Trong một khu đô thị phía Nam Sài Gòn, nếu không "tỉnh táo", ta rất dễ tưởng mình đang trong thành phố nào của châu Á, Singapore hay Hàn Quốc.
Trong một khu đô thị phía Nam Sài Gòn, nếu không "tỉnh táo", ta rất dễ tưởng mình đang trong thành phố nào của châu Á, Singapore hay Hàn Quốc.
Tôi vào đây báo cáo tại một bệnh viện cuối tuần trước, và bỗng cảm nhận được một nhịp sống rất khác. N
gười từ khắp xứ chọn nơi đây sinh sống và làm việc. Kẻ Bắc người Nam, người châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi Trung Quốc...
Tại các nhà hàng, siêu thị, nơi công cộng, tần suất bạn nghe thấy tiếng Anh gần như ngang bằng tiếng Việt. Song, điều tôi ấn tượng nhất là trên khuôn mặt cư dân ở đây vào sáng Chủ nhật hình như đều chung một nét thư giãn. Tôi đoan chắc họ cũng có những nỗi lo như chúng ta trong xã hội hối hả này, nhưng sao tôi vẫn cảm nhận nỗi lo ấy nhẹ nhàng hơn, thư thái hơn.
Trong câu chuyện bên ly cà phê, trong không gian xanh và sạch, vài người bạn tôi ở đây thử lý giải, có lẽ bởi môi trường sống mà cư dân nơi này đang hưởng thụ. Một môi trường thân thiện trong lành phủ xanh bởi những hàng cây. Nhưng điều đặc biệt không giống các khu đô thị của nhiều đại gia khắp Việt Nam, ở đây gần như không có cổng chào vọng gác, thanh chắn ngăn đường hay các loại hàng rào. Chúng ta không có cảm giác đi vào một khuôn viên biệt lập, tách rời với thế giới bên ngoài mà "biên giới" ấy tự nhiên mà có. Đấy là biên giới về kiến trúc, cây xanh, là văn hóa được hình thành từ từ sau hơn 20 năm xây dựng.
Những công viên, bệnh viện, cửa hàng được giữ đúng trong quy hoạch, những tòa nhà đang xây được che bọc kỹ càng làm người dân có cảm giác an tâm. Tôi thầm nghĩ, cách làm việc và quản lý của một chủ đầu tư có tầm nhìn dài hạn đã tạo ra một khu đô thị rất khác biệt, xứng đáng tên gọi là khu đô thị kiểu mẫu của Việt Nam.
Tôi cũng nghe còn nhiều vấn đề mà người dân chưa hài lòng. Nhưng chỉ cần nhìn vào giá đất, giá nhà ở đây cứ tăng đều đặn theo thời gian, hàng nghìn vị khách khó tính nước ngoài vẫn chọn nơi đây làm chỗ sinh sống, ta không thể phủ nhận sự thành công của khu đô thị này.
Không một nước nào không cần các đại gia, những người có nguồn lực lớn để xây dựng, kinh doanh, sản xuất, giúp phát triển xã hội. Họ là những người tiên phong mở cửa trong nhiều lĩnh vực và cũng là người định hướng cho tương lai của cộng đồng. Chính vì vậy, tôi cho rằng một đại gia có tầm không bao giờ chỉ nghĩ và chỉ thấy cái lợi trước mắt cho dù là doanh thu hàng nghìn tỷ mà quên đi cái quý giá nhất là môi trường, văn hóa sống.
Thời gian qua, chúng ta đã biết đến đại gia trong nhiều lĩnh vực, chủ yếu có nguồn gốc từ bất động sản. Điều này cũng dễ hiểu vì chả buôn gì bằng buôn đất, chả "cò" nào hơn cò địa ốc trong giai đoạn bùng nổ của một nước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường với luật pháp còn quá nhiều kẽ hở. Chưa nói, chính quyền còn non kém về kinh nghiệm quản lý, thiếu cơ chế giám sát các vị quan tham.
Nhiều đại gia nhanh chóng trở nên thực sự giàu có với những dự án khổng lồ mà nếu xem mô hình thiết kế 3D sẽ chẳng khác gì các thành phố trong phim Mỹ. Nhưng khi tiến hành triển khai thì bao khu vực tiện ích như trường học, bệnh viện, công viên, vườn hoa, hồ nước, khu sinh hoạt chung của cộng đồng đều biến mất. Thay vào đó, nào "nền", nào "lô".
Các cam kết bảo vệ môi trường hay ho như "không phá rừng lấp biển" đều chỉ là mực in trên tờ giấy. Lập luận của một số người rằng thà để "tập đoàn lớn" nó phá rừng, phá môi trường một cách quy củ để nhìn cho nó hiện đại còn hơn để dân phá một cách tự phát, khiến rừng trông "vụn vặt xấu xí" quả là ngụy biện. Những đại gia như thế nên được gọi là con buôn, vì họ chỉ nhắm đến lợi nhuận của một "phi vụ" cụ thể mà không có cái nhìn đến tương lai.
Hay và giỏi là phải làm thế nào không phá hoại thiên nhiên, môi trường, gây hại cho sinh kế người nghèo mà vẫn có nhiều người thích đến thăm, khám phá. Chẳng cần liệt kê những ví dụ ở các nước phát triển, nơi sự phản biện và ý thức xã hội đã tiến bộ tới mức không đại gia nào dám đề ra dự án làm hại tự nhiên, môi trường. Chỉ cần đến Mandalay, Myanmar thôi, trên đường thăm cầu gỗ U Bein nổi tiếng bạn sẽ thấy một cây đa đại thụ nằm giữa đường. Hai làn xe được rẽ vòng sang hai bên để không phải chặt bỏ di sản của thiên nhiên. Hay như con đường mòn xuyên rừng xuống bãi Ông Đụng do dân làm ở Côn Đảo, may thay có không biết bao nhiêu đoạn vòng như vậy để tránh phá bỏ cây xanh.
Xin nhấn mạnh đó là những con đường do dân địa phương làm, trong số họ chắc có nhiều người chẳng hề giàu có. Tôi chỉ tôn trọng những "đại gia" như vậy, những người mà trong nhà không có bộ đồ gỗ bằng hàng chục khối gỗ tự nhiên, không ăn những động vật nổi tiếng hiếm tìm hay đơn giản hơn, biết tần ngần trước một gốc cây mà mình không cách nào giữ lại được. Họ xứng đáng đại diện cho người Việt Nam, là nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ bước chân vào đời.
Mối lời lớn nhất của một nhà buôn chính là danh tiếng của mình.
Nguyễn Lân Hiếu