Đó là đề xuất vừa được Sở Xây dựng TPHCM trình cấp có thẩm quyền về việc ban hành quy định diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn nhà ở của tổ chức, cá nhân tại TPHCM (đăng ký thường trú).
Để được đăng ký thường trú tại TPHCM, lao động nhập cư sẽ phải có tối thiểu 20m2 đất ở. Ảnh: N.L.D
Theo đó, Sở Xây dựng đề xuất, diện tích bình quân để đăng ký thường trú là 20m2 sàn/người và không phân chia khu vực trên toàn địa bàn TPHCM. Mức bình quân này cũng sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của TPHCM theo từng thời kỳ. Sau khi UBND TPHCM xem xét, thông qua và trình HĐND TPHCM thì đề xuất này mới chính thức ban hành.
Được biết, hiện nay, diện tích bình quân để đăng ký thường trú tại TPHCM được chia thành 2 khu vực: Khu vực 1 bao gồm 5 huyện: Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi và Nhà Bè với mức diện tích bình quân là 10 m2 sàn/người. Khu vực 2 là 15 m2 sàn/người gồm 19 quận: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức, Gò Vấp.
Động thái này được TPHCM đưa ra trong bối cảnh dân số cơ học ngày càng tăng, kéo theo việc đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê (mượn, hoặc ở nhờ) gia tăng. Theo quan điểm của UBND TPHCM, tình trạng người lao động các tỉnh đến thành phố sinh sống đã gây áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện, trường học, ô nhiễm môi trường, giá bất động sản tăng cao... Đặc biệt, khu trung tâm và các quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, ảnh hưởng đến việc chăm lo chất lượng cuộc sống người dân.
Trước đề xuất của Sở Xây dựng, không ít người dân lao động nhập cư cảm thấy lo lắng. Anh Đoàn Quốc Việt - nhân viên 1 công ty về công nghệ, hiện đang thuê trọ ở quận Bình Tân - nêu quan điểm: “Những lao động nhập cư như chúng tôi cũng có đóng góp không ít cho sự phát triển kinh tế của thành phố. Đối với chúng tôi, 1 chỗ ở ổn định, an ninh, dù chật chội một chút nhưng vừa túi tiền, được nhập hộ khẩu để con cái được học hành, chăm sóc y tế tốt là quá đủ.
Tuy nhiên, nếu áp dụng theo quy định mới, buộc diện tích tối thiểu phải gần 20 m2/người, gia đình tôi gồm 2 vợ chồng và 1 đứa con, nghĩa là phải có 60m2. Điều này đồng nghĩa để được nhập khẩu thì phải bỏ chi phí thuê nhà khá cao, vì phần lớn các nhà trọ đều có diện tích nhỏ so với quy định, làm sao đủ tiền để thuê, sau đó nhập hộ khẩu bởi muốn chủ nhà bảo lãnh cho nhập hộ khẩu đã khó, nếu thêm quy định này, không biết sẽ ra sao nữa”.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của các chuyên gia về quy hoạch cũng có những ý kiến khác nhau. Theo TS-KTS Võ Kim Cương, việc Sở Xây dựng TPHCM đề xuất diện tích bình quân nhà ở khi đăng ký hộ khẩu thể hiện chủ trương hạn chế dân nhập cư vào trung tâm TPHCM. Về hiệu quả, giải pháp này cũng có thể đạt được một phần nhưng chủ yếu là về mặt quản lý hành chính. Còn thực tế, dù có hộ khẩu hay không thì nơi nào có việc làm tốt, thuận tiện cho đời sống thì người dân vẫn đến.
“Hiện nay hộ khẩu vẫn còn đi đôi với những chính sách, quyền lợi trong khi hạ tầng các quận không kịp chuẩn bị nên không đáp ứng nổi. Do đó, chính quyền buộc phải tìm chính sách hạn chế việc nhập hộ khẩu tại các quận, khuyến khích nhập hộ khẩu tại các huyện. Tôi chia sẻ với TPHCM về những khó khăn này, nhưng về lâu dài, tôi ủng hộ việc bỏ hộ khẩu như đại đa số các nước. Một đô thị lớn muốn phát triển bền vững thì cũng phải cần đến lực lượng này. Phải tìm cách chào đón chứ không phải tìm cách hạn chế họ” - TS Võ Kim Cương nêu quan điểm.
TS Trương Huy Mai nhìn nhận, để TPHCM trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có sự đóng góp rất lớn từ lao động nhập cư. Việc quy định diện tích tối thiểu sẽ phần nào gây ra sự thiệt thòi về quyền lợi cá nhân cũng như hạn chế những vấn đề an cư. Thay vì quy định diện tích tối thiểu thì nên đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng, thành lập các đô thị vệ tinh để người dân làm ăn, vui chơi trong 1 khu vực nhất định.
Cũng đồng quan điểm, TS Mai cho rằng, việc áp dụng hộ khẩu để quản lý được cho là lỗi thời, các nước tiên tiến trên thế giới không còn áp dụng. Chính sách quy định nhập khẩu theo diện tích tối thiểu được cho là quy định cản trở sự phát triển. Lấy ví dụ tại Đài Loan (Trung Quốc), muốn giãn dân, họ không cho phép xây dựng cao ốc, chung cư ở nơi đông người. Trong khi đó, ở Việt Nam thì làm ngược lại.
Có 20 m2 đất để ở mới được đăng ký thường trú tại TP HCM Quy định này nhắm đến việc nâng chất lượng sống và hạn chế tình trạng người lao động từ các tỉnh đổ về TP HCM. |
Chia tay hộ khẩu Chính phủ đã đồng ý với phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và ... |