Việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng thông qua tỷ lệ sử dụng vốn trên huy động bằng ngoại tệ ở mức phù hợp để đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay là động thái chính sách cần thiết của cơ quan quản lý nhằm ổn định thanh khoản ngoại tệ, giữ kỷ cương thị trường.

NHNN vừa có văn bản số 7295/NHNN-TTGSNH yêu cầu các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tốt quy định về huy động vốn bằng ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, trên thị trường ngoại hối vẫn diễn ra bình thường không có yếu tố nào gây xáo động. Lý do NHNN đưa ra văn bản này có thể do những thông tin phản ánh về tình trạng xuất hiện một số ngân hàng lách luật vượt trần lãi suất huy động USD do có NH gặp khó khăn trong việc huy động ngoại tệ.

Đối với cho vay ngoại tệ thì sao, thưa ông?

Vấn đề cho vay ngoại tệ cũng không loại trừ có kẽ hở trong quy định nên cơ quan quản lý đã phát hiện và đưa ra những cảnh báo trước đối với các TCTD. Một số thành phần có thể lợi dụng “trà trộn” bằng chiêu thức nào đó qua mặt NH được vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn trong khi đáng lý ra theo quy định họ không thuộc đối tượng được vay.

Nếu không có những cảnh báo ngăn chặn những hành vi không lành mạnh trên sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định thị trường tiền tệ. Nhất là từ nay đến cuối năm nhu cầu về ngoại tệ cao, nhập siêu của Việt Nam tiếp tục tăng lên. Trong khi các nguồn cung ngoại tệ khác như kiều hối có thể vẫn chậm như năm trước, nguồn vốn vay từ nước ngoài đang bị thắt chặt hơn…

Lường trước điều đó và không để hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến sự ổn định thị trường ngoại hối, NHNN phải đưa ra văn bản với những hình thức xử lý khá quyết liệt để răn đe các TCTD có ý định sử dụng các biện pháp kỹ thuật lách trần huy động vốn hoặc nới tay cho vay ngoại tệ. Việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng thông qua tỷ lệ sử dụng vốn trên huy động bằng ngoại tệ ở mức phù hợp để đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay là động thái chính sách cần thiết của cơ quan quản lý nhằm ổn định thanh khoản ngoại tệ, giữ kỷ cương thị trường.

Ông đánh giá công cụ quản lý ngoại tệ của NHNN đang thực hiện ra sao?

Những công cụ truyền thống trong quản lý ngoại tệ mang tính kỹ thuật như trạng thái ngoại tệ vẫn đang được NHNN kiểm soát chặt và các NH cũng đang tuân thủ tốt. Với các công cụ thị trường, NHNN vẫn sử dụng những công cụ từ đầu năm như tỷ giá trung tâm, trần lãi suất huy động USD, có dự trữ ngoại hối hơn 40 tỷ để can thiệp thị trường khi cần thiết…

Chúng ta thấy từ đầu năm đến nay tuy thế giới có nhiều biến động nhưng ở Việt Nam tỷ giá vẫn đang duy trì khá ổn định. Điều này cho thấy NHNN quản lý thị trường ngoại hối hiệu quả.

Với các công cụ trên NHNN có giám sát được đường đi của ngoại tệ không, thưa ông?

Theo tôi, không thể kiểm soát một cách tuyệt đối 100% đường đi của dòng ngoại tệ. Vì nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chấp nhận việc lưu hành và sử dụng ngoại tệ trong thanh toán. Chưa nói đến việc trong lúc này với độ mở kinh tế rộng hơn, xuất hiện nhiều loại hình đầu tư tài chính mới cũng ảnh hưởng đến kiểm soát ngoại tệ. Vấn đề, ở đây theo tôi không phải là con số tuyệt đối kia mà các công cụ điều hành thị trường ngoại tệ NHNN đã kiểm soát một cách hiệu quả, thị trường ổn định.

Bởi đối với Việt Nam nhu cầu ngoại tệ vẫn còn cao trong khi cung thì không phải là quá rộng rãi nên nhà quản lý luôn kiểm soát chặt cung - cầu ngoại tệ đảm bảo giữ thanh khoản tốt. Chính vì thế, ngay thời điểm này NHNN phải sớm chấn chỉnh các TCTD nghiêm túc trong việc huy động, cho vay ngoại tệ tránh những tác động không đáng có lên thanh khoản NH trong bối cảnh hệ thống đang phải đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tôi cho rằng, những tháng cuối năm nhiệm vụ của NHNN khá nặng. Ngoài giám sát đường đi ngoại tệ, cơ quan này phải tăng cường kiểm soát tín dụng làm sao dòng vốn NH chảy đúng địa chỉ mà vẫn đáp ứng được cả về lượng và chất tín dụng như Chính phủ yêu cầu. Quan điểm của tôi, mức tăng trưởng tín dụng 21 - 22% là đòi hỏi quá cao.

Xin cảm ơn ông!

/ Theo Thời báo Ngân hàng