Việc thi công đào hầm ga tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội dẫn đến nhiều nhà dân ở khu vực ga S9 và ga S11 bị nứt, sụt lún nghiêm trọng.
- Hà Nội đề nghị sớm thi công trở lại đoạn ngầm metro Nhổn-Ga Hà Nội trong tháng 8
- Hoàn thành đoạn trên cao metro Nhổn-Ga Hà Nội trong năm 2022, tìm giải pháp rút ngắn thi công đoạn ngầm
- Metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao có kịp về đích năm 2022?
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (chiều dài 12,5km) khởi công từ tháng 10/2010 nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng do chậm tiến độ. Trong gần 12 năm thi công dự án, rất nhiều nhà dân tại khu vực nhà ga S9 nằm trên đường Kim Mã và ga S11 tại đường Quốc Tử Giám bị ảnh hưởng.
Căn nhà số 431 đường Kim Mã (quận Ba Đình) của gia đình bà Nguyễn Thị Bích (53 tuổi) là một trong những công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Bà Bích cho biết: “Tình trạng nứt, lún nhà đã xảy ra được 1-2 năm sau khi công trình bắt đầu thi công. Gia đình tôi đã gửi đơn đề nghị rất nhiều lần nhưng chưa nhận được phản hồi nào. Gần đây, họ đã lên kế hoạch để bồi thường nhưng không được như ý của gia đình nên vẫn chờ phía nhà thầu giải quyết thỏa đáng”.
Những vết nứt dưới hầm của ngôi nhà càng ngày càng lớn dần, những cột trụ dầm bị nứt lộ cả sắt ở bên trong.
Cách nhà bà Bích 3km là căn nhà số 15 (ngõ 52 phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Để giảm thiểu nguy cơ sập, chủ nhà phải làm khung sắt để chống đỡ ngôi nhà.
Ông Lê Hữu Đa (81 tuổi, chủ nhà số 15) cho hay: "Ngôi nhà đã bị nứt 3 năm nay. Nguyên nhân do làm tuyến ga ngầm S11 nên mới bị như vậy. Ban đầu vết nứt rất nhỏ nhưng sau vết nứt ngày càng to ra. Tôi phải mua sắt và thuê người làm khung để chống đỡ ngôi nhà".
"Gia đình rất nhiều lần làm đơn đề nghị, mãi đến năm 2021, chủ thầu chi mỗi tháng 5 triệu để vợ chồng tôi ra thuê trọ. Tuy nhiên, được 6 tháng vợ chồng tôi cũng không được viện trợ nữa đành phải về lại ngôi nhà của mình để sinh sống. Khi sống trong ngôi nhà này tôi rất lo lắng, chỉ biết sống ngày nào qua ngày đó chứ sống chết ra sao, nhà sập lúc nào cũng không biết trước được”, ông Đa bày tỏ.
Bà Lê Thị Xuân Mai (con gái ông Đa) chia sẻ: "Ban đầu những vết nứt rất nhỏ và ít nhưng về sau khi họ (nhà thầu dự án đường sắt đô thị Hà Nội) đào hầm thi công và phá nhà đền bù cho nhà dân xung quanh thì những vết nứt dần to ra và thêm nhiều vết nứt khác. Lúc đầu họ thừa nhận lỗi là do họ nhưng mới đây họ lại từ chối thẳng thừng, bảo không phải do họ mà do các công trình khác".
Mỗi khi sang nấu ăn cho cha, bà Mai rất lo lắng khi đứng trong căn bếp dày đặc vết nứt.
Công cụ đo độ nứt được nhà thầu lắp xung quanh ngôi nhà.
Đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đơn vị rất quan tâm tới công tác quản lý, kiểm soát an toàn khi thi công dự án ga ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội, khảo sát kỹ các công trình cạnh các nhà ga có nguy cơ bị ảnh hưởng. Đơn vị cũng lắp đặt đầy đủ các hệ thống đo đạc, quan trắc để đo mức độ ảnh hưởng khi thi công. Tuy nhiên, MRB cho rằng, tại thời điểm đó, dự án đã kiểm tra các số liệu quan trắc với kết quả nằm trong ngưỡng an toàn. Với các vết nứt do điều kiện bảo trì kém, ẩm thấp gây rỉ thép dẫn tới nứt vỡ, đơn vị thi công đề xuất phương án sửa chữa và hỗ trợ kinh phí.
MRB cho biết, trong trường hợp người dân chưa đồng thuận sẽ mời đơn vị chuyên môn vào đánh giá độc lập. Nếu nguyên nhân đến từ dự án, Ban sẽ chỉ đạo nhà thầu phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các chi phí có liên quan.