm Sở Văn hóa thể thao, Sở Du lịch. Như Sở Du lịch giải thích đã gửi văn bản 4-5 lần cho huyện Hoa Lư cũng như Công ty CP Du lịch Tràng An mà không nhận được văn bản trả lời, vậy thì đặt ngược tình huống, vì sao không đưa ra các biện pháp khác trong khi anh có chế tài, có Luật trong tay?
Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và vi phạm Nghị định số 109/2017/NĐ – CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.
Do đó, chỉ cần dựa theo những sai phạm đã được quy định rõ trong Luật để xử lý, cần thiết thì phải cưỡng chế, các cơ quan ngồi lại với nhau để có phương án, chứ không phải vài tờ văn bản, rồi xuề xòa cho qua.
Công trình dù không phép vẫn mở cửa đón khách
Nếu như địa phương nói không có thẩm quyền thì họ có trách nhiệm báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền, đề nghị phối hợp, các cơ quan chức năng của huyện, nếu không thì vượt cấp báo cáo lên tỉnh khi đó chắc chắn phải có bộ phận liên ngành xuống, thanh tra, giám sát và cưỡng chế.
Còn nếu chỉ đưa ra văn bản rồi nói do không được phúc đáp nên mặc mọi chuyện đến đâu thì đến thì đó chỉ là làm chiếu lệ, hàm chứa sự cả nể, thực hiện không nghiêm quá trình thực thi công vụ, quá trình quản lý mà như vậy là khó chấp nhận.
Với dự án này tôi khẳng định Ban quản lý và cơ quan quản lý địa phương làm việc không hết trách nhiệm, nếu chỉ có một văn bản sơ sơ rồi làm hay không làm mặc doanh nghiệp, thì không cần bộ máy hành chính, tốn kém, phức tạp".
Lý giải cho việc nhắc đến hai Sở Văn hóa thể thao và Sở Du lịch, theo ông Tân, cả hai đều có trách nhiệm trong sự việc không riêng gì Sở Du lịch. Ở đây Sở Văn hóa thể thao có trách nhiệm quản lý di sản văn hóa, còn Sở Du lịch là quản lý du khách đến tham quan, đúng quy định, đúng Luật.
Và dự án này trách nhiệm quản lý ở đây là chưa hoàn thành, còn lý do vì sao thì cơ quan chức năng phải vào cuộc, xem đằng sau việc làm ngơ này là gì?. Sợ nhất là cái gì cũng rút kinh nghiệm, rồi cuối cùng không tuân theo kỷ luật nào.
Riêng về phía UBND huyện Hoa Lư, nguyên tắc hành chính có công văn đi thì phải có công văn đáp lại, không trả lời chỉ có hai lý do: một là cố tình làm ngơ, hai là thực thi công vụ không nghiêm, như vậy là đã có vi phạm.
"Bây giờ chúng ta nhìn rộng ra, một công trình xây dựng 6 tháng, quy mô lớn, với đông người làm mà bảo không biết, đó là vô lối, vì người dân trong ngõ, trong hẻm, trong ngách chở vài viên gạch, xe cát về sửa chút nóc nhà chỉ vài phút sau thanh tra xây dựng đã ập đến kiểm tra, nên không thể nói một công trình như vậy mà không biết.
Thiết nghĩ, cơ quan phụ trách theo dõi liên quan trực tiếp vấn đề xây dựng phải bị kỷ luật nghiêm khắc để lấy đó làm bài học, tất cả những cán bộ làm công vụ đều phải có trách nhiệm với xã hội, với công việc đã được phân công, như một công dân.
UBND tỉnh Ninh Bình đã liên tiếp đưa ra các chỉ đạo thanh tra và xử lý công trình trên, nhưng chắc chắn kèm theo đó phải là quá trình xử lý nghiêm khắc từng cá nhân, đơn vị có liên quan, tùy theo từng mức độ mà phạt", ông Tân khẳng định.
Không ai nhìn vào tấm gương những di sản bị UNESCO "thổi còi"
Khu danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được UNESCO công nhận, đây không chỉ là niềm tự hào của riêng Ninh Bình mà còn của cả đất nước và khi được UNESCO công nhận thì mặc nhiên đây là di sản của cả thế giới.
Việc ứng xử tùy tiện, xây dựng các công trình xâm hại đến tính nguyên trạng của di sản là vi phạm những cam kết theo Công ước bảo vệ các di sản của chúng ta với UNESCO, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến các di tích khác đang làm công tác bảo tồn tốt.
"Chắc chắn việc làm trên sẽ làm mất niềm tin của tổ chức UNESCO khi trao cho chúng ta trách nhiệm, vinh dự mà làm không tốt, ảnh hưởng cả hình ảnh đất nước. Sẽ có những ảnh hưởng trước mắt về các bình chọn cho di sản này thời gian tới trước UNESCO, thậm chí nhận khuyến cáo về bảo tồn di sản.
Đáng lẽ cơ quan quản lý nhà nước mà nhanh nhạy bắt đầu làm là yêu cầu dừng lại ngay nhưng việc đã rồi thì theo tôi nghĩ trừng phạt cho nghiêm, nếu để thì nhờn, rồi lại rút kinh nghiệm.
Với di sản quan trọng nhất là tính nguyên vẹn của nó, việc xây dựng rồi phá dỡ, đặc biệt đã khoan núi, phá đá thì không thể trở về như ban đầu, rồi cho người vào khai thác còn ảnh hưởng nhiều đến động thực vật. Lại còn đưa vào khai thác du lịch đại trà nữa.
Chúng ta đã có quá nhiều tấm gương xung quanh phản chiếu từ các di sản văn hóa khác mà không ai nhìn vào.
Việt Nam từng có không chỉ một trường hợp bị UNESCO “thổi còi” khi việc bảo tồn di sản có vấn đề. Năm 2004, Huế từng bị khuyến cáo vì tình trạng quản lý và phát triển đô thị làm ảnh hưởng di sản.
Sau đó, Huế đã có chương trình hành động cụ thể để ra khỏi danh sách bị khuyến cáo. Hạ Long cũng từng bị Ủy ban Di sản thế giới yêu cầu giải trình tác động của du lịch, các dự án xây dựng... đến di sản", ông Tân nói thêm.
Với dự án trên, theo ông Tân việc cần làm ngay là tháo dỡ toàn bộ công trình, sau đó xử lý cho thật nghiêm, sai ở đâu xử lý ở đó, không có quan hệ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm ở đây.
"Tôi phản đối cả việc có một số ý kiến đề xuất phạt rồi cho tồn tại, cũng không thể nào phạt một vài người rồi cho xong xuôi mọi chuyện, ở đây là cả một hệ thống lãnh đạo, nếu xử lý thì phải khách quan, người nào yếu kém thì thôi không để làm việc nữa.
Còn đối với quản lý di tích, di sản đã có Luật di sản văn hóa, có cam kết công ước quốc tế trong vùng lõi di sản không được xây dựng bất cứ công trình gì, giữ nguyên trạng di tích thì cứ theo đó để làm.
Có làm thì phải được cơ quan đã công nhận là UNESCO cho phép, tất cả đều phải có quy trình. Bởi vì, điểm căn bản của di sản là đảm bảo yếu tố nguyên gốc của nó chứ không phải làm biến dạng đi, méo mó đi", ông Tân khẳng định.
Cận cảnh 2.000 bậc không phép xuyên lõi di sản Tràng An Cây cầu dài 1.115 m với 2.234 bậc lên đỉnh núi Cái Hạ nằm trong vùng lõi của khu di sản Tràng An (Ninh Bình) ... |
\'Công trình vi phạm ở sâu trong vùng lõi di sản nên khó phát hiện\' Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu dừng đón khách ở công trình cầu xuyên vùng lõi Tràng An. Tỉnh sẽ xử lý nghiêm ... |
Sở Du lịch Ninh Bình đề nghị tháo dỡ cầu đâm xuyên lõi di sản Tràng An Chỉ sau khi Cục Di sản văn hóa và Thanh tra Bộ VH-TT-DL có ý kiến chỉ đạo, Sở Du lịch Ninh Bình mới báo ... |