Ở nước ta, tháng 9 là mùa chia ly mới.

Đại học "ma" và danh tiếng thật!
Bộ GD&ĐT cần công bố danh sách trường đại học \'ma\'

Khi sinh viên trong nước bắt đầu tháng thứ hai của năm học mới, thì nhiều bạn khác lên đường du học. Họ toả ra khắp năm châu, từ các nước phương Tây hàng đầu như Mỹ, Anh, Australia, cho đến phương Đông như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm ngoái, số sinh viên nước ta có mặt ở Mỹ là 30 nghìn, gấp ba lần nước xếp gần nhất ở Đông Nam Á là Thái Lan.

Một ước tính cho biết hơn 130 nghìn du học sinh Việt Nam trên toàn cầu chi tiêu hơn 3 tỷ USD mỗi năm.

Trên trang VnExpress International, có một độc giả tên là Mark Hansell, có lẽ là người nước ngoài sống ở Việt Nam lâu năm, trăn trở rằng: tại sao Việt Nam không xây một đại học thật đẳng cấp để giữ du học sinh ở lại?

Mark giải thích tỉ mỉ bằng con số, điều này hoàn toàn có thể làm được trong vòng 20 năm. Ví dụ, anh tính rằng với mức lương của các giảng viên hàng đầu nước Mỹ hiện nay, thì kể cả có tính cả các ưu đãi nhà cửa, thuế, thì Việt Nam cũng chỉ mất một tỷ USD mỗi năm để nuôi một đội ngũ tinh hoa giáo dục hơn 4.500 người, cộng thêm chi phí hạ tầng, mỗi năm cũng chỉ mất 1,8 tỷ USD. Đội ngũ giáo viên nước ngoài này sẽ chi tiêu tại Việt Nam, rồi cộng với số sinh viên mà Mark cho rằng sẽ thu hút được. Nói chung, sẽ có lãi.

Một bài toán đầy tâm huyết.

Khi nói đến điều đó có lẽ anh chưa tính đến việc, quyết định du học không chỉ đơn thuần là “tị nạn giáo dục”, mà còn là môi trường, trải nghiệm và đôi khi là danh tiếng cho gia đình. Và hẳn sẽ có nhiều quan ngại về tính khả thi của ý kiến này. Trong hơn 10 năm qua, đã có nhiều đề án giáo dục đại học chất lượng cao ra đời, nhưng nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Nhưng điều tôi chú ý không phải là tính khả thi, mà là tư duy của vị độc giả có tâm kia. Đã từ lâu chúng ta loay hoay trong vòng tròn luẩn quẩn về “chi phí giáo dục”, “chi phí du học” mà quên mất rằng giáo dục thực tế có thể tạo ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Với hai cường quốc du học Mỹ và Anh, doanh thu từ việc xuất khẩu giáo dục đã lên đến hàng chục tỷ USD.

Ở Việt Nam, theo tính toán của tôi từ Bộ Điều tra Mức sống hộ gia đình (2014), mức chi bình quân cho giáo dục của mỗi gia đình Việt Nam lên đến 3,9% tổng thu nhập. Có những hộ chỉ riêng mức chi tiêu này đã vượt thu nhập đến 1,42 lần, tức phải đi vay để con cái đi học. Một đánh giá khác của ngân hàng HSBC thì con số mà bố mẹ người Việt sẵn sàng chi tiêu cho con cái có thể lên đến 47% thu nhập.

Những con số này đều cho thấy tiềm năng rất lớn từ “công nghiệp giáo dục”, nếu chúng ta thực sự có những sản phẩm chất lượng. Để ít nhất, những sinh viên trẻ có thêm những lựa chọn khi quyết định tương lai. Nhưng làm thế nào để có những sản phẩm chất lượng, hay nói cách khác là những đại học đẳng cấp quốc tế?

Các nước láng giềng châu Á thực hiện điều đó bằng hai cách.

Đầu tiên là nhà nước đầu tư cực mạnh vào hệ thống giáo dục, mà không cần cân nhắc nhiều đến hiệu quả và chi phí. Ở hướng này, các quốc gia Ảrập chi rất nhiều tiền để mời gọi những đại học nổi danh mở chi nhánh tại Trung Đông. Trung Quốc thu hút những tên tuổi lớn trong giới học thuật, đặc biệt là Hoa kiều về nước.

Nhưng Việt Nam thì không giàu như các nước bạn. Điều đó buộc chúng ta phải nhìn sang hướng phát triển thứ hai: tự do hóa thị trường giáo dục theo hướng đi mà Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan thực hiện. Nhà nước sẽ chỉ kiến tạo môi trường thuận lợi và đưa ra những chính sách ưu đãi, thay vì can thiệp trực tiếp vào quá trình điều hành và hoạt động của các trường.

Việc cho phép các trường tự chủ tài chính là bước đi phù hợp ban đầu, nhưng vẫn còn cần thêm nhiều quyết sách tiến bộ khác nữa, như tự do hoá môi trường học thuật hay chính sách đãi ngộ người tài tốt hơn. Cố gắng áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá trường đại học Việt Nam, như một nhóm các nhà nghiên cứu thực hiện gần đây, cũng đáng được hoan nghênh.

Nhìn giáo dục như một thị trường, chúng ta cũng không nên coi việc càng nhiều sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài thì nền giáo dục trong nước càng thất bại. Đó là lối tư duy của loài ve sầu không biết đến mùa đông, không hiểu được những giá trị mang lại của việc “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Du học mang lại những giá trị mà kể cả khi chất lượng giáo dục trong nước được cải thiện cũng không bao giờ có được.

Ở Đài Loan, nơi có nhiều trường đại học trong top 200 thế giới, số lượng du học sinh cũng ở mức hơn 60 nghìn. Con số đó ở Hàn Quốc là hơn 140 nghìn. Nếu tính theo tỷ lệ du học sinh/tổng số sinh viên, con số này còn cao hơn Việt Nam nhiều lần.

Chúng ta cần một đại học đẳng cấp quốc tế, nhưng không phải để giữ dăm ba tỷ USD ở lại trong nước, để cạnh tranh với Harvard hay Oxford, giành giật du học sinh. Tư duy hạn hẹp như thế, với tâm lý so sánh cùng những người khổng lồ, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào bế tắc, và bỏ cuộc. Cạnh tranh sao được?

Chúng ta cần một đại học đẳng cấp quốc tế, để hoàn thiện hệ thống giáo dục, để mở rộng thị trường giáo dục ra rồi từ đó “bơm” thêm tri thức vào xã hội, làm giàu thêm cho đất nước.

Chúng ta cần một đại học đẳng cấp quốc tế, vì nếu làm được, nó sẽ là thành tựu của rất nhiều nỗ lực mở rộng tự do học thuật, tự do tư tưởng và tự do thị trường. Nó sẽ là kết tinh của rất nhiều cải cách - tất nhiên nếu các nhà quản lý đủ quyết tâm.

Không phải vì nhiều phụ huynh cho con đi Mỹ rồi, mà xã hội không cần xây một trường đẳng cấp.

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/dai-hoc-ty-do-3648256.html

/ Khắc Giang/vnexpress.net