Chuyên gia kinh tế nhận định, hành động mua gom cổ phiếu FLC chứng tỏ lời nói và hành động nhất quán của ông Trịnh Văn Quyết.

Những ngày qua, cổ phiếu của Công ty cổ phần tập đoàn FLC (FLC) tăng điểm liên tiếp, đưa giá cổ phiếu FLC từ 7.200 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 8 lên khoảng 9.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay, tương ứng mức tăng 25%. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cổ phiếu FLC đã tăng 73%.

Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC lên tiếp mua thêm cổ phiếu của tập đoàn này.

Mới đây nhất, ông Quyết đăng ký mua 11 triệu cổ phiếu FLC. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 15/9 đến 14/10/2017.

Trước đó chỉ mấy ngày ông này thông báo đã mua vào thành công 20 triệu cổ phiếu FLC chỉ sau hơn 1 tuần đăng ký mua.

Hiện ông Quyết đang sở hữu 144,18 triệu cổ phiếu FLC tương ứng 22,6% vốn điều lệ của FLC.

Nếu giao dịch lần này thành công, ông Trịnh Văn Quyết sẽ nâng tổng lượng sở hữu cổ phiếu FLC lên 155,18 triệu cổ phiếu tương ứng 24,32% vốn điều lệ công ty.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC

Bình luận về những diễn biến của cổ phiếu FLC cũng như động thái của người đứng đầu tập đoàn này, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng đây là điều hoàn toàn bình thường.

Theo đó, việc tăng giảm cổ phiếu là chuyện "thường ngày của huyện". Trong một số hội thảo lớn của FLC tổ chức tại Sầm Sơn và Quy Nhơn, ông Trịnh Văn Quyết đã trả lời về một số vấn đề:

Thứ nhất, khi cổ đông hỏi tại sao giá cổ phiếu của FLC bấp bênh, lên xuống quá nhiều, ông Quyết nói rằng bởi vì đó là chuyện của thị trường, do nhà đầu tư lướt sóng mua bán và bản thân ông biết nhưng không thể làm gì. Theo ông Quyết, đã làm cổ phiếu thị trường rồi thì phải chấp nhận điều đó, ai thuận mua vừa bán với nhau trên thị trường cứ để tự nhiên.

Thứ hai, về việc giá cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros không bị rớt giá như cổ phiếu FLC, Chủ tịch FLC cho biết, cổ phiếu ROS là do ông và một số cổ đông chiến lược nắm tới trên 80%, thành ra số lượng cổ phiếu ở ngoài không nhiều nên không thể rớt được.

Thứ ba, ông Quyết tuyên bố sắp tới sẽ tăng mua cổ phiếu FLC để làm sao ông và nhóm cổ đông nòng cốt có thể chiếm trên 60-70% vốn điều lệ thì giá cổ phiếu FLC sẽ ổn định.

"Bởi vậy, việc mua bán nói trên là nhất quán với lời tuyên bố của ông Quyết và nhất quán với chuyện ông này cho rằng giá trị cổ phiếu FLC tốt hơn giá đang giao dịch nhưng ông không có tác động trên thị trường.

Ông Quyết nói khi đã mua cổ phiếu tới mức độ đạt trên 60-70% vốn điều lệ thì chắc chắn cổ phiếu FLC sẽ ổn định và có thể sẽ tăng nhưng chuyện bao giờ ông Quyết mua đến mức đó thì ông không khẳng định, chỉ nói là ông sẽ mua.

Những gì ông Trịnh Văn Quyết tuyên bố là phù hợp với quan điểm của thị trường: giá một cổ phiếu lên xuống là do thị trường quyết định. Khi giá cổ phiếu xuống một mức nào đó, Chủ tịch HĐQT thực hiện việc mua vào với khối lượng lớn, đó là hành động bảo vệ cho những cổ đông hiện hữu và là việc làm được đánh giá cao.

Thông thường khi cổ phiếu thấp xuống mức nào đó thì có hai cách: Thứ nhất là cổ phiếu hủy, cách đó bắt toàn bộ cổ đông cùng chịu với mình và làm giảm nguồn luực của công ty.

Cách thứ hai tốt hơn, các thành viên chủ chốt thấy giá cổ phiếu thấp thì công bố mua vào và mua thực sự. Điều đó tạo niềm tin cho cổ đông hiện hữu và hạn chế giá giảm xuống", TS Đinh Thế Hiển phân tích.

Nhìn nhận sự phát triển của cổ phiếu FLC, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá đó là sự "phát triển thần kỳ, tốc độ lớn, vượt qua những cái thông thường mà mọi người từng biết".

Tuy nhiên, ông Hiển cũng nhấn mạnh, FLC không phải là công ty cá biệt, cũng có những doanh nghiệp khổng lồ khác vượt rất nhanh, mà Tập đoàn Novaland là ví dụ.

"Cổ phiếu của FLC và Novaland khác nhau ở chỗ, cổ phiếu Novaland làm giá được và giữ giá được, còn cổ phiếu FLC là cổ phiếu thị trường, đi lên là do thị trường và đi xuống cũng là do thị trường", ông chỉ rõ.

(http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/dai-gia-trinh-van-quyet-gom-co-phieu-flc-chuyen-binh-thuong-3342194/)

/ Theo Thành Luân/Báo Đất việt