Nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas do Mỹ dẫn đầu không mang đến kết quả, chính thức rơi vào tình trạng ngưng trệ.

Phái đoàn thương lượng của Mỹ và Israel tại Doha (Qatar) đã bị triệu hồi trở về để tham vấn trong bối cảnh các bên gần như không thể thu hẹp được những bất đồng cốt lõi.

rui-ro.jpg
Mỗi phút xung đột tiếp diễn, cuộc sống người dân tại Gaza càng trở nên khó khăn hơn. Ảnh: CNN

Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas đang lâm vào bế tắc khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều cho rằng, Hamas không có thiện chí đàm phán, đồng thời triệu các đại diện của mình về nước. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí nhấn mạnh, Hamas “sẽ bị truy đuổi” nếu không hợp tác và lập luận, nhóm chiến binh Palestine chưa sẵn sàng giao nộp những tù nhân còn lại ở Gaza vì "họ biết điều gì sẽ xảy ra sau khi bắt được con tin cuối cùng". Đồng thời, Tổng thống Mỹ cho rằng, Israel “phải hoàn thành nhiệm vụ”.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff bình luận, động thái của Washington là phản ứng trước việc các lãnh đạo của Hamas "thiếu mong muốn đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza". Đồng thời, ông Steve Witkoff cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ xem xét các “phương án thay thế” nhằm đưa những con tin đang bị giữ tại Gaza về nước và tạo một môi trường ổn định hơn cho người dân Gaza. Trong khi đó, Israel đang cân nhắc các phương án khác và sẽ đánh giá phản hồi của Hamas trước khi quyết định tiếp tục đàm phán.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự đình trệ này vẫn là khác biệt về yêu cầu chấm dứt chiến sự, bất đồng về giai đoạn hậu chiến và áp lực nội bộ. Nhưng trên hết, đó là sự thiếu quyết tâm chính trị giữa hai quốc gia từng giữ vai trò trung tâm trong quá trình đàm phán. Cả Mỹ và Israel đều biết rằng, một thỏa thuận ngừng bắn không thể đạt được nếu không có sự nhượng bộ nhất định, nhưng tìm được giải pháp không dễ dàng.

Nhà nghiên cứu Aaron David Miller từ Carnegie Endowment nhận định, đây là một cuộc mặc cả giữa thực tế và kỳ vọng; các bên muốn có kết quả nhưng "không muốn trả giá chính trị cho quá trình”. Nhiều nhà bình luận cho rằng, nếu không có thay đổi lớn trong vài tuần tới, khả năng đạt được thỏa thuận trước cuối năm là hết sức mong manh. Về phần mình, Hamas tái khẳng định cam kết tiếp tục đàm phán và tham gia các nỗ lực nhằm vượt qua trở ngại để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.

Trong khi đó, giao tranh vẫn tiếp diễn. Các đợt không kích của Israel đã khiến ít nhất 21 người thiệt mạng trong ngày qua. Tình trạng nhân đạo tại Gaza cũng đang ở mức báo động. Nhiều tổ chức quốc tế xác nhận, nạn đói đang lan rộng do nguồn lương thực đã cạn kiệt. Liên hợp quốc cho biết, các loại thực phẩm đặc biệt để cứu sống trẻ suy dinh dưỡng nặng cũng sắp hết. Hamas còn giữ khoảng 50 con tin ở Dải Gaza, trong đó 20 người vẫn còn sống. Nhiều người Israel lo ngại, xung đột kéo dài sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng các con tin.

Điểm tích cực là một số kênh ngoại giao vẫn chưa đóng lại. Hai chuyên gia về chiến lược và quốc phòng là Raphael Cohen từ Tập đoàn RAND và Gordon Gray từ Đại học George Washington nhận định, cuộc đàm phán tuy tạm dừng nhưng có triển vọng tiếp tục trong tuần tới nếu các bên duy trì kênh trung gian. Lúc này, Qatar, Ai Cập và cả Liên hợp quốc đều đang giữ vai trò trung gian kỹ thuật trong các cuộc tiếp xúc không chính thức giữa Israel và Hamas.

Ngày 26-7, Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định sẽ cùng Qatar tiếp tục giữ vai trò trung gian cho các nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột và khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza, bảo vệ dân thường, tạo điều kiện cho việc trao đổi con tin giữa Israel và Hamas.

Tín hiệu từ châu Âu trong ngày 26-7 (giờ Việt Nam), đặc biệt là Pháp và Đức cũng cho thấy, họ sẵn sàng hỗ trợ một giải pháp trung gian nếu Mỹ tạm thời rút khỏi vai trò điều phối chính. Trong tuyên bố chung, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Friedrich Merz kêu gọi Tel Aviv lập tức dỡ bỏ các hạn chế đối với dòng viện trợ, cho phép Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo phi chính phủ ngăn chặn nạn đói. Ba nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh, những nhu cầu cơ bản nhất của người dân phải được đáp ứng ngay lập tức.

Tại Trung Đông, những khoảnh khắc yên ắng nhất đôi khi lại là khoảng lặng trước một bước ngoặt bất ngờ. Nếu có điều gì có thể đảo ngược tình trạng bế tắc hiện nay, thì chính là việc các bên quay lại cam kết với ưu tiên là con người, chứ không phải lợi ích chiến thuật. Trong tiến trình đó, sự kiên trì của các bên trung gian và áp lực toàn cầu có thể là yếu tố then chốt để mở lại cánh cửa hòa bình.

Hoàng Linh / HNMO