Nhiều tháng sau khi kết thúc “cuộc chiến bất tận” ở Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ tuyên bố triển khai lực lượng chống khủng bố tới Somalia. Điều này báo hiệu sự tăng cường hiện diện và can dự của quân đội Mỹ tại quốc gia Đông Phi, nhưng đằng sau nó là gì?

Truyền thông Mỹ tuần qua cho hay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép tái triển khai khoảng 500 lính Mỹ tới Somalia sau khi cựu Tổng thống Donald Trump ra lệnh rút quân từ cuối năm 2020. Quyết định mang tính đảo ngược này một phần gây bất ngờ vì hoàn toàn trái ngược với việc Tổng thống Biden yêu cầu rút hoàn toàn lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan. Nhưng theo mệnh lệnh hôm 16-5 đã được tổng thống phê duyệt, mục tiêu của việc bố trí quân là cho phép “một cuộc chiến chống Al-Shabaab hiệu quả hơn”, theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson. Ông Adrienne Watson cho biết: “Quyết định tiếp tục triển khai quân ở Somalia nhằm tối đa hóa sự an toàn và hiệu quả lực lượng của chúng tôi và cho phép hỗ trợ hiệu quả hơn cho các đối tác ở quốc gia châu Phi”.

soma2-2215
Tổng thống Mỹ Joe Biden đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm khi đưa quân trở lại Somalia

Tại sao ông Biden lại điều quân đến Somalia?

Bài viết trên tờ Newsweek phân tích, quân đội Mỹ đã được Tổng thống Donald Trump ra lệnh rút phần lớn khỏi Somalia vào năm 2020, cụ thể là 750 binh sĩ làm nhiệm vụ tư vấn cho các đối tác Somalia. Đây là một trong những động thái cuối cùng của ông Donald Trump trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Thời điểm đó, một số chuyên gia nhận định Mỹ hoàn tất rút quân trong thời điểm tình hình an ninh tại Somalia rất xấu, trong đó nhóm cực đoan Al-Shabaab có quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã cải thiện kỹ năng chế tạo bom và tiếp tục tấn công các mục tiêu dân sự ở Thủ đô Mogadishu, trong khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa nước này sẽ tiến hành bầu cử. Hệ quả là, Al-Shabaab đã phát triển mạnh lên với các cuộc tấn công nhằm vào chính phủ Somalia cũng như các mục tiêu dân sự trong những năm gần đây.

Kể từ khi rút quân, binh sĩ Mỹ đã luân chuyển tới Somalia cho các nhiệm vụ cụ thể. Chính điều này tạo ra một hệ thống khó khăn và không hiệu quả, làm suy yếu các nỗ lực của nước Mỹ nhằm giúp Somalia và các chính phủ đối tác khác chống lại nhóm khủng bố Al-Shabaab. Vào tháng 3-2022, Tướng Stephen Townsend, người đứng đầu Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ cho biết, hệ thống này đang gây nguy hiểm cho quân đội Mỹ.

Nhưng nếu tái triển khai quân đội ở Somalia, điều đó sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro đối với việc điều động qua lại các lực lượng đang tiến hành các hoạt động chống khủng bố tại quốc gia Đông Phi này. Động thái này cũng sẽ nâng cao hiệu quả của các chiến dịch đặc biệt, đồng thời cho phép đảm bảo công tác huấn luyện cho các quân đội sở tại không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, khôi phục sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ sẽ giúp tăng cường an ninh và tự do đi lại của các nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ hay Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ khi họ tiến hành các sứ mệnh phát triển và ngoại giao quan trọng”, một quan chức Mỹ nói.

Mối đe dọa từ nhóm khủng bố Al-Shabaab

Al-Shabab được coi là chi nhánh lớn nhất và nguy hiểm nhất của Al-Qaeda, từng kiểm soát Thủ đô Mogadishu của Somalia cho đến khi bị lực lượng Liên minh châu Phi (AU) đẩy lùi vào năm 2011. Nhưng bất chấp những thất bại, nhóm này vẫn duy trì và lớn mạnh ở Somalia. Al-Shabaab vẫn kiểm soát một số thị trấn và làng mạc ở Somalia, cũng như các con đường chính dẫn vào thủ đô. Vào đầu tháng 5-2022, nhóm này đã mở một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất chống lại lực lượng Liên minh châu Phi, tuyên bố đã giết hại 170 binh sĩ, dù thông tin chưa được kiểm chứng.

Somalia đã phải chịu đựng xung đột và tình trạng tranh chấp không có chính quyền Trung ương kể từ khi nhà độc tài Mohamed Siad Barre sụp đổ vào năm 1991. Chính phủ có rất ít quyền kiểm soát bên ngoài thủ đô và lực lượng Liên minh châu Phi bảo vệ một “vùng xanh” theo phong cách Iraq. Trong hơn một thập kỷ qua, nhóm Al-Shabaab đã tìm mọi cách để lật đổ chính quyền Somalia, đồng thời tiến hành các vụ tấn công khủng bố tại các quốc gia láng giềng Kenya và Uganda nhằm thiết lập quyền lãnh đạo của riêng mình dựa trên cách giải thích nghiêm ngặt về luật Hồi giáo.

Tuần trước, hội nghị quốc tế lớn của liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng diễn ra ở Morocco. Các nhà lãnh đạo từ hàng chục quốc gia trong khu vực cảnh báo rằng, nhóm khủng bố IS đang giành được sức hút trên khắp Tây Phi ngay cả khi nó mất lãnh thổ và ảnh hưởng ở Trung Đông. Trong khi đó, nhóm Al-Shabaab có liên hệ với Al-Qaeda hoạt động chủ yếu ở phía Đông châu Phi.

Các quan chức Mỹ lo ngại rằng khu vực Sahel của châu Phi đang trở thành lò luyện của các nhóm khủng bố. Họ từ lâu đã tin rằng Al-Shabaab có ý định tấn công Mỹ, mặc dù hiện tại lực lượng này thiếu khả năng để làm điều đó. Lầu Năm Góc coi nhóm này là tổ chức khủng bố phát triển nhanh nhất và hoạt động mạnh mẽ nhất trên lục địa châu Phi. “Chủ nghĩa khủng bố chết người đã di căn đến châu Phi”, Tướng Stephen Townsend, chỉ huy quân sự hàng đầu của Mỹ ở châu Phi, nói với Quốc hội trong một bản báo cáo cập nhật hàng năm vào tháng 3-2022. “Các mối đe dọa khủng bố trên lục địa châu Phi vẫn nghiêm trọng và ngày càng gia tăng khao khát giết chết người Mỹ cả ở đó và đất nước chúng ta”, ông Stephen Townsend nhấn mạnh.

soma1-1704
Hiện trường vụ đánh bom một nhà hàng ở bãi biển Lido của Mogadishu, Somalia hôm 23-4-2022

Kịch bản xảy ra tiếp theo

Trong khi Mỹ không có binh sĩ ở Somalia kể từ khi ông Trump ra lệnh rút quân vào tháng 12-2020, quân đội Mỹ trước đó đôi khi thực hiện các cuộc không kích vào nước này và đóng quân ở các nước lân cận như Kenya và Djibouti. Theo kế hoạch, bộ chỉ huy quân sự của Mỹ ở châu Phi sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu của Al-Shabaab ở Somalia.

Theo tờ New York Times, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ tập trung các nỗ lực quân sự vào các thủ lĩnh hàng đầu của Al-Shabaab, những người bị nghi ngờ dàn dựng các cuộc tấn công bên ngoài Somalia. Vào tháng 1-2020, nhóm chiến binh đã tấn công vào một căn cứ không quân của Mỹ ở Kenya khiến 3 quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ thiệt mạng. Thế nhưng, ông Omar Mahmood, nhà phân tích cấp cao người Somalia tại International Crisis Group, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels cho rằng, việc điều quân trở lại dù số lượng không nhiều nhưng vẫn có thể đủ để gây ra một số áp lực đối với nhóm chiến binh vốn hoạt động khá tự do thời gian qua.

Trong bối cảnh mới, Somalia có thể bất ổn hơn do ngày càng chịu ảnh hưởng của hạn hán và giá lương thực tăng cao do xung đột ở Ukraine, bởi quốc gia này nhập khẩu 90% lượng lúa mì ở cả Ukraine và Nga. Về sự hỗ trợ từ bên ngoài đối với Somalia, chuyên gia Mahmood nói rằng cộng đồng quốc tế nên tập trung vào sự bất ổn chính trị của quốc gia, đây chính là điều mà Al-Shabaab khai thác. “Al-Shabaab là một triệu chứng của rối loạn chính trị ở Somalia. Chừng nào giới tinh hoa vẫn còn chia rẽ, chừng nào còn có những bất bình trong xã hội, thì nó sẽ vẫn là một tác nhân rất thích hợp”, tờ TIME dẫn lời nhà phân tích Omar Mahmood nói.

Nhóm chiến binh từ lâu đã lợi dụng sự bất ổn chính trị và bế tắc để tăng cường sự kìm kẹp của mình đối với đất nước Somalia. Al-Shabaab thu thuế, tự ra phán quyết của tòa án và có cả đội quân đánh bom liều chết. Vào năm 2020, Tổng thống của nước láng giềng Djibouti, Ismaïl Omar Guelleh, bày tỏ lo ngại rằng nhóm chiến binh sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để mua ghế trong quốc hội Somalia. “Tôi sợ rằng chúng ta sẽ kết thúc với một quốc hội do Al-Shabaab gián tiếp kiểm soát,” ông nói. Ngay cả khi không có ảnh hưởng trực tiếp của quốc hội ngày nay, Al-Shabaab vẫn là một tác nhân điều hành ở nhiều vùng của đất nước, cung cấp các dịch vụ cạnh tranh hơn so với chính phủ liên bang. Ông Mahmood nhấn mạnh: “Chỉ gọi bọn họ là kẻ khủng bố và ngăn chặn bằng hành động quân sự là không đủ. Cần phải theo dõi dấu vết về mặt chính trị nữa”.

Mỹ tái triển khai binh sĩ tới Somalia là nhằm tạo ra một cuộc chiến chống Al-Shabaab, nhóm khủng bố có liên hệ với Al-Qaeda hiệu quả hơn. Các quan chức Mỹ lo ngại rằng khu vực Sahel của châu Phi đang trở thành lò luyện của các nhóm khủng bố. Họ từ lâu đã tin rằng Al-Shabaab có ý định tấn công Mỹ, mặc dù hiện tại lực lượng này thiếu khả năng để làm điều đó.

Yến Chi / ANTĐ