Chiêu trò lừa đảo qua mạng “nhận quà trúng thưởng”, hay “đặt đơn hàng tích điểm để nhận phần thưởng” mặc dù không mới, nhưng các đối tượng lừa đảo đã luôn cập nhật, dựng lại với kịch bản tinh vi hơn. Và một khi đã rơi vào bẫy, khách hàng khó có thể thoát ra. Hệ quả là hàng tỷ đồng của các nạn nhân bị bốc hơi….

Mất tiền tỷ vì ham tích điểm để nhận phần thưởng

Bà Phạm Thị Tuyết Mai (ngụ TP Thủ Đức) cho biết bà nhận được cuộc gọi của một người phụ nữ từ số điện thoại 0937024256 gọi đến số 0903901… của bà Mai đang sử dụng (số điện thoại này của bà Phạm Thị Muôn là chị của bà Mai) và tự xưng tên Ngọc Châu, hiện đang làm việc tại công ty không rõ tên, địa chỉ: 2225 Phạm Thế Hiển phường 6 quận 8. 

Đằng sau những món hàng trúng thưởng -0
Những món hàng mà bị hại ở quận Bình Tân đã mua qua hình thức trực tuyến với chiêu lừa “mua hàng trúng thưởng” với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Ngọc Châu cho biết, bà Muôn có lịch sử mua hàng nhiều nên đã được công ty của Châu quay trúng 2 giải thưởng trị giá 300 triệu đồng. Bà Mai đề nghị nhận tiền mặt thì Châu yêu cầu phải cung cấp hóa đơn thể hiện lịch sử mua hàng và hướng dẫn bà Mai đặt mua các sản phẩm của công ty là thực phẩm chức năng, khi có người giao hàng thì thanh toán tiền mặt để lấy hóa đơn.

 

Châu cam kết khi bà Mai mua đủ số lượng theo yêu cầu sẽ quy đổi giải thưởng thành tiền mặt giao cho bà Mai, đồng thời thu hồi lại toàn bộ số hàng và hoàn lại tiền mua hàng. Để tạo hiệu ứng và “thao túng tâm lý”, ngoài Châu còn có một số phụ nữ khác làm “mồi nhử” như Quỳnh sử dụng số điện thoại 0968622952; Thu sử dụng số điện thoại 0772202575; Hà sử dụng số điện thoại 0936842300 để tác động liên tục, đồng thời hướng dẫn bà Mai mua hàng.

Không mảy may nghi ngờ, nên từ giữa tháng 5/2023 đến ngày 27/9/2023, bà Mai đã mua liên tục 57 đợt hàng từ công ty của Ngọc Châu với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Mỗi lần nhận hàng thì đều có một nam thanh niên tên Nhã đến giao hàng và thu tiền tại nhà của bà Mai ở phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức.

1-1701065047352.jpg
Đối tượng Trần Thị Diễm Chi tại cơ quan điều tra.

Đáng nói, khi bà Mai nhận hàng, Ngọc Châu không đưa hóa đơn mà còn yêu cầu giữ nguyên hiện trạng gói hàng và không được mở gói hàng để sau này công ty thu hồi, khi đủ số lượng hóa đơn thì công ty sẽ tổng hợp để nhận thưởng.

Sau nhiều lần mua hàng và hối thúc công ty trả thưởng, thu hồi hàng và hoàn tiền mua hàng, nhưng các đối tượng viện đủ lý do yêu cầu tiếp tục mua hàng, bà Mai mới nghi bị lừa đảo nên đã trình báo Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh.

Lần theo đường dây lừa đảo

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh xác định, Trần Thị Diễm Chi (sinh năm 1992, thường trú phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) đã lấy tên giả Ngọc Châu, là kẻ đã gọi điện cho bà Mai. Phương thức thủ đoạn của Chi là thu thập dữ liệu khách hàng trên mạng, đa số là khách thường mua hàng online các trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử… với thông tin khách hàng gồm: Tên khách hàng, số điện thoại… Sau đó, Chi giao cho cộng tác viên gọi vào số điện thoại của khách hàng, hỏi họ tên và đưa ra thông tin gian dối với một “kịch bản” được dựng sẵn.

2.jpg -0
Đối tượng Hồ Thị Mỹ Lợi tại cơ quan điều tra.

Theo đó, các đối tượng tự xưng là nhân viên của Siêu thị Smart Shop, có địa chỉ trên đường Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8, TP Hồ Chí Minh (thông tin giả), thông báo khách hàng có số lượng lượt mua hàng online cao trên trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử và siêu thị Smart Shop đang tổ chức chương trình tri ân khách hàng và khách hàng nằm trong 3 khách hàng trúng thưởng có 3 phần quà của Smart Shop, với điều kiện phải tiếp tục mua các mặt hàng của Smart Shop với giá trị thấp nhất 600 ngàn đồng…

Nếu đồng ý tham gia chương trình tri ân thì khách phải đặt mua đơn hàng đầu tiên này sẽ được xem như là một trong ba khách hàng được nhận quà tri ân trên. Sau đó, khách hàng phải tiếp tục mua các đơn hàng tiếp theo với giá trị cao hơn sẽ được nhận được một trong các phần quà “béo bở” như: Điện thoại Iphone 12 với giá trị 28 triệu đồng hoặc bộ máy rửa chén giá 35 triệu đồng hoặc 3 vé đi du lịch Hàn Quốc với giá trị 150 triệu đồng, nhưng thực chất các giải thưởng này đều không tồn tại.

Đối với các mặt hàng giao cho khách, Chi dặn dò kỹ, kể từ đơn hàng thứ 2 trở đi thì khách hàng không được sử dụng mà phải giữ nguyên gói hàng để sau này Smart Shop sẽ thu hồi lượng hàng này về và hoàn tiền mua hàng cho khách hàng.

Để giao hàng cho khách, Chi thông qua bên giao hàng dịch vụ hoặc bưu điện và thu hộ luôn tiền của khách để mang về cho Chi. Cộng tác viên không nói rõ khách hàng mua đơn hàng có tổng giá trị bao nhiêu thì sẽ được nhận quà. Tuy nhiên, khi có khách hàng đã mua được tổng giá trị đơn hàng lớn hỏi khi nào nhận được quà thì cộng tác viên nói rằng khách hàng đã đủ điều kiện nhận được quà từ giá trị nhỏ đến giá trị cao.

4.jpg -0
Một trong những văn bản giả mạo các trang thương mại điện tử để lừa khách hàng.

Nếu khách hàng muốn lấy tiền thay vì nhận quà thì cần phải đóng số tiền phí cao nhất là 10% giá trị của phần quà mới được nhận tiền hoặc có thể mua thêm hàng để nhận giá trị phần quà cao hơn. Mặc cho khách hàng có đóng tiền phí để nhận tiền mặt thay vì nhận quà hoặc tiếp tục thực hiện mua hàng để nhận quà có giá trị cao hơn thì cộng tác viên vẫn tiếp tục đưa ra điều kiện cho khách hàng là phải mua thêm hàng cho đến khi khách hàng không còn khả năng thì sẽ nản, tự dừng lại và bỏ mặc khách hàng, rồi cộng tác viên chiếm đoạt luôn số tiền mà khách hàng đã thanh toán đơn hàng.

Chiêu thức cũ, thủ đoạn mới tinh vi hơn

Khi bán được hàng cho khách hàng, thông tin khách hàng nào đã đồng ý tham gia mua hàng, chương trình tri ân, các cộng tác viên đều báo lại cho Chi nắm và quản lý. Còn cộng tác viên sẽ viết ra giấy thông tin tên khách hàng, số điện thoại, loại mặt hàng để quản lý thông tin, tư vấn khi khách hàng hỏi. Sau khi thực hiện chiếm đoạt được tiền và bỏ mặc khách hàng thì cộng tác viên cũng xé bỏ luôn các tờ giấy này.

5.jpg -0
Cảnh báo của Cơ quan Công an về một số thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.

Về phần Chi, sau khi nhận được đơn hàng do cộng tác viên cung cấp, đối tượng này sử dụng các sim khuyến mãi đăng ký tài khoản các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada để mua các loại thực phẩm chức năng nêu trên, mỗi sản phẩm chỉ có giá từ 70 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng. Nhưng khi đóng gói sản phẩm, dán thông tin của khách ngoài vỏ hộp thì Chi đã kê số tiền phải thanh toán lên từ khoảng 680 ngàn đồng đến 3 triệu đồng, tùy vào cộng tác viên tư vấn và thuyết phục khách hàng để lên đơn với giá trị bao nhiêu.

Với đội ngũ cộng tác viên và giao hàng, Chi phân chia theo các hạng mức chi trả thù lao khác nhau. Cộng tác viên mới có lương cơ bản khởi điểm là 4,5 triệu đồng/1 tháng, sau đó sẽ tăng dần lên. Ngoài ra, còn có tiền hoa hồng theo phần trăm trên tổng số đơn hàng bán được. Nếu trong tháng bán được dưới 100 triệu đồng thì sẽ được hưởng 10% trên tổng số tiền hàng bán được; trên 100 triệu đồng đến dưới 260 triệu đồng sẽ được hưởng 11% và trên 260 triệu đồng sẽ được hưởng 12%.

Theo cơ quan điều tra, việc trao đổi thông tin giữa Chi và các cộng tác viên cũng thường liên hệ qua cuộc gọi sim khuyến mãi, sử dụng một thời gian sẽ bỏ sim, không liên hệ qua các ứng dụng mạng xã hội. Việc trả lương cũng gặp trực tiếp để nhận, không thông qua tài khoản ngân hàng.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can đối với Trần Thị Diễm Chi và đồng phạm Hồ Thị Mỹ Lợi để điều tra làm rõ về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”…

Đáng nói, tháng 9/2022, Chi và một đồng phạm khác là Đặng Thanh Tâm đã bị Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố nhưng cho tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ, khi lừa một người tên Mậu ở Quảng Nam khoảng 2,8 tỷ đồng. Chi đã khắc phục số tiền lừa đảo này và sau đó tiếp tục thực hiện lừa đảo chuyên nghiệp hơn như kể trên…

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh, chiêu thức lừa đảo này tuy không mới nhưng có thể thấy hành vi của các đối tượng lừa đảo đã ngày càng tinh vi hơn. Chúng đã lựa chọn các siêu thị, ngân hàng, tổ chức tài chính có uy tín nhất trên thị trường để mạo danh và sử dụng thông tin khách hàng mua hàng online của các trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử… với thông tin khách hàng rồi dùng sim rác hoặc tài khoản ảo để liên hệ với khách hàng. Từ đó thuyết phục khách hàng làm theo hướng dẫn của chúng và phải bỏ ra một khoản tiền để mua hàng trước khi nhận phần thưởng - “sự may mắn ảo”.

Khi nhận được các cuộc gọi thông báo trúng thưởng hay nhận thưởng, người tiêu dùng nên thận trọng và hết sức cảnh giác, cần hỏi rõ họ tên nhân viên, chức danh, phòng ban công tác, số điện thoại di động… và nhanh chóng xác thực thông tin chương trình bằng cách liên hệ trực tiếp đến số hotline của đơn vị tổ chức trao thưởng, kiểm tra thông tin về chương trình khuyến mãi của siêu thị, trang thương mại điện tử, doanh nghiệp trên website chính thức, hoặc tìm hiểu thông tin trực tiếp với nhân viên tư vấn mua sắm trả góp tại các trung tâm thương mại, siêu thị...

Nếu các thông tin về giải thưởng không trùng khớp với các thông tin được niêm yết công khai trên các website của các đơn vị bán hàng, siêu thị, ngân hàng hay công ty tài chính, khách hàng cần nhanh chóng khai báo với cơ quan chức năng.

Trên hết, người tiêu dùng cần chủ động bảo mật thông tin cá nhân như CCCD, giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng… cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch điện tử và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân qua mạng xã hội nhằm tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn hoặc là nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người dân cần kịp thời báo ngay với Công an địa phương nơi gần nhất…

https://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/dang-sau-nhung-mon-hang-trung-thuong-i715122/

Phú Lữ / antg.cand.com.vn