Các cử tri Đan Mạch đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch tham gia hiệp ước quốc phòng của Liên minh châu (EU) trước các mối đe dọa an ninh sau cuộc xung đột Ukraine.
- Ukraine khó gia nhập liên minh Châu Âu EU
- Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu than từ Nga
- Liên minh châu Âu bất ngờ đặt niềm tin vào vaccine COVID-19 của Nga
Hôm 1/6, đài DR đưa tin về kết quả của cuộc trưng cầu ý kiến về việc có nên gia nhập Chính sách quốc phòng và an ninh chung (CSDP) của Liên minh châu Âu. Sau khi kiểm đếm sơ bộ hầu hết phiếu bầu, số ý kiến đồng thuận chiếm tới 66,9%, chỉ có 33,1% phản đối.
“Khi có một cuộc xung đột nổ ra trên lục địa của chúng ta, chúng ta không thể đứng trung lập”, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen phát biểu tại Copenhagen.
“Có thể đây là lời 'đồng ý' lớn nhất trong một cuộc trưng cầu dân ý về EU từ trước đến nay ở Đan Mạch".
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. (Ảnh: AP)
Cuộc bỏ phiếu diễn ra cùng lúc tập đoàn dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Đan Mạch sau khi nước này từ chối yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc thanh toán nhiên liệu bằng đồng rúp.
Cụ thể, Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt đến Đan Mạch qua công ty Orsted từ ngày 1/6, "vì Orsted không thanh toán bằng đồng rúp cho phía Nga".
Tuy Đan Mạch là một trong những thành viên sáng lập của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng tới nay họ vẫn là quốc gia duy nhất không tham gia hiệp ước quốc phòng của EU trong số 21 quốc gia thuộc cả EU và NATO.
Hồi tháng 3, chính phủ Đan Mạch đã kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia CSDP. Khi đó, bà Frederiksen đã nói Đan Mạch phải đóng một vai trò lớn hơn trong các hoạt động quân sự và hợp tác để giúp mang lại sự ổn định cho châu lục.
Copenhagen đã cam kết tăng chi tiêu quân sự từ 1,3% tổng sản phẩm quốc nội lên 2% vào năm 2033 để đạt được mục tiêu mà NATO đã đặt ra cho các thành viên.
“Có vẻ như Đan Mạch đã gửi một tín hiệu rất rõ ràng rằng họ muốn ủng hộ các đối tác và láng giềng của mình khi tất cả đang cùng hành động, đó là một tín hiệu quan trọng”, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bodskov nói.
Đan Mạch gia nhập EU cùng với Vương quốc Anh vào năm 1973, quốc gia này cũng nằm ngoài khu vực đồng euro. Trước đây, chính quyền Copenhagen đã tổ chức 2 cuộc trưng cầu ý kiến về vấn đề này, nhưng đều nhận được kết quả phản đối.
https://vtc.vn/dan-mach-se-tham-gia-hiep-uoc-quoc-phong-cua-lien-minh-chau-au-ar680135.html