Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, thiếu nước sinh hoạt tại khu đô thị Thanh Hà là trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý, là bài học kiểm soát phát triển khu đô thị.

Những ngày qua, hàng nghìn cư dân ở khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) sống trong cảnh khủng hoảng vì bị cắt nước sinh hoạt. Nhiều cuộc họp và chỉ đạo được đưa ra nhưng tình trạng mất nước sạch tại đây vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, người dân phải tìm đủ mọi cách để "tự cứu chính mình".

Trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý

Trước sự việc thiếu nước sinh hoạt tại khu đô thị Thanh Hà những ngày qua, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho biết, hiện nay trong quy hoạch chuyên ngành đã xác định rất rõ các đường ống cấp nước của từng phân khu tại Hà Nội.

Đối với những khu vực phát triển đô thị mới, sau khi xây dựng xong hệ thống cấp nước nội bộ, chủ đầu tư phải kết nối với mạng lưới đường ống chung. Tuy nhiên, việc kết nối ở vị trí nào và kết nối ra sao, phải được sự đồng ý và hướng dẫn của cơ quan quản lý, không thể đấu nối tùy tiện.

“Việc này là trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan quản lý”, ông Nghiêm nói và cho biết việc này cần hoàn thành trước khi đưa cư dân về sinh sống. Sự chậm trễ trong phối hợp đã dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt như thời gian vừa qua là bài học cho việc kiểm soát phát triển các khu đô thị mới.

Ngoài ra, ông Đào Ngọc Nghiêm cũng nêu những nguyên nhân khác gây thiếu hụt trong cấp nước sinh hoạt cho người dân Hà Nội. Đáng chú ý, một số nhà máy nước đầu nguồn của thành phố đang thi công chậm so với kế hoạch như nhà máy nước mặt sông Hồng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu khiến nguồn nước suy giảm và các con sông thay đổi dòng chảy đã gây khó khăn cho việc khai thác nước mặt.

Người dân khu đô thị Thanh Hà mang các vật dụng đợi lấy nước sạch từ các xe bồn cứu trợ vào tối 17/10.

Người dân khu đô thị Thanh Hà mang các vật dụng đợi lấy nước sạch từ các xe bồn cứu trợ vào tối 17/10.

Ngoài ra, nguồn nước ngầm cũng đang trở thành vấn đề thách thức đối với cả nước. Nguồn nước này vừa suy giảm, vừa có nguy cơ ô nhiễm rất cao.

“Cả hai phương thức khai thác đều gặp khó khăn. Sắp tới cần đặt ra vấn đề khai thác nước ngầm cần phải cấp phép đồng thời cần đa dạng hóa các phương thức khai thác nước nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ”, ông Nghiêm nói.

 

Dự kiến cấp nước trong 1 - 2 ngày tới

Chiều 18/10, huyện Thanh Oai tiếp tục làm việc với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông để thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn tạm thời trong khi chờ Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị phân luồng cấp nước.

Huyện đề xuất phương án tạm thời là đơn vị cung ứng nước cấp nước theo giờ, theo tòa chung cư và có thể bổ sung bằng nguồn nước ngầm đảm bảo an toàn vệ sinh cho khu đô thị Thanh Hà. Phương án này nhằm đáp ứng ngay nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân và người dân không phải lấy nước từ xa, từ nhiều nguồn khác nhau.

Liên quan vụ việc, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong ngày 18/10, lưu lượng nước từ nguồn nước sạch sông Đuống điều tiết cấp cho Khu đô thị Thanh Hà đã tăng lên khoảng 112 m3/giờ (khoảng 2.500 - 2.600 m3/ngày - đêm). Dự kiến 1 - 2 ngày nữa sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho cư dân ở đây.

Khu đô thị Thanh Hà có 23 tòa nhà với khoảng 16.000 dân. Đầu tháng 10, nhiều người phản ảnh nước sinh hoạt tại đây có dấu hiệu ô nhiễm. Hậu quả khiến hàng loạt trường hợp bị bong tróc da, lở loét, mẩn ngứa.

Sau đó, kết quả xét nghiệm từ Viện Công nghệ môi trường cho thấy hàm lượng amoni trong nước gấp 38,2 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần.

Hôm 13/10, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức họp với đại diện nhiều đơn vị như Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, UBND quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai… cùng đại diện cư dân khu đô thị Thanh Hà liên quan sự việc sức khỏe người dân bị ảnh hưởng do ô nhiễm nước.

Ông Dương Đình Trình, Phó Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà, cho biết trước đây nước sinh hoạt tại Khu đô thị Thanh Hà được cung cấp bởi 2 nguồn khác nhau gồm nguồn khai thác ngầm tại nhà máy và nguồn nước mặt sông Đuống.

Sau buổi làm việc với cơ quan chức năng, Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà đã dừng việc cấp nước từ nguồn khai thác nước ngầm tại nhà máy. Toàn khu đô thị chỉ còn một nguồn nước là nước mặt sông Đuống, dẫn đến tình trạng thiếu hụt.

 Dân khủng hoảng vì cắt nước: Bài học kiểm soát phát triển khu đô thị mới (vtc.vn)

Minh Tuệ / VTC News