Định kiến “chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ nuôi con” đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Nhật. Đến nay, mặc dù định kiến về việc phụ nữ đi làm nuôi gia đình vẫn còn nhưng xu hướng chồng nội trợ đang nở rộ tại Nhật Bản.
Định kiến “chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ nuôi con” đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Nhật. Sau tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động, chính phủ Nhật Bản đã chuyển sang khuyến khích phụ nữ đi làm. Vì vậy, xu hướng các ông chồng làm nội trợ đang nở rộ tại Nhật Bản.
Định kiến về chồng nội trợ, vợ đi làm của xã hội Nhật
Anh Shuichi, 30 tuổi, là một kỹ sư hệ thống (system engineer) tại một công ty công nghệ ở thành phố Tokyo, Nhật Bản. Mọi chuyện sẽ thật êm đềm với anh nếu anh không mắc chứng bệnh U hạt (sarcoidosis), tình trạng sự tăng trưởng quá mức của các tế bào viêm ở các bộ phận khác nhau của cơ thể.
Anh đã kết hôn được khoảng một năm trước khi mắc chứng bệnh quái ác. Căn bệnh làm cho anh không thể tiếp tục công việc và rồi anh nghĩ đến việc ly dị với vợ- cô Kiyoko vì anh nghĩ rằng việc đó sẽ tốt cho cả hai.
Nhưng rồi Kiyoko đã giận anh và nói: “Em sẽ đi làm kiếm tiền. Anh có thể ở nhà và tự chăm sóc bản thân”.
Đó là những lời khó nghe bởi vào đầu những năm 2000, trước khi Nhật Bản ban hành luật “Bình đẳng việc làm giữa nam nữ” thì phụ nữ không được khuyến khích làm những công việc ngoài xã hội mà phải ở nhà để nội trợ, đàn ông sẽ đi làm kiếm tiền nuôi gia đình.
Năm 2001, Kiyoko trở thành trụ cột của gia đình, thời gian ấy đã có nhiều cơ hội gợi mở cho phụ nữ nhưng việc người đàn ông trở thành nội trợ vẫn còn khá mới mẻ với xã hội Nhật. Định kiến cho rằng đàn ông phải làm việc khoảng 12 đến 13 giờ mỗi ngày trong khi phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái hay chỉ nên làm công việc lương thấp, tốn ít thời gian.
Là một kỹ sư hệ thống, anh Shuichi thường phải làm thêm 120 giờ mỗi tháng. Chính điều đó làm anh không có thời gian bên các con. Tình trạng này giống hệt thời thơ ấu của anh Shuichi: cha của anh là một doanh nhân và thường không có mặt ở nhà. Kiyoko cũng rơi vào trường hợp như vậy với cha cô ấy khi ông trở thành một người lạ mặt với các con vì những chuyến công tác dài ngày.
Anh Shuichi vì mắc bệnh U hạt nên không thể tiếp tục đi làm, từ đó anh ở nhà chăm con và vợ anh đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. (Ảnh: SCMP)
Quá trình đổi vai trò thành một nội trợ quả không dễ với anh Shuichi. Vợ anh là một nhà thiết kế đồ họa và cô ấy đang cố gắng được thăng chức để có mức lương cao hơn. Ở nhà, Shuichi cảm thấy bản thân anh bị nhiều ánh mắt xung quanh soi mói, dị nghị mỗi khi đi đến cửa hàng tạp hóa. Vì vậy, mỗi lần ra khỏi nhà, anh đều mặc vest để tránh khỏi lời đàm tiếu của người khác.
Anh Shuichi chia sẻ: “Tôi cảm thấy an tâm khi mặc bộ comple bước ra ngoài. Ngay cả khi ra cửa hàng hay nấu ăn, tôi đều mặc comple chỉnh tề”.
Sau 2 năm, khi vợ của anh Shuichi được tăng lương, anh đã đưa ra một quyết định quan trọng. Shuichi nhuộm tóc vàng. Một người đàn ông Nhật Bản với mái tóc tẩy vàng có thể không nổi bật ở các nước phương Tây hay trong xã hội hiện đại. Nhưng ở Nhật thì đó là một bước ngoặt trong đời anh.
Shuichi giải thích: “Thời điểm đó, tôi nung nấu ý nghĩ rằng sẽ trở lại làm việc. Nhưng trong mắt của xã hội, một người đàn ông với mái tóc vàng không được chấp nhận đi làm công ăn lương. Qua việc nhuộm tóc, tôi tự tuyên bố với thế giới ngoài kia rằng tôi là một người nội trợ”.
(Ảnh: SCMP)
Bước đi sai lầm
Đầu những năm 2000, Nhật Bản có tỷ lệ sinh giảm mạnh, kéo theo là sự già hóa dân số (đất nước này hiện tại có tỷ lệ dân số già nhất thế giới) và thiếu hụt lực lượng lao động. Chính lý do đó bắt buộc các nhà chức trách phải chú ý đến tiềm lực người lao động mới: đó là phụ nữ.
Trước kia, vào khoảng giữa những năm 1980, chính phủ Nhật đã cấm cửa phụ nữ không được làm việc công sở vì sợ rằng công việc sẽ chiếm nhiều thời gian của họ, dẫn đến tâm lý ngại kết hôn và nuôi con, do vậy tỷ lệ sinh của quốc gia mới giảm mạnh.
Thậm chí để khuyến khích sinh đẻ, nhiều công ty còn trả cho phụ nữ ít hơn so với đàn ông mặc dù thời gian lao động là bằng nhau, họ muốn hướng phụ nữ ở nhà hoặc làm những việc bán thời gian.
Năm 2005, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho cả chồng lẫn vợ trong thời gian dưỡng thai, cùng trợ cấp về mặt y tế, sức khoẻ để các nữ nhân viên chuyên tâm vào thiên chức làm mẹ. Thế nhưng điều đó không mấy hiệu quả. Và cứ thế số lượng phụ nữ đi làm tăng lên, tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm xuống.
Tình hình đó buộc các nhà chức trách tìm đến những nhà nghiên cứu trên khắp thế giới để có thể hiểu rõ về sự suy giảm này, họ nhận ra rằng mình đã tập trung vào sai đối tượng. Sự thật rằng phụ nữ Nhật Bản thấy việc làm mẹ không hấp dẫn không phải do tập trung công việc, mà vì họ thiếu sự ủng hộ của người chồng.
Không có thời gian cho gia đình vì công việc “giam cầm”
Theo một khảo sát năm 2006, đàn ông dành khoảng 1 giờ mỗi tuần cho việc chăm sóc con cái và gia đình, trong khi phụ nữ lại dành từ 30 đến 40 giờ mỗi tuần.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi sau khi khảo sát những người cha trong năm 2008 cho biết, một phần ba số người tham gia khảo sát nói họ muốn nghỉ phép để dành nhiều thời gian hơn cho con cái, gia đình nhưng lại lo sợ mất lòng các sếp.
Năm 2008, Chính phủ bắt đầu chạy dự án thí điểm “Ikumen” với mục đích soạn thảo lại các chính sách cũng như khuyến khích việc đàn ông dành thời gian chăm sóc gia đình.
Tuy dự án này đã thu hút khá nhiều người tham gia, nhưng vẫn còn đó các cá nhân chưa dám hành động do ảnh hưởng tư duy quản lý của các sếp. Nhiều ông chủ vẫn thấy những chính sách này vô cùng kỳ lạ và nhân viên thì sợ sệt việc về sớm hay nghỉ phép, như thể họ làm vậy là một điều sai trái, đáng bị phạt.
Không những vậy, những người làm công là nam giới ở Nhật thường rất quan trọng việc đi làm và bị áp đặt suy nghĩ “đã đi làm thì làm cả đời”, rằng họ không cần quan tâm về việc trông trẻ hay coi nhà vì các bà mẹ sẽ làm điều đó.
Tại cuộc phỏng vấn cho chương trình IkuBoss vào tháng 4 năm 2014, Masako Mori, Bộ trưởng Nhật Bản về Bình đẳng giới và giảm tỷ lệ sinh, cho rằng, các công ty cần phải đưa ra nhiều hơn các chính sách ủng hộ việc nghỉ phép của các nhân viên mà họ không bị bất cứ hình phạt nào.
Chính phủ Nhật đã chạy thử dự án “Ikumen” để khuyến khích việc đàn ông dành thời gian chăm sóc gia đình. (Ảnh: The Japan Times)
Cho đến năm 2015, đã có nhiều người tận dụng chính sách của Ikumen: tỷ lệ nam giới nghỉ phép theo chế độ thai sản khi vợ sinh con (kỳ nghỉ phép có thể lên tới 12 tháng) tăng từ 1,9% trong năm 2012 lên gần 3% năm 2015 và 7% vào năm ngoái. Một số người đã bắt đầu tan làm từ 6 giờ chiều thay vì 11 giờ tối. Số lượng các ông bố nội trợ, tuy vẫn là thiểu số cũng đang tăng lên.
Xoá dần định kiến về “đàn ông nội trợ”
Anh Kiyonori Yamashita (hay còn gọi là Kiyo) là người đàn ông nội trợ của gia đình, người cha của con trai Seiji, chồng của chị Lara. Với quyết định ở nhà chăm sóc con cho vợ đi làm, mối quan hệ của anh và con trai khăng khí hơn những gia đình khác.
Kiyo chia sẻ về lý do anh chấp nhận ở nhà làm nội trợ và chăm con một phần vì vợ anh xuất thân là người Ai-len, mong muốn anh làm vậy.
Anh nói: “Có lẽ vì vợ tôi là người phương Tây. Nếu vợ tôi mà là người Nhật Bản, tôi nghĩ cô ấy sẽ ở nhà chăm sóc con trai. Quan điểm chung của người Nhật là mẹ phải chăm sóc lũ trẻ”.
Tuy suy nghĩ về việc phụ nữ trông trẻ, đàn ông đi làm đã tồn tại rất lâu trong lịch sử Nhật Bản, nhưng thập kỷ vừa qua lại chứng kiến những sự thay đổi không ngờ. Những người như anh Shuichi và Kiyo đã khiến tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, khiến Nhật Bản vượt qua Hoa Kỳ với 76,3% phụ nữ đi làm.
Mỗi năm, người dân Nhật Bản bắt gặp càng nhiều cảnh tượng đàn ông chăm con. (Ảnh: The Japan Times)
Hằng năm, người dân Nhật Bản bắt gặp ngày càng nhiều cảnh tượng “đàn ông chăm con” thay vì mặc đồ công sở đi làm. Vượt qua bao định kiến và khó khăn, đàn ông đất nước này có thể tự hào khi trở thành người nội trợ của gia đình.
Điều đáng mừng hơn là hầu hết những ông bố này đều ở độ tuổi 30. Họ còn trẻ và có suy nghĩ hoàn toàn khác so với những người tuổi 50. Do vậy, xã hội Nhật Bản hứa hẹn một tương lai với đầy niềm tin và hy vọng ở giới trẻ.
Mỹ Linh – Vũ Nguyên (Theo SCMP)
Nắng nóng kỷ lục ở Nhật Bản, ít nhất 44 người thiệt mạng Nhật Bản đang chịu đợt nắng nóng dữ dội, khiến ít nhất 44 người thiệt mạng và hơn 12.000 người nhập viện trong những ngày ... |
Hàng chục người chết trong đợt nóng kỷ lục ở Nhật Nhiệt độ cao bất thường kéo dài nhiều ngày ở Nhật khiến 44 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải nhập viện. |
Vì sao người già ở Nhật không được nhường ghế trên tàu điện ngầm? Theo phép lịch sự, khi đi trên xe buýt hoặc trên tàu điện ngầm, người già và phụ nữ có thai sẽ được nhường chỗ. ... |