Tạo điều kiện để người dân phản ánh tiêu cực về giáo dục, đồng thời để kịp thời nắm bắt thông tin giúp cho việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục, mới đây Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về giáo dục qua nhiều phương thức: điện thoại, thư, thư điện tử hoặc trực tiếp đến điểm tiếp công dân của Bộ; đảm bảo giữ bí mật danh tính người cung cấp thông tin theo quy định.

Ở bất cứ thời kỳ nào, việc làm thầy chưa bao giờ dễ.

Đây là một một tín hiệu mừng về việc phát huy dân chủ học đường. Nhưng dân chủ thế nào để thầy ra thầy, trò ra trò vẫn đang là băn khoăn của nhiều người.

Đơn cử như mấy hôm nay, câu chuyện về một bé gái học lớp 2 tại Trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) bị phạt nghỉ học mà cô giáo không hề thông báo về cho gia đình, đang khiến dư luận rất bất bình.

Mẹ cháu bé phân trần: Con có lỗi thì phải nghỉ học là đương nhiên. Nhưng con mới học lớp 2, cô giáo cho con nghỉ học, song lại chỉ nói với con yêu cầu về nói với bố mẹ mà không một tin nhắn hay cuộc điện thoại trao đổi với phụ huynh thì thật khó chấp nhận. Lỗi mà học sinh bị cô phạt là do nói chuyện riêng với bạn bàn trên khi bạn quay xuống.

Hình phạt của cô giáo đã gây tâm lý hoang mang cho học sinh. “Con chán đến trường, đến lớp lắm!”- những lời nói cực đoan ấy thốt lên từ miệng một đứa trẻ khiến cho người lớn không khỏi suy nghĩ về cái đích giáo dục “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Ở một góc nào đó, câu chuyện trên đặt ra yêu cầu về sự dân chủ giữa giáo viên và phụ huynh, giữa nhà trường và gia đình trong việc phối kết hợp giáo dục con trẻ.

Liên quan đến vấn đề này, PGS TS NGƯT Đặng Quốc Thống- hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Thị Điểm từng chia sẻ: Dân chủ là cần thiết, là văn minh. Tuy nhiên nếu thực hiện dân chủ không đúng nó có thể kéo theo những hệ lụy.

Phân tích kỹ hơn, PGS Thống cho hay, ở bất cứ thời kỳ nào, việc làm thầy chưa bao giờ dễ. Đặc biệt là những năm gần đây, trên các trang mạng xã hội thông tin về đời sống học đường được cập nhật rộng rãi nhất là vấn đề dân chủ trong trường học.

Vì vậy, phát huy dân chủ học đường cũng có hai mặt. Thứ nhất, nó khiến giáo viên phải có trách nhiệm hơn, tôn trọng học sinh hơn, ứng xử phù hợp hơn trong các tình huống sư phạm.

Nhưng mặt khác, có những học sinh phản ứng với thầy, đưa các thông tin có khi chưa đúng về thầy khiến một số giáo viên cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình giáo dục, giảng dạy.

Tuy nhiên nếu người thầy luôn làm đúng, làm với tình yêu thương, bao dung, nhân văn, coi học sinh như con cái của mình thì học sinh và phụ huynh luôn luôn ủng hộ và dư luận cũng sẽ đồng tình.

Tôn trọng học sinh hơn, lắng nghe các phản hồi của học sinh, yêu thương, thân thiện để hiểu học sinh hơn, luôn đặt mình vào vị trí của học sinh, của phụ huynh… thì chưa bao giờ cái uy của người thầy bị mất đi.

Lâu nay, những bất ổn trong mối quan hệ học đường giữa thầy và trò, quản lý và giáo viên, nhà trường và phụ huynh..., theo nhiều chuyên gia bắt nguồn từ việc thiếu dân chủ nghiêm trọng.

Cách đây ít lâu dư luận cũng rất bất bình với vụ việc lùm xùm ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội. Các chuyên gia giáo dục đã từng lên tiếng nói về sự thiếu dân chủ trong trường học ở trường hợp này, rằng khi quyền lực rơi vào một số người dẫn đến tiếng nói phản biện bị “bóp nghẹt”.

Theo đó có ý kiến yêu cầu Bộ GD&ĐT phải thay đổi những chuẩn mực trong giáo dục hiện nay. Một học sinh ra trường phải hội tụ đầy đủ các phẩm chất về tri thức, thể chất, đạo đức, thẩm mỹ.

Còn các trường sư phạm cũng phải đặt yêu cầu cao với những thầy cô, những nhà quản lý có đầy đủ các phẩm chất để làm nghề.

Câu chuyện “đường dây nóng” năm học 2017- 2018 cũng xuất phát từ thực trạng lạm thu tiền ở trường tồn tại âm ỉ nhiều năm qua. Mà căn nguyên là do thiếu dân chủ trong việc bàn bạc, thỏa thuận các khoản thu tự nguyện giữa nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh học sinh.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, để xảy ra tình trạng lạm thu lâu nay là do người đứng đầu ngành giáo dục một số địa phương, cơ sở giáo dục đã không quán triệt đầy đủ các quy định hiện hành, đồng thời chưa giám sát, kiểm tra tới nơi tới chốn.

Cần phải kỷ luật nghiêm những người đứng đầu cơ sở vi phạm lạm thu. Chủ trương đã có, đồng thời cũng đã có những người đứng đầu cơ sở giáo dục bị xử lý làm gương. Nhưng người dân mong muốn những đường dây nóng phải thực sự có phản hồi nóng, chứ không phải lập ra cho có.

Theo thầy giáo Đặng Quốc Thống, dân chủ ở trường học chỉ đạt được ý nghĩa tích cực khi nó thực sự là dân chủ lành mạnh, trong đó cả giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh đều hiểu rõ về quyền hạn và trách nhiệm của mình, hiểu rõ những việc mình được phép làm và không được phép làm theo Điều lệ trường phổ thông và những quy định chung.

Và chỉ khi mỗi người đều vì lợi ích chung, đều có chung mối quan tâm là dành những gì tốt đẹp nhất, yêu thương nhất cho con trẻ thì khi ấy dân chủ mới thật có ý nghĩa và phát huy tác dụng.

Chất lượng sữa học đường bị thả lỏng?

Hàng trăm học sinh tại tỉnh Hậu Giang ngộ độc sau khi uống sữa pha sẵn phát cho trường học. Câu chuyện chất lượng sữa ...

Dạy con lòng tử tế

Trong vấn đề dạy dỗ con cái, đâu là lằn ranh giữa dìu dắt, uốn nắn, tập cho con có trách nhiệm và kiềm chế?

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/dan-chu-hoc-duong-384136

/ Minh Quang/daidoanket.vn