Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang tích cực tích lũy vàng để đa dạng hóa dự trữ và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong quý I/2024, các ngân hàng trung ương thế giới đã mua tổng cộng 290 tấn vàng, trong đó 3 ngân hàng trung ương mua nhiều nhất là các ngân hàng của Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là đợt mua vàng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Đằng sau cơn sốt vàng của các ngân hàng trung ương -0
Tính đến tháng 5/2024, Trung Quốc có 18 tháng liên tiếp “trang bị thêm vàng” cho quỹ dự trữ của Ngân hàng Trung ương nước này.

Tính đến tháng 5/2024, Trung Quốc trong 18 tháng liên tiếp “trang bị thêm vàng” cho quỹ dự trữ của Ngân hàng Trung ương nước này. Theo báo cáo của WGC, trong tháng 1 và 2/2024, chỉ riêng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã mua thêm 22 tấn vàng. Trong cả năm 2023, định chế này mua vào 225 tấn vàng - mức kỷ lục chưa từng có!

Vẫn theo WGC, bên cạnh khối lượng lớn vàng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc mua vào năm 2023, còn phải kể đến 680 tấn vàng người dân nước này tích lũy dưới dạng vàng lá, vàng thỏi và nhất là nữ trang. Đây cũng là một kỷ lục! Bà Isabelle Feng, chuyên gia về tài chính thuộc Trung tâm nghiên cứu Perelman của Đại học Brussels (Bỉ) và là cộng tác viên của Trung tâm Nghiên cứu về châu Á tại Paris, nhấn mạnh đến nét đặc thù của thị trường vàng ở Trung Quốc: “Nguồn mua vàng đầu tiên, cho đến hiện tại là chính phủ, thế nhưng trong thời gian gần đây, báo chí nói nhiều đến hiện tượng tư nhân đua nhau tích trữ vàng, họ mua nữ trang. Điều này phản ánh thực trạng kinh tế của Trung Quốc và có nhiều cách biệt so với 5 năm trước đây. Kinh tế Trung Quốc giờ đây ảm đạm vì khủng hoảng địa ốc kéo dài, do tăng trưởng bị giảm sút sau 3 năm Trung Quốc đóng cửa kinh tế để chống dịch”.

Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng tìm cách củng cố khả năng chống chọi kinh tế của quốc gia bằng cách tích cực mua dự trữ vàng. Ngân hàng này hiện đang nắm giữ lượng dự trữ vàng lên tới 817 tấn. WGC cho biết lượng mua vàng của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ chạm mốc 19 tấn trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2024. Con số này lớn hơn 16 tấn vàng mà họ đã mua trong cả năm 2023.

Vẫn theo WGC, mặc dù các ngân hàng trung ương đã mua rất nhiều vàng kể từ năm 2022 nhưng xu hướng này vẫn có thể sẽ còn tiếp tục. WGC cho biết: “Xu hướng mua vàng lâu nay của các ngân hàng trung ương không chỉ được giữ nguyên, mà còn tiếp tục bị chi phối bởi các ngân hàng từ các thị trường mới nổi”. Các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi đã mua vàng trong quý đầu tiên của năm 2024 bao gồm Kazakhstan, Oman, Kyrgyzstan và Ba Lan.

 Theo trang Business Insider, có những động lực chính trị khiến các ngân hàng trung ương muốn đa dạng hóa tài sản của họ. Các nhà phân tích của JPMorgan viết trong báo cáo hồi tháng 3: “Rõ ràng là trong một số trường hợp, các quốc gia không liên minh với Mỹ đã bắt đầu tìm cách giảm lượng dự trữ bằng đồng đôla của họ, vì họ nhận thấy rủi ro khi giữ những khoản dự trữ dễ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt”. Các nhà phân tích này nói thêm rằng các chính phủ có mối liên kết với Mỹ cũng đang bổ sung vàng để bảo vệ mình trước tình trạng lạm phát cao hơn và nhiều biến động trên toàn cầu.

Sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt một số đợt trừng phạt đối với Moscow, bao gồm cả việc đóng băng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga. John Reade, chiến lược gia trưởng tại WGC, nói với Bloomberg TV vào tháng trước: “Tôi nghĩ (các lệnh trừng phạt) đã khiến nhiều ngân hàng trung ương suy nghĩ cẩn thận về lượng dự trữ mà họ nắm giữ”.

Theo phân tích của DW (Đức), Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào đồng đôla Mỹ để giao dịch với phần còn lại của thế giới. Là đồng tiền dự trữ của thế giới, hầu hết hàng hóa đều được định giá bằng đôla Mỹ và hơn một nửa giao dịch trên thế giới được thực hiện bằng đồng bạc xanh. Trong quá trình phát triển để thách thức sự thống trị kinh tế của Mỹ trong 30 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng được nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ, chủ yếu bằng đồng đôla Mỹ. Nhưng Bắc Kinh lo ngại họ đã trở nên quá phụ thuộc vào đồng bạc xanh và muốn đa dạng hóa nguồn dự trữ của Ngân hàng Trung ương. Theo dữ liệu của Mỹ, Trung Quốc đang dần giảm lượng dự trữ bằng đồng đôla, vốn đã giảm 1/3 kể từ năm 2011 xuống còn khoảng 800 tỷ USD. Đà sụt giảm này đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19.

Còn trong trường hợp của Ấn Độ, Ngân hàng Dự trữ của nước này cũng hướng tới mục tiêu đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Khi giá trị đồng tiền suy yếu do lạm phát, vàng có xu hướng giữ giá hoặc thậm chí tăng giá, giúp bảo vệ sức mua của dự trữ ngoại hối của Ấn Độ. Ngoài ra, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng cho rằng việc đa dạng hóa danh mục đầu tư sang dự trữ vàng có thể khơi dậy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Ấn Độ. Nó báo hiệu tình hình tài chính vững mạnh và ổn định, có khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn.

Việc đổ xô vào tài sản vàng có thể không phải là tín hiệu tốt cho đồng đôla Mỹ về lâu dài nếu đồng tiền này tiếp tục tăng giá.

Vài năm tới có thể là thời kỳ hỗn loạn và vàng có thể là yếu tố ổn định nền kinh tế quốc tế, đặc biệt khi ngành công nghệ thông tin, ngành công nghiệp, thị trường đang trong tình trạng bất ổn và cần thời gian để bình ổn lại. Vào những thời điểm như vậy, nhu cầu đối với vàng có thể sẽ cao hơn nhu cầu đối với tiền giấy. Chiến lược gia Reade của WGC dự đoán rằng việc mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục trong vài năm nữa, một tín hiệu cho thấy nhu cầu đa dạng hóa dự trữ còn lâu mới kết thúc.

https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/dang-sau-con-sot-vang-cua-cac-ngan-hang-trung-uong-i732671/

Khánh An / CAND